Tuesday, January 21, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao suất đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng/km cho dự...

Vì sao suất đầu tư lên tới 1.000 tỷ đồng/km cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam?

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 sắp tới, dự án đặt mục tiêu triển khai giải phóng mặt bằng toàn tuyến và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành năm 2035.

Mới đây, Chính phủ vừa có dự thảo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo Chính phủ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD).

Trong đó, ước tính các hạng mục chi phí bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 150.000 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 974.500 tỷ đồng; chi phí phương tiện đầu máy toa xe khoảng 110.376 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác khoảng 162.731 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 260.783 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 55.438 tỷ đồng.

“Trên tuyến có khoảng 60% kết cấu là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km (tương đương khoảng 1.073 nghìn tỷ đồng/km). Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác”, Chính phủ cho hay.

Về giá vé đường sắt tốc độ cao, theo tính toán của cơ quan soạn thảo, dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay giá rẻ trong điều kiện bình thường. Để phù hợp với khả năng chi trả, thu hút hành khách, vé đường sắt tốc độ cao chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau.

“Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt tốc độ cao có chiều dài lớn, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi để khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ đường sắt tốc độ cao”, Chính phủ cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới