Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Mồm loa mép giải”

“Mồm loa mép giải”

“Mồm loa mép giải”- câu thành ngữ quen thuộc này hàm ý phê phán kẻ to tiếng và lắm lời, nói át người khác cả khi họ là thủ phạm gây hậu quả.

Một nạn nhân tàu QNg 95739 TS được đưa đi điều trị.

Xét theo nghĩa ấy, Trung Quốc đang phơi mặt trước thiên hạ mình là như thế trước sự việc sử dụng lực lượng chấp pháp truy đuổi, hành hung, đánh đập dã man, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam ngày 29/9/2024 vừa qua.

Chưa đầy 1 tuần, câu chuyện vẫn còn nóng ran trong dư luận. Sau khi sự việc được xác minh, ngày 2/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã giao thiệp nghiêm khắc, phản đối cách hành xử ‘thô bạo’ của Trung Quốc với ngư dân tại quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam); yêu cầu không tái diễn…

Các nhà quan sát nhận định rằng, lâu lắm rồi, phát ngôn viên của Việt Nam mới ném về phía Bắc Kinh những ngôn từ nặng nề đến thế. Một số chuyên gia pháp ý biển còn thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn với nhận định: vụ việc mới cho thấy, sau thời gian im lặng, Bắc Kinh đang ráo riết áp dụng trở lại chiến thuật “vùng xám” thâm hiểm để gây hấn, đe dọa, buộc các bên, nhất là hai kẻ “bướng bỉnh” Việt Nam và Philippines, khuất phục tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc…

Cũng chẳng trách được sự nặng lời của Hà Nội nếu biết vụ việc vừa xảy ra nghiêm trọng như thế nào; Trung Quốc đã gây hấn, truy đuổi tàu cá Việt Nam ra sao; và đặc biệt, đội rằn ri 40 người của Trung Quốc, như những tên cướp biển thực sự, tràn sang tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) của Việt Nam đánh đập họ một tàn nhẫn, sau đó cướp đi ngư cụ tài sản…

Nên nhớ rằng, vụ việc xảy ra khi tàu cá QNg 95739 TS đang hành nghề trong ngư trường truyền thống, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nếu không nghiêm trọng, chắc câu chuyện cũng chỉ dừng ở mức độ lời qua tiếng lại, chao chát giữa Việt Nam và Trung Quốc; các nước khác, nếu có, cũng chỉ giữ thái độ trung lập là cùng.

Nhưng lần này thì khác. Bên Thái Bình Dương, ngày 3/10 vừa qua, ông Mathew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã nói rằng “Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9”.

Giữa lúc hai siêu cường gầm ghè nhau, Washington hẳn đã tính toán, cân nhắc lắm khi đưa ra một thông điệp như thế. Và chắc chắn, trước đó, họ đã hình dung ra sự cáu kỉnh của Bắc Kinh khi biết được phản ứng này.

Còn Philippines? Là nạn nhân nhiều nhất của Trung Quốc trong hai năm gần đây, Philippines không thể hiện thái độ sao được. Đó là chưa kể, biết đâu, thâm tâm, Manila lấy vụ việc đó làm mừng vì “san sẻ” bớt được cho người khác cái họa khiến họ mệt lử mấy năm qua, trong khi Việt Nam lại vẻ như đỡ bị Trung Quốc gây hấn hơn…

Có lẽ lời tố cáo nặng nề của Hà Nội cùng sự quan tâm đặc biệt của dư luận đã khiến Trung Quốc không thể “đánh bài lờ” như nhiều trường hợp. Ngay sau tố cáo của Việt Nam ngày 2/10, cùng ngày, tại Bắc Kinh, trả lời câu hỏi của phóng viên hãng AFP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng: “một sự cố” đã xảy ra với tàu của Việt Nam”. Tuy nhiên, kèm đó, quan chức ngoại giao này khẳng định lực lượng chấp pháp Trung Quốc “đã kiềm chế”, “ không làm ai bị thương”; cho rằng, các thông tin đưa ra về vụ việc là “không đúng tình tiết”…

Một lần nữa, người ta chứng kiến trò xảo ngôn của Bắc Kinh. 40 người mang đồ rằn ri tràn lên tàu cá QNg 95739 TS là tình tiết không đúng chăng? Những ngư dân bị thương, trong đó có người bị thương nặng vì hung khí, những cú đấm, đạp của lũ côn đồ rằn ri…không là người thật việc thật sao? Nhưng cú rượt đuổi bằng tàu thép, sau đó bằng 3 ca nô, là “không đúng tình tiết” sao?…

Những lời đôi chối trơ tráo của Bắc Kinh khiến nhiều người nhớ lại cách hành xử tương tự từng có. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2023, hàng chục tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hành nghề trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từng bị tàu Trung Quốc ngang nhiên áp sát, truy đuổi, dùng vũ khí uy hiếp tịch thu dụng cụ hành nghề, cướp đi hải sản đánh bặt được…Đối lại những tố cáo của Việt Nam, Trung Quốc luôn giở giọng đổ cho tàu Việt Nam vi phạm, xâm phạm vùng biển Trung Quốc, thậm chí cho rằng, tàu cá Việt Nam có những động thái khiêu khích trước…

Một vụ việc điển hình khác liên quan “vụ Cỏ Rong”. Ngày 9/6/2019, tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị tàu Yuemaobinyu 42212 (Trung Quốc) đâm chìm ở khu vực bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tàn nhẫn hơn, 22 ngư dân tàu tàu cá Gem-Ver 1 bị Trung Quốc bỏ mặc sống chết trên biển. May mắn, họ được được tàu cá Việt Nam cứu sống. Sự việc rành rành, do chính những ngư dân Philippines kể ra và khẳng định.Vậy mà, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines xác nhận vụ việc, nhưng cho rằng: tàu Trung Quốc muốn cứu mà đành chỉ nhìn, do sợ “từ 7-8 tàu khác của Philippines bao vây”…

Nực cười: kẻ côn đồ hành hung người khác, lại ai oán rằng: mình sợ bị bắt nạt! Lời nói dối trơ tráo đó đã khiến dư luận Philippines sục sôi, xuống đường biểu tình. Thậm chí, từng xảy ra những vụ đốt cờ Trung Quốc tại thủ đô Manila.

Mới thấy, “mồm loa mép giải” đã thành trò mà Trung Quốc thường mang ra “diễn” mỗi khi họ gây chuyện trên Biển Đông vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới