Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMối lo ngại của hải cảnh TQ trên Biển Đông

Mối lo ngại của hải cảnh TQ trên Biển Đông

Luôn hiện diện trong các căng thẳng trên Biển Đông, hải cảnh Trung Quốc gây ra nhiều mối lo khi thường xuyên có những hành động gây bất ổn, nhất là khi lực lượng này được chính quyền Trung Quốc trao quyền lực đầy nguy hiểm.

Mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Phạm Thu Hằng bày tỏ quan điểm về việc tàu chấp pháp Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN vào ngày 29.9.
Lực lượng gây hấn

Theo đó, bà Hằng nhấn mạnh: “Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982”.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu chấp pháp Trung Quốc trấn áp, gây thiệt hại cho tàu cá VN đang hoạt động hợp pháp. Tiên phong trong lực lượng tàu chấp pháp trên biển của Trung Quốc phải kể đến cơ số tàu hải cảnh (CCG) khá hùng hậu và thường hành xử thô bạo. Đầu năm 2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân VN ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, CCG còn gây ra nhiều vụ việc tương tự ở Biển Đông nhằm vào tàu cá VN.

Gần đây, giữa bối cảnh Trung Quốc và Philippines có nhiều căng thẳng trên Biển Đông, CCG cũng thường xuyên xuất hiện và đã gây ra nhiều va chạm. Đầu tháng 9, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn số liệu do Hải quân Philippines mới công bố cho thấy tổng cộng có 203 tàu thuộc CCG, tàu chiến và tàu của Lực lượng Dân quân biển Trung Quốc (CMM) được ghi nhận hiện diện ở Biển Đông từ ngày 27.8 – 2.9.
Rủi ro lộng quyền

Trong khi đó, với vai trò tiên phong trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông, CCG được chính quyền nước này trao những quyền hạn phi pháp.

Vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cho phép CCG áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 60 ngày không qua xét xử đối với người nước ngoài “vượt biên trái phép” qua vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Nhận xét về động thái này của Trung Quốc khi trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Việc Trung Quốc cho phép CCG được bắt giữ người nước ngoài trên biển như ở Biển Đông là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng luật pháp trong nước đối với khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ngay cả khi đó là tuyên bố chủ quyền phi pháp. Khi tiến hành một vụ bắt giữ như vậy, Trung Quốc tự tạo ra một bộ hồ sơ hành chính để tự hình thành nên một cơ sở dữ liệu để hợp pháp hóa việc thực thi luật pháp (dù phi pháp) trong khu vực. Qua đó, Bắc Kinh tự mở rộng quyền kiểm soát mà không cần sử dụng vũ lực”.

Tương tự, GS-TS Prakash Panneerselvam (Chương trình Nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế, Viện Nghiên cứu tiên tiến quốc gia Ấn Độ) đánh giá: “Nếu CCG bắt giữ người nước ngoài ở Biển Đông thì đó là hành động bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc vẫn cho phép là nhằm tìm cách khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Bằng cách cho phép bắt giữ, Trung Quốc đang báo hiệu ý định thực thi các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ hơn”.

Trước đó, đầu năm 2021, Trung Quốc cho phép CCG nổ súng chống tàu nước ngoài ở vùng biển “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”. Liên quan diễn biến này, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) phân tích: “Bắc Kinh tiếp tục sửa luật để cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trên biển. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp” để đảm bảo điều mà họ xem là “lợi ích” của Trung Quốc”.

Cùng quan điểm, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), lo ngại: “Các quy tắc được áp dụng cho vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng như cách hành xử lâu nay, Bắc Kinh né tránh mô tả chi tiết các vùng biển nào. Nói cách khác, thông qua các quy định trên, “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết”.

Được vũ trang hỏa lực mạnh và hỗ trợ cho các tàu dân binh gây rối, tàu CCG thực hiện nhiều hành động gây leo thang căng thẳng nhưng núp bóng dưới hình thức tàu chấp pháp để né tránh việc sử dụng sức mạnh quân sự gây sức ép. Chính vì thế, CCG bị xem là “hung thần” và trở thành lực lượng tiên phong phục vụ cho “Trò chơi quyền lực mạo hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông” như một nhận xét mới đây trên tờ The New York Times.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới