Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau tuyên bố ủng hộ Iran của TQ

Đằng sau tuyên bố ủng hộ Iran của TQ

Trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông, sự ủng hộ tinh thần của Bắc Kinh dành cho Tehran dường như không có mấy ý nghĩa.

Tiêu điểm tuần này: Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ tinh thần đối với Iran trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông; các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một mẫu tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc đã bị chìm hồi mùa hè; và thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến sự tăng vọt nhờ tin tức về gói kích thích kinh tế.

Trung Quốc nắm ảnh hưởng trong mối quan hệ với Iran

Quân đội Israel đã tiến vào Lebanon hôm thứ Ba, trong khi đó Iran phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa khác nhắm vào Israel. Giữa lúc căng thẳng leo thang vào tuần trước, Bắc Kinh đã cam kết sẽ ủng hộ Tehran. Trên thực tế, động thái này dường như không có mấy ý nghĩa: Mặc dù hai nước có mối quan hệ chặt chẽ, nhưng Trung Quốc vẫn là bên nắm hầu hết quyền lực – trong khi Iran khó có thể lôi kéo được Bắc Kinh vào một cuộc xung đột xa rời với các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Năng lượng tiếp tục là yếu tố then chốt trong mối quan hệ Trung Quốc – Iran. Hiện nay, hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran được chuyển đến Trung Quốc, chủ yếu được thu mua bởi các nhà máy lọc dầu tư nhân hoạt động trên thị trường chợ đen; tuy nhiên, vào năm 2019, Iran chỉ xếp thứ sáu trong danh sách các nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. (Dữ liệu gần đây khó xác định do dầu Iran bị ghi lại xuất xứ để tránh các lệnh trừng phạt.)

Vào năm 2021, hai nước đã ký một thoả thuận 25 năm, trong đó Trung Quốc cam kết các khoản đầu tư đáng kể vào Iran, đảm bảo nguồn cung dầu, đổi lấy sự đồng ý ngầm của Tehran trong việc không phản đối các cuộc đàn áp Hồi Giáo ở Trung Quốc cũng như không hỗ trợ cộng đồng người Ngô Duy Nhĩ đang bị ngược đãi.

Liệu xung đột leo thang giữa Israel và Iran có mang lại bài học quý giá nào cho Trung Quốc? Có thể có. Hoạt động mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Iran không còn có nhiều tiến triển, nhưng các công ty vẫn duy trì hợp tác trong các thoả thuận phát triển thiết bị bay không người lái (drone). Do đó, Bắc Kinh có thể đã có những hoài nghi riêng khi chứng kiến sự thất bại của cuộc tấn công hồi tháng Tư của Iran, khi mà cuộc tấn công này có sử dụng loại drone Shahed mà các công ty Trung Quốc có thể đang lấy làm mẫu phát triển.

Cuộc tấn công của Iran hôm thứ Ba chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo, nhưng Trung Quốc dường như vẫn theo dõi sát sao những nỗ lực đánh chặn tên lửa (có vẻ là thành công) của Israel, cho tên lửa của Trung Quốc hầu hết vận hành bằng công nghệ vốn đã tiên tiến hơn so với công nghệ của Iran – trong đó chính bản thân công nghệ của Iran một phần được phát triển nhờ thiết kế ngược các thiết bị mà Iran nhận được từ các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc vào những năm 1990.

Mặc dù Tehran không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đối với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể trong các tầng lớp tinh hoa của Trung Quốc. Những chuyến thăm chính thức giữa Trung Quốc và Iran diễn ra thường xuyên đến mức đáng ngạc nhiên, cùng với các các cuộc gặp quốc phòng song phương – trong các cuộc diễn tập chính thức, các chuyến thăm tới Trung Quốc, và thông qua các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức mà Iran đã gia nhập vào năm ngoái.

Vì vậy, đối với Trung Quốc, tác động chính của cuộc xung đột Trung Đông có thể là về mặt tâm lý. Sự hoài nghi của các quan chức Trung Quốc về năng lực tình báo của Mỹ – bất kể những hoài nghi này cũng phần nào hợp lý hoặc đơn thuần chỉ là tưởng tượng – được thổi phồng thêm bằng các cuộc đối thoại với những người bạn Iran. Chẳng hạn như, một số tuyên bố của Iran rằng cuộc Cách mạng Xanh năm 2009 là một âm mưu của CIA, ý tưởng này đã được hoan nghênh đón nhận tại Trung Quốc, nơi mà mỗi cuộc “cách mạng màu” đều bị xem là một âm mưu.

Thông tin về việc các quan chức Mỹ ngầm “bật đèn xanh” cho Israel tiến hành các cuộc đột kích vào Lebanon dường như càng củng cố niềm tin của Trung Quốc rằng đằng sau mọi rắc rối diễn ra trên toàn cầu đều có bàn tay của Mỹ nhúng vào. Hơn nữa, thuyết âm mưu bài Do Thái đã trở thành một phần của tư tưởng chủ đạo tại Trung Quốc, gắn liền với cách Bắc Kinh mô tả Washington như một “bậc thầy giật dây” thao túng các sự kiện toàn cầu.

Cái thiếu trong giới lãnh đạo Trung Quốc là không nắm được mức độ không được lòng dân của chế độ Iran ngay trong chính nước này; tuy nhiên, những học giả Trung Quốc am hiểu hơn – những người đã cố gắng lên tiếng về vấn đề này – lại phải đối mặt với những rắc rối chính trị, theo lời một chuyên gia phương Tây và đồng nghiệp của người này.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có các hành động để cân bằng trong mối quan hệ với Israel. Trong suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc và Israel có mối quan hệ hợp tác rất thành công trong lĩnh vực công nghệ, nhiều dấu ấn nhất là thời kỳ bùng nổ của Israel vào những năm 2000. Các quan chức Mỹ đã lặng lẽ tỏ ra không hài lòng về sự hợp tác này và tìm cách tác động để Israel rời xa Bắc Kinh.

Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với phong trào Palestine, đi kèm với thất bại khi không thể kiềm chế được chủ nghĩa bài Do Thái sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 đã gây tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Israel – dù vậy, mối quan hệ hai nước vẫn chưa hẳn là đổ vỡ. Các dự án do Trung Quốc tài trợ vẫn tiếp tục được khuyến khích và hiện diện khắp nơi ở Israel.

Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục ủng hộ Iran về mặt ngoại giao – và tận dụng mọi cơ hội để chỉ trích các chính sách của Mỹ, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với “chủ quyền” của Iran. Tuy nhiên, Trung Quốc không mấy mặn mà với việc đảm nhận một vai trò an ninh ở Trung Đông. Mặc dù các quan chức Mỹ có thể lo ngại về cái gọi là “Trục Giận dữ” (Axis of Anger), nhưng việc Trung Quốc “chống lưng” cho Iran – cũng như việc Trung Quốc thực chất ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine – đều chỉ vì lợi ích thực dụng và có mức độ giới hạn.

Chủ đề đang được quan tâm

Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc bị chìm. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hồi tuần trước, mẫu tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Trung Quốc đã bị chìm tại một xưởng đóng tàu ở Vũ Hán vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Sự cố này sẽ là một thất bại nghiêm trọng đối với quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc – và dường như thông tin về vụ chìm tàu đã hoàn toàn bị che đậy trong nước.

Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, chiếc tàu ngầm lớp Chu (Zhou) có vẻ đã bị chìm trong quá trình đóng tàu; không rõ có thương vong nào hay không. Sau đó, các cần cẩu đã được đưa vào để trục vớt tàu. Trên nền tảng X, hàng loạt tài khoản đã cố gắng khẳng định rằng câu chuyện của Mỹ là sai sự thật, điều khiến người ta liên tưởng đến các cuộc tấn công trực tuyến tương tự đã xảy ra trước đó nhằm vào các nhà nghiên cứu khi họ phát hiện một cơ sở hạt nhân mới và khá quan trọng của Trung Quốc vào năm 2021.

Vào tháng Tám năm ngoái, mạng xã hội của người Trung Quốc ở nước ngoài râm ran tin đồn rằng một tàu ngầm hạt nhân đã chìm gần Đài Loan, và không giống mọi lần, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản bác thẳng thừng tin đồn này. Dù tuyên bố mà Bộ Quốc phòng đưa ra có vẻ không mang tính xác thực là bao, nhưng sự cố này càng khẳng định rằng, phản ứng đầu tiên của các quan chức Trung Quốc luôn là cố gắng che đậy các thảm họa, thường là để bảo vệ chính bản thân họ.

Trong trường hợp của quân đội, sự mờ mịt thông tin là chiến lược có chủ đích và được áp dụng từ cấp trên xuống. Tương tự, vẫn chưa rõ liệu có nhiên liệu hạt nhân trên tàu hay không. Khi tác giả trao đổi với một chuyên gia Mỹ được mời tham dự các buổi diễn tập chung về an toàn trong ứng phó sự cố hạt nhân cùng phía Trung Quốc vào năm 2018, họ nhận xét rằng ưu tiên hàng đầu của đội ngũ Trung Quốc là kiểm soát thông tin, với giả định rằng càng ít thông tin công khai với công chúng thì càng tốt.

Kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc. Tuần này, tin tức ở Trung Quốc cập nhật khá chậm khi đất nước đang bước vào tuần lễ nghỉ lễ dài ngày trong tháng 10, kỳ nghỉ lớn thứ hai trong năm. Năm nay, tháng 10 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, bầu không khí ảm đạm hiện tại khiến các hoạt động kỷ niệm diễn ra khá khiêm tốn so với lễ kỷ niệm 70 năm vào năm 2019.

Khác với Tết Nguyên Đán với phong tục quen thuộc là thăm gia đình và người thân, kỳ nghỉ Quốc khánh thường là thời điểm cho các chuyến du lịch nước ngoài, đặc biệt là đến Đông Nam Á, và cho các sự kiện tôn vinh lòng yêu nước. Chi tiêu của người dân Trung Quốc cho du lịch trong tuần này sẽ là một chỉ số đánh giá “tâm trạng” nền kinh tế ở cấp độ hộ gia đình, cũng như cho biết được liệu có hy vọng nào trong việc thúc đẩy tiêu dùng hay không.

Công nghệ và Kinh doanh

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến đà tăng mạnh. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã phản ứng nhiệt tình trước gói kích thích kinh tế được công bố tuần trước, với thị trường chứng khoán tại cả Thượng Hải và Hồng Kông tăng vọt, khép lại tháng tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế khác vẫn ảm đạm, với lĩnh vực sản xuất tiếp tục trải qua 5 tháng suy giảm.

Các biện pháp kích thích kinh tế đã mang lại một làn sóng phấn khởi hiếm hoi trong bối cảnh ảm đạm – dù một số người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp này. Dù vậy, thị trường chứng khoán của Trung Quốc vẫn còn tương đối hạn chế và rất dễ bị chính phủ can thiệp, vì vậy những tín hiệu như thế này không phải là chỉ số tốt nhất để đánh giá tình hình.

Tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc vẫn chủ yếu nằm ở bất động sản. Một đợt nới lỏng nữa đối với các quy định hạn chế mua nhà đã làm biến động một số cổ phiếu, nhưng khó có thể giúp thị trường đang trong trạng thái từ từ sụp đổ chuyển sang hồi phục. Nan giải là dân số Trung Quốc đang giảm: Những căn hộ trống, chỉ được mua để đầu tư thay vì để ở, đang là một vấn đề ở các thành phố lớn và giờ đây có thể sẽ không bao giờ tìm được người mua.

EU bỏ phiếu áp thuế xe điện Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bỏ phiếu vào thứ Sáu tới để xem có nên “theo bước” Mỹ, áp đặt thuế quan nghiêm ngặt đối với các xe điện được sản xuất tại Trung Quốc hay không. Trung Quốc đã tích cực vận động hành lang chống lại các biện pháp kiểm soát được đề xuất, trong số các đề xuất có những mức thuế có thể lên tới 45%, nhưng giống như Mỹ, các nước EU cũng nhận ra rằng họ đang tụt lại phía sau thị trường xe điện của Trung Quốc và đang tìm cách tạo một môi trường thuận lợi để bắt kịp trong mảng xe điện.

Liên minh châu Âu có khả năng sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về xe điện với Trung Quốc ngay cả sau khi bỏ phiếu. Trong khi đó, thị trường xe điện nội địa của Trung Quốc cũng đang trong tình trạng khủng hoảng vì “cung vượt xa cầu”. Điều này khiến một số xe điện không thể sử dụng hoặc tiềm ẩn nguy hiểm khi sử dụng – đặc biệt là những chiếc xe được sản xuất bởi WM Motor, một công ty đã nộp đơn phá sản vào năm ngoái và ngừng cung cấp hỗ trợ phần mềm cho các sản phẩm của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới