“Trục kháng chiến” gồm một loạt các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, bao gồm nhóm Hamas của người Palestine, phong trào Hezbollah ở Lebanon, phong trào Houthi ở Yemen và hàng loạt nhóm vũ trang ở Iraq và Syria.
Theo Sky News, các nhóm trên được thành lập từ cách đây nhiều năm với sự hỗ trợ của Iran và tự mô tả mình là “Trục kháng chiến” chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel ở Trung Đông.
Vệ binh cách mạng Iran và lực lượng Quds tinh nhuệ của nước này được cho là đã cung cấp hàng triệu USD để trang bị vũ khí và huấn luyện các nhóm vũ trang khắp Trung Đông nhằm khẳng định sức mạnh trong vùng.
Trục kháng chiến này là một phần then chốt trong chính sách đối ngoại của Iran, nhằm làm cho các đối thủ như Israel và Ảrập Xêút mất ổn định. Dưới đây là các lực lượng khác nhau ở khắp Trung Đông được Tehran hậu thuẫn.
Hezbollah
Hezbollah nghĩa là “đảng của Chúa trời”, được thành lập năm 1982. Đây là lực lượng ủy nhiệm hùng mạnh và được trang bị vũ khí tốt nhất. Trong những tuần gần đây, Hezbollah đã gây ra nhiều lo ngại cho Israel, đặc biệt khi Tel Aviv bắt đầu một chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon hôm 1/10. Sự hiện diện đông đảo của Hezbollah ở miền nam Lebanon, gần biên giới với Israel khiến nhóm này trở nên vô cùng quan trọng về mặt chiến lược đối với Iran.
Cuối tuần trước, thủ lĩnh quân sự và chính trị của Hezbollah – Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại Beirut, thủ đô của Lebanon. Là một nhà hùng biện đầy nhiệt huyết và sôi nổi, ông Nasrallah là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong “Trục kháng chiến” của Iran. Cái chết của ông được coi là một đòn giáng mạnh vào tất cả các nhóm liên quan.
Hamas và các nhóm quân Palestine
Iran cũng tài trợ cho Hamas. Các nhà phân tích tin rằng việc Hamas dùng máy bay không người lái (UAV) để áp đảo hệ thống phòng thủ Vòm sắt nổi tiếng của Israel trong vụ tấn công ngày 7/10/2023 là bằng chứng cho thấy sự liên quan của Iran.
Tuy nhiên, Tehran đã tạm thời rút tiền tài trợ cho Hamas khi tổ chức này lên tiếng ủng hộ những người biểu tình chống Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến ở Syria.
Nhóm Hồi giáo Jihad của Palestine cũng như Mặt trận Bình dân Giải phóng Palestine (PFLP) và Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine (DFLP) cũng nhận được tiền tài trợ của Iran.
Các nhóm ở Syria
Chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad cũng là một phần của “Trục kháng chiến”, song không giữ vai trò trực tiếp nào trong cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông.
Trong nhiều thập niên, chính phủ Syria đã là đồng minh thân cận của Iran và các lực lượng được Iran hậu thuẫn đã triển khai trên khắp Syria kể từ khi họ tới nước này cách đây hơn một thập niên để hỗ trợ Tổng thống Assad khi nội chiến xảy ra tại đây.
Về mặt chiến lược, cũng như quân đội của ông Assad, Iran cũng hậu thuẫn một số nhóm ủng hộ chính phủ, đề phòng trường hợp chế độ của ông Assad sụp đổ.
Các nhóm được Iran hỗ trợ bao gồm Lữ đoàn Fatemiyoun, Lữ đoàn Baqir, Lữ đoàn Zainebiyoun và Quwat al Ridha.
Yemen và Houthi
Iran dùng phiến quân Houthi, một trong ba nhóm chiến đấu giành quyền lực ở Yemen, làm “lực lượng ủy nhiệm” để gây sức ép lên hai đối thủ chính trong khu vực là Israel và Ảrập Xêút.
Tháng trước, Houthi đã bắn một tên lửa ào miền trung Israel. Các quan chức địa phương cho hay, các phần của tên lửa đã rơi xuống một nhà ga tàu hỏa và khu vực trống không có người ở.
T.P