Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiIsrael “bướng bỉnh”?

Israel “bướng bỉnh”?

“Washington muốn ông Netanyahu tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, ông ấy đã từ chối. Chính quyền Mỹ đương nhiệm đề nghị Israel không tiến vào Lebanon, họ vẫn làm vậy. Ông Netanyahu thậm chí còn cảnh báo về khả năng mở rộng xung đột với Iran”.

Cuộc chiến tại Trung Đông ngày một leo thang căng thẳng

Đó là những gì người dẫn chương trình của đài CBS (Columbia Broadcasting System) Hoa Kỳ, nêu ra, trước khi chốt hạ câu hỏi với bà Kamala Harris – Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên của Đảng Dân chủ cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp tới: “Vậy ông ấy có được coi là ‘đồng minh thân cận’ của Mỹ hay không?”.

Một câu hỏi khó cho bà Harris trong thời điểm nhạy cảm trước thềm cuộc bầu cử. Bảo rằng “không” – điều đó không chỉ là thừa nhận Washington bất lực trước một đồng minh thân cận, mà còn khiến dư luận cho là tín hiệu Mỹ có thể bỏ rơi Israel.

Ngược lại, nếu gật đầu, chẳng hóa ra Nhà Trắng xác nhận dung túng những hành động có thể đẩy cuộc chiến Trung Đông tới một nấc thang chiến tranh mới không chỉ tàn phá khu vực Trung Đông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Mối lo lắng càng tăng thêm khi đêm 1/10, Iran khai hỏa hàng trăm tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel, cùng lời tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu: “sẽ buộc Tehran trả giá”…

Thoái thác trả lời cũng chẳng khôn ngoan. Bởi với cử tri xứ Cờ hoa, xử lý cuộc chiến ở dải Gaza hiện nay là một trong những “bài test trí tuệ” dưới góc độ lợi ích của nước Mỹ, đối với các ứng cử viên khi quyết định chọn ai thành ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Trước tình thế oái ăm này, bà Harris nói rằng: “Với tất cả sự tôn trọng, câu hỏi quan trọng hơn hiện nay là liệu người dân Mỹ và Israel có phải là đồng minh thân cận hay không. Và câu trả lời là có”.

Có thể còn ai đó mỉa mai câu trả lời này trung dung về một trong những vấn đề đang nóng bỏng toàn cầu. Nhưng với giới quan sát, bà Harris đã thành công. Thành công bởi nó cho thấy: một mặt, Washington nghiêm khắc “uốn nắn” ông Netanyahu rằng cái gì cũng có giới hạn; mặt khác, nó là thông điệp không chỉ gửi cho Israel, mà cho tất cả các đồng minh khác, rằng Mỹ không bao giờ bỏ rơi đồng minh của mình…

Tuy nhiên, trong một cách nhìn khác, vẫn có những nhà phân tích quốc tế bình luận: cách ứng xử kiểu “nước đôi” quá khôn ngoan của bà Harris chẳng kiềm chế nổi Israel, ngược lại, còn khiến đồng minh này tiếp tục những hành vi quá trớn.

Quá trớn, vì Jerusalem hiểu được giá trị của mình đối với Mỹ. Không bằng lòng, nhưng với Washington, đồng minh Israel vẫn là một con bài quan trọng trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông – một trong những khu vực bất ổn nhất, và còn lâu những xung đột giữa Israel với các nước Ả Rập mới có thể giải quyết triệt để. Nhân tố Israel với Mỹ càng tăng thêm khi các quốc gia như Iran, Sirya ngày một tỏ ra thù địch Mỹ; bên cạnh đó, còn là sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nga…

Vậy thì, cần phải tính đến “nắn gân” Israel bằng cách cắt phéng đi những khoản viện trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ và phương Tây chăng? Tuy nhiên, ngay cả giải pháp này, Israel cũng đâu có sợ. Bằng chứng là, không chỉ lên án các nhà lãnh đạo phương Tây, nhất là Pháp, ủng hộ lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel, ngày 5/10 vừa qua, ông Netanyahu còn tỏ ra “bất cần”, thách thức lại rằng: Israel sẽ chiến thắng dù có hay không có sự hỗ trợ của các quốc gia đó…

Dám sòng phẳng đến thế với phương Tây bởi ông Netanyahu nắm thóp được những gì hàm chứa trong thông điệp nước đôi của bà Harris đại diện cho Washington.

Một khi đã “đi guốc” được trong bụng Mỹ, với “trí tuệ Do Thái”, dễ gì chính quyền của ông Netanyahu không khai thác. Chứng minh điều này, có nhà quan sát đã dẫn ra một số thí dụ gần nhất về “sự quá trớn có hệ thống” của Israel đối với Mỹ.

Đầu tháng 9 vừa qua, khi đặc phái viên Nhà Trắng Amos Hochstein gặp Thủ tướng Netanyahu yêu cầu Israel nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm đẩy nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn ra khỏi biên giới phía bắc. Kết quả là gì? Ngay sau đó vài giờ, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah phát nổ khắp Lebanon khiến 39 người chết và hàng nghìn người bị thương. Chưa hết, tiếp theo còn dữ dội hơn: Israel thực hiện hàng loạt vụ không kích vào các vị trí của Hezbollah, gây nên một “ngày đẫm máu” cướp đi sinh mạng của hơn 500 người…

Ngày 25/9, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ và Pháp còn đương lạc quan về dấu hiệu phía Israel hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao, trong đó có đề xuất chung của hai thành viên Hội đồng Bảo an (Pháp và Mỹ), về lệnh ngừng bắn tạm thời trong 21 ngày giữa Israel và Hezbollah “để tạo điều kiện tiến hành đàm phán”, thì bất ngờ, ông Netanyahu bác bỏ thông tin Israel nhất trí với đề xuất ngừng bắn này.

Cơn cáu giận của Mỹ và Pháp dâng cao hơn khi chỉ sau đó 2 ngày, ông Netanyahu, trong chuyến công du dự Thượng đỉnh LHQ ngay tại New York, đã vẫn phớt lờ Nhà Trắng, ra lệnh không kích hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah…

Từ những gì diễn ra, không ít nhà quan sát cho rằng: thời điểm này, khi cuộc xung đột tại Trung Đông căng thẳng, khốc liệt tới đỉnh điểm, với Washington, ông Netanyahu sẽ còn là nhân vật khó bảo hơn nhiều.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới