Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMột năm xung đột Trung Đông: Thảm họa nối tiếp thảm họa

Một năm xung đột Trung Đông: Thảm họa nối tiếp thảm họa

Hôm nay (7/10), tròn một năm nổ ra cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Phong trào Hamas. Sau 1 năm, xung đột đã cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn dân thường vô tội, biến dải Gaza thành một trong những vùng đất chết chóc và có điều kiện sống tồi tệ nhất trên hành tinh.

Dải Gaza bị tàn phá nặng nề do xung đột giữa Israel và Hamas.

Không chỉ có vậy, xung đột còn đang không ngừng lan rộng và lôi kéo thêm nhiều lực lượng khác ở cả trong và ngoài khu vực tham gia. Thảm họa nối tiếp thảm họa song dư luận lo sợ điều tồi tệ nhất thậm chí vẫn còn chưa xảy đến.

Sau một năm bùng phát, cuộc xung đột đẫm máu tại Gaza đã cướp đi mạng sống của gần 42.000 người Palestine, khiến gần 100.000 bị thương, buộc gần 2 triệu người phải đi lánh nạn và đối mặt tình cảnh sống cực kỳ tồi tệ. Xung đột cũng tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng tại Gaza với khoảng 60% số công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường xá… bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá tình trạng nhân đạo tại Gaza là cực kỳ nghiêm trọng, tồi tệ hơn cả một thảm họa.

Không chỉ có vậy, xung đột Gaza còn châm ngòi cho hàng loạt điểm nóng khác bùng phát tại khu vực như khu Bờ Tây, trên Biển Đỏ và đặc biệt là dọc biên Israel-Lebanon. Đến nay, khi cuộc xung đột Gaza bước sang năm thứ hai, cuộc đối đầu vũ trang giữa quân đội Israel và Phong trào Hezbollah ở Lebanon cũng bước vào một giai đoạn leo thang mới vô cùng khốc liệt và đẫm máu. Theo đó, sau gần một năm đấu hỏa lực xuyên biên giới, ngày 30/9 vừa qua, quân đội Israel và các tay súng Hezbollah chính thức bước vào các cuộc cận chiến ác liệt bên trong lãnh thổ Lebanon.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho biết, tổng số thương vong ở Lebanon trong một năm qua đã vượt quá 10.000 người, trong đó khoảng 2.000 người thiệt mạng. Đặc biệt, chỉ trong tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tháng 10/2024, gần 1,3 triệu người ở Lebanon đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và hầu hết trong số này hiện đang phải đối mặt với điều kiện sống hết sức khó khăn, trong khi mùa đông lạnh giá đang cận kề. Viết trên mạng xã hội X hôm 5/10, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo Lebanon đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng khủng khiếp”.

Tuy nhiên, đó thậm chí chưa phải là thảm họa cuối cùng và đáng lo ngại nhất. Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài khu vực, hệ quả tồi tệ và đáng lo ngại hơn cả xuất phát từ cuộc xung đột Gaza chính là nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thảm khốc đẫm máu giữa Israel và Iran, hai quốc gia cùng sở hữu kho vũ khí khổng lồ. Tối 1/10 vừa qua, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) mở cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn đánh phá hàng loạt căn cứ quân sự tại Israel.

Cuộc tấn công nhằm đáp trả các vụ ám toán mà Israel bị cáo buộc thực hiện, sát hại thủ lĩnh cao nhất của các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn là Hamas và Hezbollah cũng như chính các thành viên cấp cao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy nửa năm, Iran tấn công trực diện vào Israel, đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng nhất trong gần nửa thế kỷ đối đầu căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch.

Sau cuộc tấn công của Iran, giới chức Israel thề sẽ giáng trả khốc liệt. Một loạt thông tin rò rỉ những ngày qua cho thấy mục tiêu đáp trả của Israel có thể bao gồm các cơ sở hạt nhân, hạ tầng dầu mỏ và căn cứ quân sự của Iran. Đáp lại, giới chức Iran cảnh báo sẵn sàng tấn công hạ tầng năng lượng cùng các cơ sở trọng yếu tại Israel, nếu các mục tiêu nhạy cảm tại quốc gia Hồi giáo bị không kích.

Theo giới phân tích, với kho vũ khí khổng lồ của cả Israel và Iran, chưa kể sự tham gia gần như chắc chắn của Mỹ và một số lực lượng khác, một khi kịch bản tấn công trả đũa “ăn miếng trả miếng” giữa Tel Aviv và Tehran xảy ra, hậu quả của nó sẽ là cực kỳ nặng nề, có thể khiến toàn bộ khu vực Trung Đông đối mặt với một thảm họa tồi tệ hơn gấp nhiều lần những gì đã xảy ra tại cả dải Gaza và Lebanon trong một năm qua, bất kể trên góc độ nhân đạo, an ninh hay kinh tế-xã hội.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới