Quan điểm xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh tự do hàng hải, hàng không quốc tế; các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); Nhật Bản phản đối hành vi thay đổi nguyên trạng, lên án các hành động hung hăng bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc.
Nhật Bản thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật trên vấn đề Biển Đông. Ngay sau khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông tháng 7/2016, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida khi đó đã ra tuyên bố, khẳng định phán quyết của PCA là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ: “Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển”. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị AMM 49 tháng 7/2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã hối thúc Bắc Kinh chấp nhận và tuân thủ phán quyết của PCA, tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng tại vùng biển tranh chấp.
Tinh thần thượng tôn pháp luật còn được thể hiện trong công hàm của Nhật Bản gửi lên Liên hợp quốc tháng 1/2021, trong đó Nhật Bản nêu rõ quan điểm pháp lý của mình trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông; bác bỏ yêu sách về “đường chin đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và một lần nữa khẳng định giá trị pháp lý của phán quyết năm 2016 về Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng và thực thi phán quyết. Nhật Bản cũng ủng hộ xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với UNCLOS.
Nhật Bản luôn ủng hộ việc thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Thực tế cho thấy, Nhật Bản đã đưa ra lời kêu gọi các bên thực hiện nghiêm quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; ủng hộ việc đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào các hội nghị của ASEAN và các diễn đàn đa phương khác, kể cả tại Liên hợp quốc. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, lãnh đạo Nhật Bản đều chủ động thảo luận các vấn đề tự do hàng hải, hàng không và an ninh Biển Đông. Trong quan hệ ngoại giao với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Malaysia…, Nhật Bản kêu gọi xây dựng mạng lưới quan hệ với mắt xích là vấn đề biển. Nhật Bản luôn chủ động thảo luận với lãnh đạo các nước Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Ấn Độ… về vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp song phương, 3 bên hoặc 4 bên (nhóm “Bộ Tứ”).
Nhật Bản tích cực hỗ trợ các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia… nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển thông qua các hình thức như cung cấp tàu tuần tra, trang thiết bị tăng cường khả năng cảnh báo trên biển, giúp các nước này xây dựng lực lượng tiền duyên kiềm chế Trung Quốc. Nhật Bản thông qua các khoản viện trợ ODA để hỗ trợ các nước này nâng cao khả năng phòng thủ trên biển. Năm 2022, Nhật Bản thành lập khuôn khổ hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) để hỗ trợ các thiết bị quân sự cho các nước đối tác. Các nước ven Biển Đông như Malaysia, Philippines, Việt Nam đã lần lượt được đưa vào danh sách hỗ trợ trong khuôn khổ OSA năm tài khoá 2023 và 2024 của Nhật Bản. Giới phân tích quân sự nhận định khiến cùng với việc nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí, việc thành lập OSA giúp Nhật Bản có thể chuyển giao trang bị quân sự thuận tiện hơn cho các nước ven Biển Đông.
Nhật Bản chủ động thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng song phương với Philippines và Việt Nam – 2 nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông. Với Việt Nam, năm 2021 Tokyo đã ký với Hà Nội thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kihara tháng 8/2024, Nhật Bản đã quyết định chuyển giao 2 xe vận chuyển vật liệu đa năng cho phía Việt Nam, đây là dự án đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước. Tháng 11/2023, Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành đối tác chiến lược toàn diện, tạo điều kiện cho hai bên làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh để đối phó với các thách thức trên biển.
Với Philippines, ngày 08/07/2024, Manila và Tokyo đã ký kết Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA)- một thoả thuận quốc phòng quan trọng, cho phép triển khai quân đội mỗi bên tại quốc gia đối tác ký kết, tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể cùng Philippines tiến hành diễn tập, tuần tra chung. Giới quan sát nhận định bằng cách tiếp cận này, Tokyo có thể can dự sâu hơn vào Biển Đông.
Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong khuôn khổ đồng minh quân sự để can dự vào Biển Đông, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản còn cùng Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác 3 bên, tháng 4/2023 Nhật Bản đã tham gia cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên Philippines-Mỹ-Nhật Bản do Mỹ tổ chức để thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự với tư cách 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực. Khuôn khổ hợp tác 3 bên đối phó với thách thức từ Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trong việc hỗ trợ cho Philippines nâng cao năng lực phòng thủ và năng lực quản lý trên biển, chẳng hạn như: Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang Philippines, Nhật Bản cung cấp trang bị cho lực lượng chấp pháp bảo vệ bờ biển Philippines.
Tokyo còn tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông thông qua việc tàu chiến của Nhật Bản thường xuyên ghé thăm cảng các nước ven Biển Đông, kể cả những nơi mang tính nhạy cảm cao như tàu chiến và tàu ngầm Nhật Bản đã nhiều lần cập cảng tại vịnh Subic của Philippines-nơi trước đây từng là căn cứ quân sự của Mỹ; tàu chiến Nhật Bản cũng nhiều lần ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, một cảng nước sâu đã từng là quân cảng của Mỹ dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hoà và là căn cứ đóng quân của Liên Xô những năm 80 của Thế kỷ trước. Bên cạnh đó, Nhật Bản nhiều lần tiến hành diễn tập chung song phương với Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia…. Thời gian gần đây, Nhật Bản còn tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ, Úc ở Biển Đông
Giới quan sát có chung nhận định quan điểm của Nhật Bản trên vấn đề Biển Đông là đồng nhất với quan điểm của các nước nhỏ ven Biển Đông; những hỗ trợ của Nhật Bản đối với các nước ven Biển Đông có ý nghĩa quan trọng giúp các nước này nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp lý trên biển để đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhìn chung, việc Nhật Bản sâu hơn vào Biển Đông là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông và trở thành yếu tố quan trọng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vậy điều gì khiến Nhật Bản có quan điểm khách quan và tích cực trên vấn đề Biển Đông? Chúng ta có thể chỉ ra 2 một điểm chính sau:
Một là, Nhật Bản cũng là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Bắc Kinh. Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông mà cụ thể là quần đảo Senkaku/Điều Ngư đang do Nhật Bản quản lý. Trên thực tế, những gì các nước ven Biển Đông phải gánh chịu từ sự hung hăng của Bắc Kinh thì Nhật Bản cũng phải chịu đựng. Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” không chỉ ở Biển Đông mà cả ở Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng thường xuyên xâm nhập trái phép vùng biển của Nhật Bản như họ thường xuyên làm với các nước ven Biển Đông. Máy bay quân sự Trung Quốc cũng thường xuyên xâm phạm vùng trời của Nhật Bản như họ vẫn hoành hành ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gây sức ép với Tokyo về chủ trương “cùng khai thác” như họ đang làm với các nước ven Biển Đông. Giới chuyên gia nhận xét rằng từ những điều kể trên có thể thấy Nhật Bản và các nước ven Biển Đông trở thành “đồng minh tự nhiên” trong cuộc đối đầu với sự bành trướng của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích chiến lược cho rằng nếu Trung Quốc khống chế, kiểm soát, thống trị được Biển Đông thì họ sẽ rảnh tay để triển khai các hành động hung hăng gây hấn với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Dù không liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song Nhật Bản nhận thức rõ nếu để Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc thì sẽ rất bất lợi cho Tokyo đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông. Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm hạn chế tối đa những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Khi phải cùng lúc đối phó trên 2 mặt trận Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ phải phân tán lực lượng khiến sức mạnh của Bắc Kinh giảm đi.
Hai là, với tiềm lực kinh tế của mình, Nhật Bản muốn nâng cao hơn nữa vị thế vai trò của mình ở khu vực. Can dự sâu vào Biển Đông giúp Tokyo tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, nâng cao vai trò của Nhật Bản trong vấn đề an ninh khu vực. Hỗ trợ các nước ven Biển Đông về kinh tế và an ninh sẽ tạo hình ảnh của nước Nhật Bản yêu chuộng hoà bình đối lập hoàn toàn với một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến, luôn cưỡng ép, bắt nạt láng giềng. Qua đó, Nhật Bản có thể xây dựng được hình ảnh nước lớn ở khu vực.
Mục tiêu của Nhật Bản là phát huy vai trò nước lớn của khu vực trong các vấn đề an ninh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Để đạt được điều đó trước mắt Nhật Bản phải có vai trò, vị thế lớn hơn ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông. Tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ các nước ven Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc hạn chế, ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.
Mặt khác, là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, Nhật Bản có trách nhiệm chia sẻ “gánh nặng” với Mỹ. Can dự sâu hơn vào Biển Đông nghĩa là hỗ trợ Mỹ triển khai chiến lược kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực. Việc Nhật Bản phối hợp với Philippines hay Úc (hai đồng minh của Mỹ ở khu vực) trong các hoạt động tuần tra, diễn tập ở Biển Đông là những hoạt động cụ thể đồng hành cùng Mỹ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ – Trung ở Biển Đông và trong khu vực, Washington cần sự hỗ trợ từ Nhật Bản và các đồng minh khác. Giới chuyên gia nhận định so với Mỹ thì Nhật Bản ít nhạy cảm hơn trong hợp tác an ninh quốc phòng với các nước Đông Nam Á, nhất là với các nước ven Biển Đông. Đây là lý do tại sao hợp tác an ninh trên biển với Nhật Bản dễ được các nước ven Biển Đông đón nhận hơn. Hỗ trợ các nước ven Biển Đông nâng cao khả năng phòng thủ và quản lý biển là đóng góp thiết thực của Nhật Bản vào thực hiện cam kết đồng minh Nhật-Mỹ ở khu vực. Chúng ta tin rằng trước sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông thì sắp tới đây sẽ còn nhiều hơn nữa các hoạt động song phương và đa phương giữa Nhật Bản với Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông. Đây là điều mà các nước ven Biển Đông đang rất cần để đối phó với sự hung hăng của Bắc Kinh. Hy vọng với việc ông Ishiba Shigeru, cựu Bộ trưởng Quốc phòng – một nhân vật được coi là có quan điểm cứng rắn trong đối đầu với Trung Quốc, trở thành Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nước ven Biển Đông để ngăn cản sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông.