Friday, November 15, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếVấn đề an ninh Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm...

Vấn đề an ninh Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ năm 2024

Ngày 21/9/2024, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm Bộ tứ đã diễn ra tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ).

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp với cuộc chiến Ukraine chưa có hồi kết và xung đột ở Trung Đông ngày càng mở rộng, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc gia tăng các hành động hung hãn nhằm vào Philippines ở Biển Đông và gia tăng các hoạt động quân sự gây sức ép với Nhật Bản và Đài Loan, Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cùng Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã trao đổi sâu rộng các vấn đề liên quan tới an ninh khu vực, đồng thời đưa ra những sáng kiến cụ thể nhằm xây dựng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở dựa trên pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ sự hoan nghênh chuyến thăm của các nhà lãnh đạo tới bang Delaware, quê hương của ông, đồng thời nhấn mạnh rằng, 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cần nỗ lực tăng cường hợp tác cùng nhau về mặt chiến lược để nâng tầm Nhóm Bộ Tứ, cũng như nâng cao vị thế, tầm quan trọng của Nhóm trong thời gian tới.

Trong cuộc họp kín với 3 nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Trung Quốc tiếp tục thử thách chúng ta trên khắp khu vực”. Tổng thống Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang tập trung xử lý “những thách thức kinh tế trong nước”, nhưng cũng “tìm cách mở rộng không gian ngoại giao, theo quan điểm của tôi, để theo đuổi lợi ích của nước này một cách quyết liệt”. Ông Biden khẳng định những nỗ lực mạnh mẽ gần đây của Washington nhằm giảm căng thẳng, bao gồm cả cuộc điện đàm của ông Biden với ông Tập vào tháng 4-2024, đang giúp ngăn ngừa xung đột. Giới truyền thông khi đưa về các thông tin này cho rằng thông tin đã bị rò rỉ do sự cố micro, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng có thể sự rò rỉ thông tin là do sự cố ý của Nhà Trắng nhằm truyền thông điệp cảnh cáo tới Bắc Kinh.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh: “Trong bối cảnh môi trường an ninh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với những diễn biến phức tạp, khó lường, và trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền đang bị đe dọa, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ cũng như các quốc gia khác có cùng chí hướng cần tăng cường hợp tác, nhất là an ninh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh khu vực này luôn tự do và rộng mở”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, toàn diện và thịnh vượng là ưu tiên và cam kết chung của chúng tôi”.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese nói với các phóng viên hôm 20/9 rằng Canberra và Washington chia sẻ mối quan ngại về tham vọng an ninh của Trung Quốc tại các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tìm kiếm vai trò cảnh sát ngày càng tăng. Ông Anthony Albanese nói: “Chúng tôi sẽ thảo luận về những cách thức mà chúng tôi có thể cung cấp thêm hỗ trợ trong khu vực cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả hành động mà chúng tôi đang cùng nhau thực hiện về biến đổi khí hậu và hỗ trợ an ninh năng lượng của họ”.

Một sáng kiến nổi bật được các nhà lãnh đạo đưa ra tại hội nghị lần này là kế hoạch tổ chức các cuộc tuần tra chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, bắt đầu từ năm 2025, cũng như mở rộng chương trình đào tạo cho các quốc gia khác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển, và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra, Nhóm Bộ tứ cũng đã công bố một loạt sáng kiến nhằm mang lại tác động tích cực cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác trong các hoạt động hậu cần quân sự và cung cấp các công nghệ hàng hải mới cho các đối tác của nhóm.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cuộc tuần tra đầu tiên của các lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhóm Bộ tứ sẽ do Mỹ chỉ huy, song địa điểm cụ thể của cuộc tuần tra chưa được tiết lộ. Giới chuyên gia nhận định, qua việc hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, các quốc gia Bộ tứ không chỉ tăng cường an ninh cho khu vực mà còn khẳng định cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các nhà quan sát nhận định kế hoạch về tổ chức các cuộc tập trân chung của lực lượng bảo vệ bờ biển 4 nước là bước đi cụ thể của Nhóm Bộ tứ trong việc mở rộng sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (IPMDA)” được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ tại Nhật Bản cách đây 2 năm.

Giới phân tích cho rằng, các sáng kiến an ninh hàng hải mới được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường các hành động hung hăng, gây sức ép lên các đối thủ tranh chấp lãnh thổ của mình ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Họ nói rằng sáng kiến này cũng sẽ đại diện cho sự chuyển hướng trọng tâm hơn nữa trong các hoạt động của Nhóm Bộ tứ sang các vấn đề an ninh, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về ý định của Trung Quốc.

Sau Hội nghị các bên ra Tuyên bố chung, trong đó lãnh đạo 4 nước phản đối các nỗ lực cản trở hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác, đồng thời tái khẳng định rằng các tranh chấp trên biển phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các lãnh đạo Bộ tứ khẳng định rằng luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng với việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và ổn định trong lĩnh vực hàng hải, phải được ưu tiên hàng đầu.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tái khẳng định rằng UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên đại dương và biển. Chúng tôi nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 liên quan vấn đề Biển Đông là một cột mốc quan trọng và là cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên”.

Trong tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh, 4 nước thành viên Nhóm Bộ tứ đã bày tỏ lo ngại về tình hình quanh Trung Quốc, nhưng không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh. Tuyên bố chung viết: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, đồng thời lên án “những hành động cưỡng bức và hăm dọa” ở Biển Đông. Đánh giá về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Chuyên gia về châu Á tại trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ (Center for a New American Security), Lisa Curtis, nhấn mạnh “sáng kiến mới của Nhóm Bộ tứ về an ninh hàng hải sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ nhắm tới Trung Quốc”. Theo bà Curtis, hội nghị lần này đưa ra một thông điệp, đó là khối này sẽ “phối hợp hành động với liên minh của các quốc gia có cùng chí hướng, để đáp trả những hành động hù dọa trên biển” của bất kỳ một quốc gia nào. Chuyên gia Lisa Curtis cho rằng nhiều khả năng những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông có thể khiến Ấn Độ (nước luôn có sự thận trọng trong hợp tác an ninh của Nhóm Bộ tứ) “thay đổi quan điểm”, nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh trong Nhóm Bộ tứ.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ lần này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tương lai của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79, do vậy các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuyên bố chung sau hội nghị nêu rõ: “Chúng tôi sẽ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhận ra nhu cầu cấp thiết phải làm cho tổ chức này mang tính đại diện hơn, toàn diện hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn thông qua việc mở rộng các thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”. Tuyên bố chung có đoạn: “Chúng tôi nhắc lại nhu cầu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Giới phân tích nhận định việc Nhóm Bộ tứ nêu ra nội dung liên quan đến Liên hợp quốc cũng là xuất phát từ yêu cầu khách quan là ngăn chặn những hành vi coi thường luật pháp quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc đang diễn ra ở cả châu Âu (Nga tấn công Ukraine) lẫn châu Á mà tiêu biểu là những hành vi hung hăng gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo Biển Đài Loan.

Có ý kiến lo ngại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ được Tổng thống Biden khởi động vào năm 2021 có thể sẽ không còn duy trì sau khi ông Biden rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc ông Biden tổ chức họp Nhóm Bộ tứ tại Mỹ là một phần trong nỗ lực thể chế hóa nhóm này trước khi ông rời nhiệm sở và ông Kishida, người sẽ từ chức sau cuộc tranh cử lãnh đạo trong tháng 10/2024 cũng như cuộc bầu cử ở Úc vào năm tới. Tại hội nghị các nhà lãnh đạo đặt mục tiêu bảo đảm tương lai của cơ chế hợp tác này. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, “mặc dù là nền tảng cho di sản Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden, nhưng Bộ tứ đang trở thành một thể chế sẽ tiếp tục định hình bối cảnh địa chính trị của khu vực”.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ này… sẽ chứng minh rằng các đối tác của Bộ Tứ có sự liên kết chiến lược hơn bao giờ hết, rằng họ vẫn cam kết dành nguồn lực thực sự cho nỗ lực này để cung cấp hàng hóa công cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan trọng nhất là Bộ tứ sẽ tồn tại lâu dài”. Vị quan chức này lưu ý: (i) Nhóm Bộ tứ đã họp ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, nên dù bà Kamala Harris hay ông Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới thì Nhóm Bộ tứ vẫn được tiếp tục; (ii) Nhóm Bộ tứ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, thể hiện qua việc thành lập Nhóm nghị sĩ Bộ tứ trước Hội nghị Thượng đỉnh lần này.

Bà Kathryn Paik – thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – nhấn mạnh, Bộ tứ là một trong những nhóm khá hiếm hoi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Mỹ. Vì vậy, xét từ quan điểm của Washington, mục đích chính của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2024 là để thể chế hóa mô hình hợp tác này hơn nữa, đồng thời trấn an các đối tác khác về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì nhóm. Bốn nhà lãnh đạo nhất trí Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của Nhóm Bộ tứ dự kiến được tổ chức tại Ấn Độ. Tóm lại, việc lãnh đạo 4 nước Nhóm Bộ tứ đạt được nhất trí về tăng cường hợp tác an ninh trên biển ở khu vực, trong đó có việc tiến hành các cuộc tuần tra chung của lực lượng bảo vệ bờ biển 4 nước là biện pháp thiết thực hỗ trợ các nước ven Biển Đông cũng như trong khu vực đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Chúng ta cùng chờ đợi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 sẽ được tổ chức vào năm tới để đóng góp vào duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trong khu vực, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới