Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt Nam“Giấc mộng Trung Hoa” và tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của...

“Giấc mộng Trung Hoa” và tham vọng “độc chiếm” Biển Đông của TQ            

Ngày 16/10/2022, phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rất rõ ràng về mục tiêu của đất nước này là vươn lên vị trí số 1 thế giới vào năm 2049, trở thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc, hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa” mà mấy thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ Tôn Trung Sơn đến Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình… ôm ấp.

Và để “giấc mộng” trên thành hiện thực, “độc chiếm” Biển Đông lại là lựa chọn chiến lược để Bắc Kinh xây dựng cường quốc biển, một trong những thành tố chủ chốt để trở thành cường quốc toàn diện. Bởi vậy, “Giấc mộng Trung Hoa” và “độc chiếm” Biển Đông đang thôi thúc Bắc Kinh bất chấp mọi nguyên tắc pháp lý và đạo lý trong quan hệ quốc tế để thực hiện bằng được tham vọng của mình. Hãy xem “Giấc mộng” của họ là gì và cách thức tiến hành “độc chiếm” của Trung Quốc ra sao.

“Giấc mộng Trung Hoa” thực chất là tư tưởng Đại Hán, phục hồi tư cách “đệ nhất thiên hạ” trước đây dưới dạng thức mới

Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Trung Hoa có lịch sử rất rất huy hoàng, nhiều giai đoạn đã vươn lên đứng đầu thế giới với nhiều thành tựu rực rỡ, đến mức các triều đại phong kiến Trung Quốc đã cho mình là trung tâm của thế giới, là “Thiên triều”, “Đệ nhất thiên hạ”, còn các nước khác, nhất là những nước nhỏ, láng giềng xung quanh chỉ là man di, mọi rợ, là “tiểu đệ” của Trung Quốc, phải thần phục và có nghĩa vụ phục tùng, cống nạp cho “Thiên triều”. Đây chính là nguồn gốc của tư tưởng dân tộc Đại Hán, ăn sâu bám rễ vào nhận thức của các thế hệ lãnh đạo và người dân Trung Quốc.

Thế nhưng, thời kỳ lịch sử huy hoàng đó đã phải tạm khép lại khi đất nước Trung Quốc bị các thế lực thực dân phương Tây xâm chiếm, trở thành “miếng bánh ngon” cho các nước đế quốc xâu xé. Người Trung Quốc coi những khoảng thời gian đó là những năm tháng đất nước bị sỉ nhục, đè nén và cũng từ đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, đã lấy đó làm “ngọn cờ” để tập hợp các phong trào của dân chúng nhằm chống lại sự xâm lăng và ảnh hưởng từ bên ngoài. Thậm chí cho đến ngày nay, tư tưởng đó luôn xuất hiện trong các quyết sách lớn của Trung Quốc, nổi bật nhất là tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”.

Sau khi Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949, trải qua nhiều biến cố, năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã phát động công cuộc hiện đại hóa đất nước, đưa Trung Quốc từng bước phát triển mạnh mẽ. Đến lúc này, khi Trung Quốc đã tích lũy được tiềm lực lớn về kinh tế cũng như quân sự, cộng thêm có một nền văn hóa lâu đời với đặc trưng như đã nêu trên, một xã hội đã có kết cấu tương đối ổn định, thì rất nhiều người Trung Quốc, nhất là giới lãnh đạo, đã mơ chung một giấc mơ, đó là đưa dân tộc Trung Hoa trở lại thời kỳ huy hoàng mà ông cha họ đã từng có trước đây.

Từ sau Đại hội 18 đến nay, ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa “Giấc mộng Trung Hoa” trở thành chiến lược, quốc sách cụ thể, thổi vào trong đó quyết tâm chính trị lớn của cả giới lãnh đạo cũng như của dân tộc Trung Hoa. Theo đó, “Giấc mộng Trung Hoa” có 4 mục tiêu và cũng là 4 nội dung chính: 1/ Xây dựng một nước Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao và khoa học công nghệ; 2/ Có nền văn minh cao, bao gồm các khái niệm tự do, bình đẳng, công bằng, giàu về văn hóa và cao về đạo đức; 3/ Phát triển hài hòa, bao gồm hài hòa giữa các vùng miền, giữa các giai cấp và giữa các dân tộc; 4/ Đất nước sạch đẹp, ít ô nhiễm về môi trường. “Giấc mộng” trên kêu gọi mọi người đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, con đường duy nhất có khả năng thực hiện “giấc mơ tột cùng” của đất nước Trung Hoa thời hiện đại.

“Giấc mộng Trung Hoa” đã được Trung Quốc triển khai thực hiện bằng nhiều kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn khác nhau, gắn với việc nhằm đạt được hai mục tiêu 100 năm (Song Bách) đầy tham vọng. Đó là, xây dựng Trung Quốc trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện đại hóa Trung Quốc vào năm 2049, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đưa Trung Quốc trở thành nước phát triển toàn diện và đầy đủ. Mục tiêu thứ nhất, Trung Quốc đã tuyên bố hoàn thành; mục tiêu thứ hai, hạn thời gian còn 25 năm nữa.

Không biết tới hạn thời gian đó, “Giấc mộng Trung Hoa” có thành công không để biết Trung Hoa có trở lại làm “Thiên triều” hay không, nhưng ngay từ bây giờ, tư tưởng Đại Hán đã bộc lộ trong tham vọng của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Một vùng biển thuộc Đông Nam Á cách không xa Trung Quốc.

Biển Đông là một trong những lựa chọn chiến lược của Trung Quốc để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”

Trong bước đi hoạch định các kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn nhằm hiện thực hóa “giấc mộng” trên, giới lãnh đạo Bắc Kinh luôn cho rằng phải “thu hồi” Biển Đông, đưa vùng biển này “trở về chủ quyền” của họ thì may ra mới “có cửa” phấn đấu thành “Đệ nhất thiên hạ” được. Bởi họ cho rằng:

Một là, với việc thế giới có tới 2/3 dân số sinh sống trên các khu vực địa lý ven biển, cùng với đó là hơn 80% hoạt động quá cảnh toàn cầu liên quan đến biển, đại dương, nên biển, đại dương ngày càng trở thành yếu tố sống còn của các quốc gia, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình toàn cầu hóa. Các vùng biển và đại dương rất giàu hydrocarbon, khoáng sản và các nguồn lợi thủy sản khác cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia cũng như cả thế giới. Hơn thế, biển và đại dương còn có giá trị rất lớn đối với các hoạt động quốc phòng – quân sự của các nước, nhất là các nước lớn. Tất cả các cuộc chiến tranh nổ ra trên thế giới trong lịch sử, cũng như hiện tại đều có liên quan đến biển và xuất phát rất nhiều từ biển. Biển cả và đại dương đã và đang trở thành địa bàn chiến lược cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Trung Quốc không thể không dựa vào biển, đại dương.

Hai là, biển cả và đại dương có vai trò lớn như vậy, trong khi đó đất nước “Trung Hoa vĩ đại” lại ở vào thế “hãm địa”, không có đường phát triển. Trong bốn hướng địa lý tiếp giáp của nước này thì các hướng bắc và tây trông sang lục địa châu Á, bị các nước lớn như Nga, Ấn Độ án ngữ; hướng đông giáp biển Hoa Đông thì vớ ngay phải Nhật Bản và Đài Loan chặn đường, hết cửa; chỉ còn lại hướng nam là lối thoát thuận lợi nhất để Trung Quốc vươn ra thế giới, trở thành “cường quốc biển”, tiến tới trở thành “cường quốc thế giới”. Biển Đông vì thế được Trung Quốc xác định là “cửa ngõ” để đi ra ngoài.

Ba là, “cửa ngõ” này lại là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, có giá trị rất lớn về địa chính trị, kinh tế, quân sự đối với các nước trong và ngoài khu vực. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Biển Đông đã trở thành nơi bùng phát những yêu sách đối nghịch về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, đá và rạn san hô. Những yêu sách này chủ yếu đến từ các quốc gia trong khu vực, tiêu biểu là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. Lợi dụng yếu tố này, nhiều nước lớn ngoài khu vực, nhất là Mỹ, đã đẩy mạnh can dự vào đây, làm cho vấn đề Biển Đông không còn là vấn đề của khu vực nữa, mà đã trở thành địa bàn chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn. Những hoạt động của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đã trở thành nhân tố chủ yếu nhất chi phối mức độ “nóng” hay “lạnh” về an ninh ở vùng biển này.

 Như vậy, nếu mở được “cánh cửa” Biển Đông, sẽ giúp Trung Quốc đạt được các lợi ích sau: Về kinh tế, sẽ đảm bảo cho sự tiếp tục các hoạt động đánh bắt thủy hải sản, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng rất phong phú ở đây để phục vụ cho sự tăng trưởng liên tục của Trung Quốc; đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, nhất là các tuyến đường thương mại hàng hóa Trung Quốc qua lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nếu không có các tuyến đường thương mại này, Trung Quốc “chỉ là người khổng lồ chân đất sét”. Về an ninh, lợi ích về quốc phòng – an ninh bao giờ cũng gắn với lợi ích kinh tế, là công cụ để bảo vệ lợi ích kinh tế. Do đó, mở được “cánh cửa” Biển Đông, có nghĩa là Trung Quốc chiếm cứ được Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vừa giành được chủ quyền, lại vừa để: 1/ Ngăn chặn tự do đi lại trên biển của các chiến hạm nước ngoài, nhất là của các đối thủ, ngoài giới hạn 12 hải lý từ đường cơ sở. Nhờ đó, Trung Quốc có thể đẩy mối đe dọa an ninh từ biển ra xa bờ biển, các tàu chiến, tàu do thám của Mỹ và nước khác chỉ có thể “ngưỡng vọng” bờ biển Trung Quốc mà thôi. 2/ “Mở lối” đi ra đại dương xanh cho Hải quân Trung Quốc trong điều kiện biển Hoa Đông bị Mỹ và đồng minh Nhật Bản kiểm soát, thêm Đài Loan được Mỹ hậu thuẫn, “ngáng đường” ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của các hạm đội Trung Quốc. Chỉ có thông qua Biển Đông thì Trung Quốc mới ra được tới các đại dương xanh, lúc đó mới có thể đưa chiến hạm ngầm và nổi của mình “tung hoành” trên các đại dương hay áp sát Mỹ, Ấn Độ và các đối thủ tiềm tàng khác. Về văn hóa, lịch sử: Vốn mang trong mình dòng máu của tư tưởng dân tộc Đại Hán, cùng với đó là việc luôn cho rằng, Trung Quốc đã xác lập “chủ quyền” ở Biển Đông từ xa xưa trong lịch sử, nhưng “chủ quyền” đó cũng như các lợi ích liên quan khác đang bị xâm phạm, nên giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay coi việc chiếm cứ, làm chủ Biển Đông không chỉ để thực hiện tham vọng trên, mà còn là cách giúp họ lấy lại “thể diện” của quốc gia, dân tộc đã từng có trong lịch sử, tạo động lực chính trị, tinh thần to lớn cho toàn thể dân tộc trong việc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”

Phương cách để Trung Quốc “độc chiếm” Biển Đông

Biển Đông rõ ràng là “lối thoát” thuận lợi nhất, cũng là “bàn đạp” để Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc thế giới.

Thế nhưng, Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc. Vì thế, để “mở cánh cửa” Biển Đông, Trung Quốc đã bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc, trong đó có UNCLOS 1982, văn kiện pháp lý quan trọng bậc nhất thế giới về biển mà Trung Quốc đã ký kết. Bắc Kinh đã vận dụng phương châm “mèo vàng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” từ “Thuyết con Mèo” do Đặng Tiểu Bình đưa ra từ năm 1962 để “mở cửa” Biển Đông, vươn ra khống chế vùng biển này, thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Theo đó:

Thứ nhất, ra sức biện minh tư tưởng cho toàn dân thông qua phong trào “Phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” để tiến hành cuộc “thập tự chinh” nhằm lấy lại những gì Trung Quốc “đã có” và “đã mất” trong lịch sử, trong đó có vấn đề chủ quyền. Đây là trụ cột tư tưởng chính mà Bắc Kinh luôn theo đuổi để thống nhất đất nước. Nhưng sự “Phục hưng” này phải được hiểu là mang tính chu kỳ, nghĩa là “Hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp” – tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Lịch sử Trung Hoa được ghi dấu bằng một logic là cứ sau mỗi sự phân chia là đến sự thống nhất. Sau bao nhiêu năm “giấu mình chờ thời”, nay là lúc Trung Quốc có điều kiện và cần trỗi dậy để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Cách mà lãnh đạo Trung Quốc làm, nhất là từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền là, đưa ra những phát ngôn chính thức nhằm “nhắc nhở” người dân về những “sự tủi nhục, bị bức hại và đau khổ trong hàng chục năm bị nước ngoài chiếm đóng”, từ đó kêu gọi toàn dân cùng chung sức “rửa nhục”, phục hưng đất nước, thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Đỉnh cao của “Giấc mộng” là, Trung Quốc giữ vị trí trung tâm và trị vì trong tương lai đối với “tất cả những gì dưới gầm trời này”.

Có thể đưa ra đây một vài ví dụ về cách làm trên của Bắc Kinh. Tại mục 3, chương đầu tiên trong Luật Lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc, đã khẳng định: “Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông phần lớn được cộng đồng quốc tế thừa nhận”. Hay như sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) ra phán quyết hủy bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã hùng hồn tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông đã có hơn 2.000 năm lịch sử. Chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và các quyền lợi được hưởng trong khu vực này có một quá trình lịch sử và dựa trên những nền tảng vững chắc cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý”. Thủ đoạn biện minh này cho thấy, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã “nhồi sọ” cho người dân Trung Quốc hiểu rằng, Biển Đông xưa nay là của Trung Quốc. Từ đó, họ đã phớt lờ luật pháp quốc tế, tiến hành theo đuổi các hoạt động hăm dọa, quân sự hóa và tôn tạo trái phép nhiều thực thể, biến chúng thành các căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông.

Thứ hai, lấy cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” để lập luận, biện hộ cho các yêu sách phi lý của mình ở Biển Đông. Họ dựa vào các văn bản dưới các triều đại phong kiến nhà Tống, nhà Thanh để nói rằng, Trung Quốc đã có sự “chiếm đóng” và “hiện diện” từ lâu ở Biển Đông. Thế nhưng, tất cả các tấm bản đồ cổ đó rất mơ hồ, chung chung, trong khi các hoạt động hàng hải của Trung Quốc diễn ra trong lịch sử trên vùng biển này đều ghi nhận, lãnh thổ xa nhất của Trung Quốc ở phía nam chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam. Hiện nay, “chứng cứ lịch sử” duy nhất mà Trung Quốc đang “bám vào” để khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông lại là tấm bản đồ “đường chín khúc” chiếm hơn 80% diện tích vùng biển này. Năm 2009, họ đã trưng bản đồ này ra thế giới. Tuy nhiên, đây là tấm bản đồ không có bất cứ một tiêu chí nào phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính giới nghiên cứu Trung Quốc cũng đã thừa nhận sự yếu kém về mặt pháp lý của cái gọi là chủ quyền theo “đường chín khúc”. Học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc, đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cần phải hủy bỏ “đường chín khúc”, bởi việc làm này sẽ khiến Trung Quốc trở nên “không thể chấp nhận được, vì không có nước nào chấp nhận cái đường vô lý” do Trung Quốc tự vẽ ra. Năm 2016, PCA đã ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó khẳng định, các lập luận của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông theo bản đồ “đường chín khúc” là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã ngang ngược bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế. Hành động này chẳng những trái với tư cách là thành viên của UNCLOS 1982, mà còn đi ngược với những tuyên bố mà Bắc Kinh từng đưa ra, rằng: “Trung Quốc bảo vệ vững chắc thẩm quyền và vị thế của Liên hợp quốc, hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ được giao… là người xây dựng hòa bình thế giới không biết mệt mỏi, góp phần vào phát triển toàn cầu và bảo đảm trật tự quốc tế”.

Thứ ba, đưa Biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. “Lợi ích cốt lõi” là một khái niệm mà Bắc Kinh thường dùng để chỉ vấn đề chủ quyền quốc gia liên quan đến các “điểm nóng” như Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan mà tại đó Trung Quốc sẽ không “thỏa hiệp”, “có thể dùng vũ lực nếu cần thiết”. Trung Quốc xếp Biển Đông tương đương như các “điểm nóng” trên và nhiều lần công khai luận điểm này. Tháng 8/2011, Tân Hoa Xã Trung Quốc đăng bài khẳng định rằng, Trung Quốc có “3 triệu km2 lãnh hải” ở Biển Đông, thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” và là một phần trong “lợi ích cốt lõi”.  Cách làm trên chỉ nhằm thể hiện một ý đồ duy nhất: Bắc Kinh quyết tâm “độc chiếm” Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình.

Thứ tư, “luật hóa” chủ quyền nhằm đặt các đối thủ cạnh tranh trước “sự đã rồi” để giành vị trí thống trị ở Biển Đông. Đây là bước đi liên tục của lộ trình kiểm soát, làm chủ, tiến tới “độc chiếm” hoàn toàn Biển Đông. Năm 1996, ngay sau khi ký UNCLOS 1982, Trung Quốc lập tức thông qua Hiệp định phê chuẩn Công ước này, với điều khoản bảo lưu “các quyền lịch sử” thuộc về “dân tộc Trung Hoa” trước các quy định của UNCLOS. Họ đồng thời đưa “đường chín khúc” vào sách giáo khoa nhằm đẩy mạnh tuyên truyền “chủ quyền” ở Biển Đông. Năm 2012, bước “pháp lý hóa” chủ quyền leo thang lên một nấc mới, đó là ngày 21/6/2012, Quốc vụ Viện Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc chính quyền trung ương, có quyền hạn “quản lý” đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đúng sáu tháng sau, Bắc Kinh đưa “đường chín khúc” vào mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử – một hành động sai trái trong quan hệ quốc tế, bị nhiều nước phản đối.

Thứ năm, “xâm lấn” Biển Đông bằng các hoạt động kinh tế biển. Đây là hành động làm chủ từng bước, dựa trên luận điểm hoạt động kinh tế biển đến đâu thì chủ quyền xác lập đến đó. Cùng với việc đầu tư mạnh cho các lực lượng chấp pháp trên biển, như ngư chính, hải cảnh, hải giám…theo hướng tăng cường tiềm lực và hiện đại hóa tàu thuyền, hệ thống thông tin, Trung Quốc khuyến khích ngư dân khai thác tại những ngư trường xa thuộc các vùng chồng lấn, thậm chí là thuộc chủ quyền của các nước khác, thông qua ưu đãi về vốn, thiết bị định vị vệ tinh. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Hải Nam được sự đồng ý của trung ương, hàng năm đều đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông hết sức phi lý. Đặc biệt, Bắc Kinh rất chú trọng “đẩy” các tập đoàn dầu khí quốc gia “vươn vòi” ra Biển Đông. Ngày 23/6/2012, Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu quốc tế 9 lô đầu khí, tổng diện tích lên đến 160.129 km2, nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 01/5/2014, CNOOC đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đã bị dư luận khu vực và quốc tế phản đối mạnh mẽ. Tháng 7/2019, họ lại đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Tháng 5/2023, tiếp tục đưa tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều nước khác ven Biển Đông cũng chung cảnh ngộ như Việt Nam.

Thứ sáu, phá vỡ nguyên trạng Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đây là bước đi có tính hệ thống, nhằm “thu hồi chủ quyền” theo phương thức “tằm ăn dâu” thông qua chiến thuật “tạo sự đã rồi”. Thậm chí sử dụng cả thủ đoạn vũ lực. Năm 1956, Trung Quốc đánh chiếm một phần và đến năm 1974, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, họ một lần nữa đưa quân đánh chiếm đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo một kịch bản tương tự, tháng 2/1995, Trung Quốc đưa 7 tàu đến chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và duy trì hiện diện từ đó đến nay. Đầu năm 2013, Bắc Kinh lại “gây rối” ở Trường Sa bằng việc “chiếm đóng thực tế” trái phép tại bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Tất cả những hành động trên đều nhằm “thay đổi nguyên trạng” có lợi cho Bắc Kinh.

Thứ bảy, tăng cường sức mạnh hải quân nhằm “răn đe quân sự”, tạo sức ép trong các yêu sách “chủ quyền” theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Dựa trên sức mạnh kinh tế vượt trội, Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự, nhất là sức mạnh hải quân, đặc biệt trên hướng Biển Đông. Đầu thế kỷ XXI, Bắc Kinh đã có sự “lật cánh” khi bố trí Hạm đội Nam Hải trở thành hạm đội mạnh nhất trên biển, thay thế Hạm đội Bắc Hải mạnh nhất trước đây. Hạm đội Nam Hải được trang bị các tàu chiến lớn, hiện đại, nhất là tàu ngầm, tàu khu trục. Cùng với đó, căn cứ hải quân Tam Á của Hạm đội này liên tục được mở rộng, đủ khả năng tiếp nhận các tàu ngầm hạt nhân, kể cả tàu sân bay.

Thứ tám, đưa ra các “sáng kiến”, chiến lược khác nhau để vừa thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” vừa che giấu những hành vi và việc làm sai trái ở Biển Đông. Trong bối cảnh thế giới “biến động chóng mặt” với nhiều nghịch cảnh, Bắc Kinh không ngừng đưa ra các chiến lược, “sáng kiến” với quy mô toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền ra thế giới rằng, sự “trỗi dậy” và vị thế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc là “tích cực và hòa bình”, dựa trên sự hợp tác và hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới. Theo họ, sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh” là để xây dựng một cộng đồng các quốc gia có chung vận mệnh, cùng chia sẻ, cùng thắng; sáng kiến “An ninh toàn cầu” là hướng tới “sự gắn kết trong lĩnh vực an ninh, phục vụ sự nghiệp cao cả vì nền hòa bình và sự phát triển trên thế giới”; sáng kiến “Vành đai và con đường” là nhằm cùng nhau xây dựng một tương lai rạng ngời… Tuy nhiên, những gì họ nói lại khác rất xa với thực tế mà họ đã làm ở Biển Đông. Tất cả các hoạt động hướng đến yêu sách “đường chín khúc” trên Biển Đông của Trung Quốc đều là nguồn gốc của hầu hết những căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á. Bản chất đằng sau những hoạt động này là nhằm thực hiện một đường lối sô vanh nước lớn, được ngụy trang dưới “Giấc mộng Trung Hoa”. Bắc Kinh “đeo mặt nạ” dưới các mỹ từ vô cùng đẹp đẽ, mệnh danh bởi các “sáng kiến”, chiến lược để che đậy những khiếm khuyết, những xấu xa của mình trước cộng đồng quốc tế, nhưng họ lại không biết rằng, những hệ lụy mà các “sáng kiến”, chiến lược trên để lại, cũng như các hoạt động hăm dọa, cưỡng ép với các nước nhỏ ven Biển Đông đã làm cho thế giới ngày càng nhìn thấy rõ hơn bộ mặt thật và bản chất nham hiểm của Trung Quốc. Như vậy, để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đang sử dụng nhiều biện pháp, hướng đi, trong đó Biển Đông là một hướng lựa chọn chiến lược. Các phương cách, thủ đoạn Bắc Kinh tiến hành ở Biển Đông chính là nhằm áp đặt về một “trật tự mới” do Trung Quốc nắm quyền thống trị. Từ “cuộc chiến pháp lý” đến chiến thuật “gặm nhấm” theo kiểu “sự đã rồi”, thông qua một nghệ thuật ngoại giao “đánh lừa thị giác”, kết hợp với sức mạnh của bộ máy thông tin tuyên truyền, xuyên tạc, có thể thấy phương cách hoạt động này của Trung Quốc ở Biển Đông đã giành được những kết quả và lợi thế đáng kể, phạm vi và khả năng kiểm soát toàn bộ vùng biển này của họ đang dần được mở rộng. Bắc Kinh sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục leo thang hơn nữa trong những hành vi nhằm hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm” Biển Đông. Vùng biển này vì thế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hơn trước tham vọng khôn cùng của Trung Quốc, cộng với đó là sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là hoạt động của Mỹ và đồng minh.

                                                                               Hàn Lương

RELATED ARTICLES

Tin mới