Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBán đảo Triều Tiên: “bóng ma” chiến tranh?

Bán đảo Triều Tiên: “bóng ma” chiến tranh?

Triều Tiên vừa cho nổ tung các đoạn phía bắc các tuyến đường sắt và đường bộ Gyeongui, Donghae kết nối với Hàn Quốc, từng được coi là biểu tượng hợp tác hai miền Nam-Bắc, được triển khai sau các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Triều Tiên cho nổ tuyến đường gần biên giới với Hàn Quốc

Để có được chúng, theo yêu cầu của Bình Nhưỡng, Seoul đã cung cấp các vật tư và thiết bị trị giá 132,9 triệu USD theo hình thức cho vay. Số tiền đó với Hàn Quốc chẳng đáng là bao. Có lẽ, điều Seoul quan tâm là chứng tỏ cho thế giới thấy Hàn Quốc luôn có thiện chí hòa bình, chứ không phải bên khiêu khích hay gây hấn.

Trong thực tế, từ khi xây dựng đến nay, ngoài ý nghĩa biểu tượng hợp tác, hai con đường nào đã làm được gì cho việc giao thông hay giao thương. Không vì những căng thẳng liên miên giữa hai bên vĩ tuyến 38. Thậm chí, thời điểm này, trước những động thái diễn ra, giới quan sát đã và đang nghĩ rằng, chỉ cần một bên manh động, bán đảo Triều Tiên sẽ chấm dứt tình trạng đình chiến theo Hiệp định đình chiến (ký kết ngày 27/7/1953 giữa Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC), quân đội Triều Tiên và các lực lượng vũ trang Trung Quốc, chấm dứt trên danh nghĩa cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953).

Tất nhiên, cái gọi là “manh động”, có hay không, là tùy theo quan điểm từng bên là Bình Nhưỡng, Seoul, hoặc giới quan sát.

Tuyên bố ngày 9/10 của Quân đội Triều Tiên về việc cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt kết nối với Hàn Quốc kể từ 9/10, và củng cố các khu vực ở phía bên biên giới của Triều Tiên, có là ‘manh động” không? Nếu câu hỏi dành cho một người bờ Nam vĩ tuyến 38, trả lời chắc chắn là “có”. Trong khi đó, trước khi hạ lệnh cho quân đội làm điều này, nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định: động thái đó cần thiết để cảnh cáo các hành động “không biết điều” – tức việc Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ tổ chức liên tiếp các cuộc tập trận quy mô lớn suốt trong tháng 8 và tháng 9, cùng những cáo buộc Hàn Quốc dùng thiết bị bay không người lái (drone) xâm nhập Bình Nhưỡng nhiều lần để rải truyền đơn, cũng trong tháng 9 và tháng 10 – hành vi mà Bình Nhưỡng coi là “xâm phạm trắng trợn chủ quyền và an toàn quốc gia của Triều Tiên, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Bằng phát ngôn này, ông Kim Jong Un coi như khẳng định Hàn Quốc và Mỹ là bên gây hấn, còn Triều Tiên bất đắc dĩ phải đáp trả để cảnh cáo mà thôi.

Thừa hiểu tính cách khó lường và quyết đoán của ông Kim Jong Un, dù lo lắng, nhưng cách đây một tuần, nhiều nhà quan sát vẫn nghĩ, câu chuyện tạm thời chỉ dừng ở việc vô hiệu hóa hai tuyến đường sắt và bộ, chứ chưa thể có một điều gì căng thẳng hơn. Bởi nói cho cùng, trong hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng về kinh tế như hiện nay, Bình Nhưỡng cũng cần hòa bình chứ đâu phải chỉ Seoul.

Thế nên, tới ngày 15/10, tiếng nổ dữ dội cùng những cột khói đen kịt bốc cao nhiều chục mét mà quân đội Triều Tiên thực hiện nhằm phá bỏ hai tuyến đường sắt và bộ, khiến họ bất ngờ và hoang mang thực sự. Câu hỏi đặt ra là: liệu Bình Nhưỡng có cần làm to chuyện đến thế không, sau khi đã tuyên bố và hoàn toàn có thể “khóa” hai con đường đã vô dụng nhiều năm nay, bằng nhiều cách? Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong Un đã và đang sẵn sàng cho mọi khả năng?

Nếu câu hỏi thứ hai là thật, thì những động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng là minh chứng cho nó. Những động thái tiếp theo đó là gì? Trước hết, là thông tin động trời được phát ra từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 16/10: khoảng 1,4 triệu thanh niên nước này đã nhập ngũ hoặc quay trở lại quân đội trong tuần.

1, 4 triệu quân – con số đó chắc chắn không cần cho một quốc gia đang yên ổn. Nó chỉ cần cho một nước bị đe dọa, chuẩn bị lâm trận. Như vậy, việc để cho truyền thông phô trương con số này hẳn nằm trong ý đồ kịch bản của Bình Nhưỡng.

Tiếp theo, chẳng phải không hẹn mà gặp, ngày 15/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tuyên bố: “Nếu một hành động gây hấn được tiến hành nhằm vào Triều Tiên, tất cả các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện theo hiệp ước của chúng tôi và của Triều Tiên”. Ai cũng hiểu, ông Rudenko đang nói đến Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên, ký tại Bình Nhưỡng tháng 6/2024, trong chuyến công du thăm Triều Tiên củaTổng thống Nga Vladimir Putin.

Đáp lại, Hàn Quốc cũng đâu thể ngồi im. Cùng với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoung Sam: “Thật đáng chê trách khi Triều Tiên liên tục có hành vi thoái lui như vậy”, Hàn Quốc cho biết đã bắn cảnh cáo về phía nam đường phân định quân sự…

Chỉ trong một tuần đã xảy ra liên tục các tình huống, động thái căng thẳng. Nhiều người đang lo ngại, nếu cả hai bên thiếu kiềm chế, không kiểm soát được các tình huống, sự cố có thể xảy ra, một cuộc chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên là hoàn toàn có thể. Vũ khí mà hai bên hiện có, cộng thêm sự can dự của nhân tố bên ngoài là Nga và Mỹ, cuộc chiến đó chắc chắn sẽ khốc liệt hơn cả cuộc chiến Ukraine đang diễn ra. Thế nên, “bóng ma” chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang là nỗi ám ảnh của toàn cầu.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới