Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhà máy điện xanh trên sa mạc đầu tiên của TQ hòa...

Nhà máy điện xanh trên sa mạc đầu tiên của TQ hòa lưới điện quốc gia

Dự án đầu tiên trong số hàng loạt dự án năng lượng mặt trời và gió trên các sa mạc và vùng khô hạn Trung Quốc đã hòa vào lưới điện quốc gia, có khả năng cung cấp năng lượng cho 1,5 triệu hộ gia đình.

Nhà máy điện mặt trời trên sa mạc Tengger ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ, sản xuất ra 1,8 tỷ kilowatt giờ mỗi năm.

Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc, còn được gọi là Năng lượng Trung Quốc tuyên bố, một dự án năng lượng tái tạo, một trong nhiều dự án quy mô lớn đang được xây dựng trên sa mạc Gobi và những vùng khô hạn khác, trở thành dự án đầu tiên được kết nối với lưới điện và bắt đầu phát điện ngày 25/4.

Giai đoạn đầu tiên của dự án năng lượng mặt trời và gió, triển khai trên sa mạc Tengger thuộc khu tự trị Hồi Ninh Hạ, có công suất lắp đặt 1 triệu kilowatt, dự kiến ​​sẽ cung cấp 1,8 tỉ kilowatt giờ mỗi năm, tương đương với nhu cầu điện năng của 1,5 triệu hộ gia đình, công ty cho biết.

Đây cũng là kênh truyền tải điện siêu cao áp đầu tiên của Trung Quốc trong khuôn khổ một dự án lớn truyền tải năng lượng xanh, được sản xuất trên sa mạc Gobi và những khu vực khô cằn khác đến tỉnh Hồ Nam của quốc gia này.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 85 tỉ nhân dân tệ (12,28 tỉ USD), tổng công suất lắp đặt 13 triệu kW, là dự án đầu tiên của Trung Quốc, đáp ứng tham vọng của chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng những cơ sở sản xuất điện mặt trời và điện gió ở sa mạc Gobi và những khu vực khô cằn khác trong trong chiến lược phát triển mạnh năng lượng tái tạo nhằm sớm đạt mức đỉnh điểm carbon.

Trung Quốc đã thiết lập kế hoạch đẩy nhanh tiến trình xây dựng những cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở các vùng khô hạn, trong chiến lược phát triển mạnh năng lượng tái tạo như một động lực chủ đạo của nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã khởi động giai đoạn đầu tiên của những dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời cuối năm 2021 với tổng công suất 100 gigawatt năng lượng gió và mặt trời trên các vùng sa mạc.

Ông Wang Dapeng, phó trưởng phòng năng lượng mới và năng lượng tái tạo tại Cơ quan Năng lượng Quốc gia (NEA) cho biết, chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió ở Gobi và những vùng sa mạc khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

Ông Wang nhấn mạnh, giai đoạn đầu tiên của những dự án điện gió và năng lượng mặt trời ở những khu vực khô cằn của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ được kết nối với lưới điện và đưa vào vận hành vào cuối năm 2023.

Theo NEA, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong quý đầu tiên của năm 2023, đạt 47,4 triệu kW, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 80,3% tổng công suất lắp đặt mới.

Công suất lắp đặt mới của năng lượng gió tăng lên 10,4 triệu kW, đồng thời năng lượng mặt trời tăng lên 33,66 triệu kW.

Trong quý I/2023, tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt 1,26 tỉ kW, bao gồm 376 triệu kW năng lượng gió và 425 triệu kW năng lượng mặt trời.

Điện sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo cũng liên tục tăng, sản lượng điện sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo toàn quốc đạt 594,7 tỉ kWh, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó điện gió và điện mặt trời đạt 342,2 tỉ kWh, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Một nhà phân tích năng lượng Trung Quốc nói, các khu vực như Ninh Hạ, Tân Cương và Nội Mông sẽ đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực tăng tỷ lệ năng lượng sạch của tổng cơ cấu năng lượng quốc gia, đồng thời giúp nước này đạt được tham vọng năng lượng bền vững nhờ nguồn tài nguyên gió và mặt trời dồi dào.

Các khu vực từng dựa vào mức tiêu thụ khổng lồ những nguồn năng lượng truyền thống như điện than để tăng trưởng kinh tế. Luo Zuoxian, lãnh đạo văn phòng tình báo và nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển và Kinh tế Sinopec cho biết, kế hoạch chiến lược của chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng những cơ sở năng lượng gió và mặt trời khổng lồ ở những vùng sa mạc khô hạn của đất nước, nhằm nâng cấp các khu vực lên một cấu trúc kinh tế xã hội mới trên nền tảng năng lượng xanh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới