Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnBRICS thần tốc vượt G7 về sức mạnh kinh tế

BRICS thần tốc vượt G7 về sức mạnh kinh tế

BRICS vượt G7 về sức mạnh kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn.

Hội nghị BRICS về an ninh tại St. Petersburg, Nga, ngày 12.9.2024.

RT dẫn lời Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, tỉ trọng của các nước BRICS trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ tiếp tục tăng nhờ các thành viên mới và sẽ đạt khoảng 38% vào năm 2028.

Phát biểu tại diễn đàn xuất khẩu quốc tế “Made in Russia” ngày 14.10, Thủ tướng Mishustin lưu ý, tỉ trọng của các quốc gia thân thiện trong kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga đang không ngừng tăng lên và điều này cũng có thể tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của toàn bộ nhóm BRICS.

“Điều này tương ứng với những thay đổi khách quan trong nền kinh tế toàn cầu, trước hết là tầm quan trọng ngày càng tăng của BRICS” – Thủ tướng Mishustin nói, đồng thời lưu ý rằng G7 sẽ tiếp tục suy giảm vị thế.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tỉ trọng của G7 trong GDP toàn cầu theo PPP đã giảm đều đặn trong vài năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống còn 30,39% năm 2022 và dự kiến giảm còn 29,44% trong năm nay.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các nước BRICS là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của các nền kinh tế trong nhóm này dự kiến ​​sẽ vượt trội hơn G7.

BRICS chỉ vừa được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2011.

Năm nay, bốn quốc gia – Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – đã chính thức trở thành thành viên BRICS. Saudi Arabia cũng đã được mời tham gia nhóm và tham gia các cuộc họp BRICS, nhưng chưa trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia khác, bao gồm cả thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập.

Mới đây nhất, nước ứng viên EU Serbia cho biết đang khám phá khả năng gia nhập BRICS thay vì Liên minh châu Âu.

Serbia nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2009 và đã là nước ứng viên EU kể từ năm 2012. Trong những năm sau đó, EU nêu thêm điều kiện với Serbia là phải bình thường hóa quan hệ với Kosovo bằng cách công nhận nền độc lập của tỉnh ly khai này, đồng thời yêu cầu Serbia cắt đứt quan hệ và áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

Bình luận về kế hoạch của Serbia, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cho hay, các quốc gia ở châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng BRICS có thể đảm bảo tính đa cực toàn cầu.

Ông Volodin chỉ ra, các thành viên và quan sát viên BRICS không bị “tống tiền” hoặc bị yêu cầu “các điều kiện hợp tác vô lý”. Tương tự như vậy, “các vấn đề có chủ quyền” của họ không bị can thiệp, ông nói thêm.

Theo ông Volodin, các chính sách can thiệp của Mỹ và EU dẫn đến “hiệu ứng ngược” so với dự định và đã giúp tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế BRICS.

“EU đang trì trệ: GDP ở Đức, Áo, Phần Lan, Estonia đang suy giảm và ngành công nghiệp đang phải chịu những tổn thất đáng kể” – ông Volodin nói.

Nga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên vào cuối tháng 10. Các thành viên dự kiến ​​phê duyệt quy chế mới – quốc gia đối tác của BRICS.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới