Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHệ thống cấp bậc ngoại giao của TQ

Hệ thống cấp bậc ngoại giao của TQ

Thay vì theo đuổi các liên minh truyền thống, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, sử dụng một hệ thống phân cấp phức tạp.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thế kỷ 21 đang ngày càng tập trung vào việc xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu và mở rộng lợi ích quốc gia thông qua quan hệ chiến lược với các quốc gia khác. Những quan hệ này đóng vai trò là công cụ địa chính trị để tạo ra ảnh hưởng và quyền lực. Khác với các liên minh truyền thống, thường liên quan đến các hiệp ước quốc phòng chính thức nhắm vào các đối thủ bên ngoài, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu.

Những quan hệ đối tác này đòi hỏi sự hợp tác chính trị linh hoạt dựa trên các quan hệ chính trị không chính thức. Chúng được xem là dễ thích ứng hơn và tập trung vào lợi ích nhiều hơn so với các liên minh truyền thống, nhưng cũng có thể khiến ngoại giao Trung Quốc phải chịu nhiều rủi ro hơn. Bản chất của các quan hệ đối tác này nằm ở cam kết chung, cùng quản lý các xung đột không thể tránh khỏi, từ đó cho phép các quốc gia liên quan tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng mà cả hai bên cùng có lợi ích. Cách tiếp cận này cho phép Trung Quốc xây dựng quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau, trong khi vẫn duy trì được sự linh hoạt để thích ứng với các động lực địa chính trị đang thay đổi và theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình một cách hiệu quả.

Hệ thống quan hệ đối tác phân cấp

Trung Quốc hiện sử dụng một hệ thống mô tả tinh tế để phân loại các quan hệ đối tác quốc tế của mình, làm nổi bật những điểm khác biệt rất nhỏ trong các quan hệ ngoại giao. Các thuật ngữ chính bao gồm “mọi hoàn cảnh,” “toàn diện,” “chiến lược,” và “hướng tới tương lai,” mỗi thuật ngữ lại phản ánh một mức độ hợp tác và cam kết khác nhau.

Dù Bắc Kinh chưa bao giờ trình bày rõ ràng hệ thống phân cấp này, nhưng hiện đã có đủ thông tin để suy ra một cấu trúc chung. Hệ thống này khá linh hoạt, vì các cấp độ quan hệ đối tác khác nhau chưa được định nghĩa trong các văn bản chính thức. Tuy nhiên, thông tin từ các quan chức và học giả Trung Quốc, cùng với phân tích theo ngữ cảnh, cho phép chúng ta có thể hiểu sơ bộ về hệ thống phân cấp, như được nêu trong hình bên dưới.

Dù có phạm vi rộng, hệ thống này không bao gồm mọi quốc gia. Chẳng hạn, Mỹ đang giữ một vị trí độc nhất trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc, và vẫn nằm ngoài cấu trúc quan hệ đối tác đã nêu.

Một khác biệt quan trọng trong ngoại giao đối tác của Trung Quốc nằm ở các quan hệ đối tác được dán nhãn là “chiến lược” và các quan hệ đối tác không thuộc nhóm này. Đứng đầu trong hệ thống phân cấp này là các quan hệ đối tác được mô tả là “mọi hoàn cảnh” hoặc “vĩnh viễn” biểu thị quan hệ đặc biệt chặt chẽ và lâu dài. Tính đến năm 2019, chỉ có Pakistan được xếp vào nhóm đối tác “mọi hoàn cảnh,” cho thấy bản chất độc đáo của quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Năm 2019, Kazakhstan được chỉ định là đối tác “vĩnh viễn,” một động thái có lẽ nhằm bảo vệ vị thế độc quyền của Pakistan với tư cách là đối tác “mọi hoàn cảnh.” Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quan hệ “mọi hoàn cảnh” sang nhiều quốc gia hơn, bao gồm Belarus vào năm 2022, Venezuela và Ethiopia vào năm 2023, Uzbekistan và Hungary vào năm 2024, và thậm chí là toàn bộ châu Phi. Điều này báo hiệu một vòng tròn đồng minh thân cận ngày càng tăng trong khuôn khổ ngoại giao đối tác của Trung Quốc.

Một thuật ngữ quan trọng khác là “toàn diện.” Trong khi một số quan hệ đối tác được xem là “toàn diện” nhưng không phải là “chiến lược,” thì tiến trình chung vẫn là chuyển từ “chiến lược” sang “chiến lược toàn diện.” “Hợp tác” cũng là một thuật ngữ thường được sử dụng, đôi khi được gắn với cả quan hệ đối tác chiến lược lẫn không chiến lược. Các thuật ngữ nhìn chung khá dễ hiểu: “chiến lược” biểu thị sự hợp tác chặt chẽ, lâu dài, về các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, trong khi “toàn diện” biểu thị quan hệ đối tác trải dài trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Với 42 cách kết hợp những tính từ này, Trung Quốc rõ ràng đang điều chỉnh ngôn ngữ ngoại giao của mình để phù hợp với các quan hệ cụ thể với từng quốc gia. Ví dụ, quan hệ với Anh được đặt một cái tên độc đáo là “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu trong thế kỷ 21,” trong khi Israel được chỉ định là có “Quan hệ đối tác toàn diện sáng tạo.”

Các cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” và “Kỷ nguyên mới” cũng trở thành những khái niệm then chốt trong ngoại giao Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Những thuật ngữ này phản ánh sự liên kết chiến lược của Trung Quốc đối với những thách thức toàn cầu cụ thể, đặc biệt là Mỹ. Bắc Kinh đã triển khai một cách chiến lược những cụm từ này trong quan hệ với từng quốc gia để nâng cao giá trị ngoại giao của họ.

Khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” là trọng tâm của “Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình,” khái niệm tóm lược tầm nhìn chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong “Kỷ nguyên mới.” Từ năm 2017, đã xuất hiện nhiều bản dịch khác nhau của khái niệm này, chẳng hạn như “cộng đồng chung vận mệnh,” “cộng đồng chung vận mệnh vì nhân loại” và “cộng đồng chung tương lai.” Cuối cùng, thuật ngữ “cộng đồng chung vận mệnh” đã chính thức được thông qua để tránh những liên tưởng tiêu cực và đưa ra một câu chuyện dễ chấp nhận hơn trên toàn cầu. Thuật ngữ này miêu tả một tầm nhìn về sự kết nối toàn cầu, khi tất cả các quốc gia cùng tồn tại hòa thuận trong một “ngôi làng toàn cầu” do Trung Quốc lãnh đạo, và nhân loại đoàn kết như một gia đình lớn.

Đến năm 2023, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận song phương “cộng đồng chung tương lai” với ít nhất 22 quốc gia, trong khi một số quốc gia khác đã thừa nhận khái niệm này mà không có cam kết chính thức. “Cộng đồng chung tương lai” không phải là một cấp độ quan hệ đối tác riêng biệt mà là một dấu hiệu bổ sung cho sự liên kết về mặt ý thức hệ với tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, và là tín hiệu cho thấy một quan hệ tích cực, lâu dài.

Tương tự, “Kỷ nguyên mới,” thuật ngữ được đưa vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2017, thể hiện niềm tin rằng cán cân quyền lực toàn cầu đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Các quốc gia được gọi là đối tác “Kỷ nguyên mới” được cho là có liên kết chặt chẽ hơn với các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc chống lại sự thống trị của Mỹ.

Cả hai cụm từ này đều làm phức tạp thêm hệ thống cấp bậc ngoại giao của Trung Quốc, nhấn mạnh sự liên kết về mặt ý thức hệ và hợp tác lâu dài. Khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức kinh tế và căng thẳng gia tăng với phương Tây, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc với Mỹ, Trung Quốc đã ngày càng tìm cách tạo dựng liên minh ở phương Nam toàn cầu bằng cách sử dụng các câu chuyện ngoại giao này.

Cộng đồng chung tương lai và Kỷ nguyên mới ở Châu Phi và Trung Đông

Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi năm 2024, Trung Quốc đã thiết lập hoặc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với 30 quốc gia Châu Phi. Đặc điểm chung của quan hệ Châu Phi-Trung Quốc đã được nâng lên thành “cộng đồng mọi hoàn cảnh với tương lai chung cho kỷ nguyên mới.” Bước tiến này – từ một loại quan hệ đối tác mới, thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, và giờ là cộng đồng mọi hoàn cảnh – cho thấy quan hệ Châu Phi-Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn, mang lại sự rõ ràng và thực chất hơn cho quan hệ của họ.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc giữa Trung Quốc và Mỹ, bước tiến này đánh dấu một cột mốc mới trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi. Khi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại Châu Phi suy giảm, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để mở rộng sự hiện diện của mình trên lục địa này. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Châu Phi có tiềm năng định hình lại đáng kể cán cân quyền lực toàn cầu, thách thức sự thống trị của phương Tây. Sự thay đổi này có thể làm suy yếu bá quyền toàn cầu của Mỹ và đe dọa các lợi ích chiến lược của nước này, trong khi xác lập Trung Quốc là một nhân tố chủ chốt trong việc định hình sự phát triển tương lai của Châu Phi.

Tại Trung Đông, Trung Quốc đã mở rộng dấu ấn của mình thông qua các sáng kiến ngoại giao, năng lượng, thương mại, đầu tư, và cơ sở hạ tầng, nâng cao vị thế của mình trong địa chính trị khu vực. Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của họ, sự phụ thuộc lẫn nhau của Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông cho thấy vẫn còn những hạn chế có thể làm giảm khả năng thể hiện sức mạnh của nước này. Những hạn chế này bao gồm sự phụ thuộc lẫn nhau, động lực khu vực, quyền lực cứng hạn chế, các ưu tiên trong nước, địa lý và quyền tự chủ của các quốc gia Trung Đông, tất cả đều tác động đến mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong một khu vực cạnh tranh do Washington thống trị, Bắc Kinh đã phải tìm cách xây dựng sự hiện diện trong khu vực mà không gây mất lòng Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia Trung Đông nào, đồng thời theo đuổi các lợi ích địa chính trị của mình, ngay cả khi chiếc ô an ninh của Mỹ cung cấp một lối vào chi phí thấp vào khu vực. Quan hệ đối tác của Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông nhìn chung gồm ba loại quan hệ đối tác chính: quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Ai Cập, Ả Rập Saudi, Iran, UAE, và Bahrain), quan hệ đối tác chiến lược (Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Qatar, Iraq, Oman, Kuwait, Syria, và Palestine) và quan hệ đối tác toàn diện sáng tạo (Israel). Thông qua các quan hệ đối tác chiến lược thường được thành lập trên cơ sở lợi ích kinh tế, Trung Quốc đã theo đuổi các lợi ích địa chính trị Trung Đông của mình theo hướng song phương, mà không áp dụng các mục tiêu toàn khu vực hoặc đa phương. Kết quả là, mạng lưới quan hệ đối tác của Trung Quốc trong khu vực đã không ngừng phát triển đa dạng và mở rộng hơn, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng và khả năng thích ứng chiến lược của nước này.

Trong những năm gần đây, quan hệ Ả Rập-Trung Quốc trong “Kỷ nguyên mới” đã chứng minh sức sống đáng kể và khả năng tiến triển bền vững, góp phần xây dựng cộng đồng Ả Rập-Trung Quốc cùng chung tương lai. Năm 2004, Trung Quốc thành lập Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Các quốc gia Ả Rập (CASCF) để tăng cường quan hệ với các quốc gia Ả Rập. Tại trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ sáu của CASCF năm 2014, Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Ả Rập có chung lợi ích và chung tương lai. Năm 2018, trong cuộc họp bộ trưởng lần thứ tám của CASCF, Tập tiếp tục phác thảo một quan hệ đối tác chiến lược tập trung vào hợp tác toàn diện, phát triển chung, và tầm nhìn hướng tới tương lai cho quan hệ Ả Rập-Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới việc thành lập “cộng đồng Trung Quốc-Ả Rập chung tương lai.”

Đến năm 2020, trong cuộc họp bộ trưởng lần thứ chín của CASCF, Trung Quốc và các quốc gia Ả Rập đã đạt được sự đồng thuận tích cực để đưa khái niệm “cùng nhau xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Ả Rập chung tương lai trong kỷ nguyên mới.” Năm 2022, Tập đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Các quốc gia Ả Rập và Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Trung Quốc-Vùng Vịnh lần thứ nhất, nhấn mạnh nhu cầu “phát huy tinh thần hữu nghị Trung Quốc-Ả Rập,” kêu gọi tăng cường đoàn kết và hợp tác để thúc đẩy một cộng đồng Trung Quốc-Ả Rập chặt chẽ hơn với tương lai chung.

Kết luận

Khái niệm ngoại giao của Trung Quốc về “cộng đồng chung vận mệnh” đã trở thành một khía cạnh then chốt trong chính sách đối ngoại của nước này trong những năm gần đây. Khái niệm này thúc đẩy phát triển hòa bình, hợp tác toàn cầu, và lợi ích chung giữa các quốc gia, được thể hiện trong các dự án quan trọng như Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.

Nhìn chung, những nỗ lực này nhằm mục đích tăng cường kết nối, thúc đẩy an ninh chung, và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các khu vực khác nhau. Khái niệm “cộng đồng chung tương lai” phản ánh chiến lược rộng hơn của Trung Quốc nhằm tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi để hỗ trợ cho mục tiêu hiện đại hóa trong nước và phục hưng sức mạnh dân tộc, trong khi điều hướng giữa bối cảnh phức tạp của địa chính trị hiện tại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới