Sunday, October 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHàng Việt xuất khẩu bị 'vạ lây' hàng TQ

Hàng Việt xuất khẩu bị ‘vạ lây’ hàng TQ

Nhiều ngành hàng Việt đang đối diện với các vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại hoặc chống lẩn tránh thuế, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh thuế, trong đó có lốp ô tô xuất khẩu

Theo các doanh nghiệp, cần sớm có giải pháp hạn chế nguy cơ hàng Việt bị đưa vào tầm ngắm điều tra chống lẩn tránh thuế.

Chỉ sau hơn 5 tháng chính thức điều tra chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ VN, mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc với mức thuế chống trợ cấp tạm thời cho hai doanh nghiệp xuất khẩu của VN là 0,81% và 2,85%.

Với các công ty không tham gia bảng trả lời câu hỏi, không hợp tác bị áp thuế lên tới 292,61%.

Bỗng dưng bị… cáo buộc lẩn tránh thuế
Không chỉ với thị trường Mỹ (nước đưa ra nhiều vụ điều tra nhất), gần đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với pin mặt trời và Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với lốp xe ô tô được nhập khẩu từ VN…

Tất cả các vụ việc này đều xuất phát từ cáo buộc các sản phẩm có xuất xứ hoặc được nhập khẩu từ VN đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng với Trung Quốc.

Tại cuộc giao ban xuất khẩu giữa các thương vụ VN với Bộ Công Thương mới đây, Thương vụ VN tại Nam Phi cho hay việc khởi xướng điều tra sản phẩm lốp xe nhập khẩu từ VN, Thái Lan, Campuchia là do nghi ngờ có gian lận xuất xứ để né thuế.

“Họ nghi ngờ các sản phẩm lốp xe này có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng bằng cách nào đó chuyển sang VN và lấy xuất xứ hàng VN xuất sang Nam Phi.

Trước đó, Nam Phi đã áp thuế chống bán phá giá với lốp xe có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế lên tới 69 – 74%” – Thương vụ VN tại Nam Phi cho hay.

Cũng theo vị này, kim ngạch xuất khẩu lốp xe từ VN vào Nam Phi tăng rất mạnh (gấp 3,5 lần), nhất là từ sau khi nước này áp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc vào tháng 7-2023. Cụ thể, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của VN xuất vào Nam Phi là 5,46 triệu USD.

Tuy nhiên, con số này trong năm 2023 đã tăng lên 19 triệu USD và 7 tháng đầu năm nay tăng tới 20,8 triệu USD. Đây là dấu hiệu khiến cho nước này nghi ngờ VN đang xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin điều tra trên đã gây quan ngại lớn cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Ông Ngô Sỹ Hoài, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, cho biết kể từ năm 2018 khi xung đột thương mại Mỹ – Trung diễn ra, doanh nghiệp gỗ VN đối mặt với nhiều nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Trong đó, Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng sau hơn 2 năm điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng gỗ dán.

Có 37 doanh nghiệp VN bị liệt kê vào “danh sách đen”, không tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ được. Đối với tủ bếp và bàn trang điểm, sau gần 2 năm điều tra, mới đây Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định hủy bỏ điều tra lẩn tránh thuế đối với nhóm sản phẩm này.

Do bị “vạ lây” bởi hàng Trung Quốc?
Theo đại diện của Công ty Cao su Đà Nẵng, lốp xe của Thái Lan xuất sang Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá lên tới 47% do sản phẩm của nước này xuất vào Mỹ liên tục tăng mạnh, từ mức chỉ 2 – 3 triệu lốp mỗi năm trước thời điểm dịch COVID-19 đã tăng lên tới khoảng 10 triệu lốp.

“Chúng ta đã chuẩn bị gì để không xảy ra tình trạng như trên, bởi một loạt các nhà máy sản xuất lốp của Trung Quốc đã được đầu tư xây dựng tại VN với công suất ngày càng tăng. Liệu hàng VN xuất khẩu vào Mỹ có nguy cơ tương tự và bị áp thuế chống bán phá giá hay không?” – vị này lo lắng.

Ông Nguyễn Minh Kế – chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình VN – cho biết ngành nhôm liên tiếp đối diện nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại, nhất là với thị trường Mỹ. Việc bị điều tra có một phần hệ lụy là từ cuộc chiến tranh thương mại.

Theo ông Kế, Trung Quốc là nước sản xuất nhôm lớn trên thế giới, chiếm 60% sản lượng toàn cầu, nên Mỹ và các nước liên tiếp đưa ra đòn trừng phạt với nhôm nước này. Ngành nhôm VN cũng chịu ảnh hưởng, bị áp đặt phòng vệ thương mại với các nước do ảnh hưởng nguồn gốc xuất xứ của nhôm từ Trung Quốc.

“Chúng tôi kiến nghị với Bộ KH&ĐT có giải pháp nhằm tránh được thuế phòng vệ thương mại, đồng thời cần xem xét thận trọng hơn với các dự án nhôm của Trung Quốc khi sản xuất ở VN. Cần có giải pháp để hạn chế rủi ro từ phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế thì ngành nhôm mới phát triển” – ông Kế nói.

Ông Nguyễn Văn Hiền – phó tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) – cho hay hoạt động sản phẩm lốp của VN đang bị áp thuế chống trợ cấp nên rất lo ngại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong xuất khẩu.

Đặc biệt, theo ông Hiền, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư đặt nhà máy sản xuất lốp tại VN có quy mô rất lớn, với nguy cơ lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ các nước, khiến cho hàng VN bị liên đới.

“Casumina một năm sản xuất 1,5 – 1,8 triệu lốp, nhưng họ sản xuất lên tới 10 – 20 triệu lốp. Do đó, Bộ Công Thương cần có giải pháp đảm bảo sự hài hòa lợi ích và bảo hộ ngành sản xuất trong nước” – ông Hiền kiến nghị.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới