Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngHành vi dã man của lực lượng chấp pháp TQ gây phẫn...

Hành vi dã man của lực lượng chấp pháp TQ gây phẫn nộ trên toàn cầu

Hành động của hải cảnh trấn áp tàu cá Việt Nam hôm 29/9, gây thương tích cho ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, gây phẫn nộ trên toàn cầu.

Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chấp pháp Trung Quốc gây hấn với tàu cá Việt Nam, trước đây hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần truy đuổi, phun vòi rồng, đâm chìm tàu cá Việt Nam. Song việc hải cảnh Trung Quốc hành hung gây thương tích cho nhiều ngư dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Hà Nội vừa thống nhất “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối năm 2023 khiến cộng đồng quốc tế bang hoàng bởi lẽ dư luận lo ngại Bắc Kinh đang “chùm chăn” để đánh Hà Nội.

Riêng trong ngày 29/9 đã xảy ra 2 vụ liên tiếp lực lượng chấp pháp Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa: (i) Vụ thứ nhất xảy ra tại khu vực Đá Chim Én. Tàu cá QNg-95739-TS của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên bị tàu Tam Sa Chấp Pháp 101 (Sansha Zhifa 101) và Tam Sa Chấp Pháp 301 (Sansha Zhifa 301) tấn công, khoảng gần 40 người mặc trang phục rằn ri của hải cảnh Trung Quốc có trang bị hung khí đã lên tàu cá QNg-95739-TS vào khoảng 9, 10 giờ sáng, đánh đập rã man các ngư dân, làm bốn ngư dân bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay, cướp đi máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, thiệt hại sơ bộ khoảng 500 — 600 triệu đồng; (ii) Vụ thứ hai là đối với tàu Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu. Vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ, cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý. Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công, khống chế tàu cá QNg 90659 TS, hành hung thuyền trưởng và uy hiếp các thuyền viên, sau đó lấy hết trang thiết bị và hải sản, vụ việc khiến 10 ngư dân trên tàu bị thương.
Sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án những hành động thô bạo của Bắc Kinh đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam, nhiều nước đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cách hành xử “không có tính người” của lực lượng hải cảnh Trung Quốc như những con dã thú. Giữa lúc Washington và các đồng minh cam kết tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực, Bắc Kinh gia tăng các hành động hung hăng nhằm vào Philippines và Việt Nam khiến cộng đồng quốc tế càng thêm phẫn nộ. Nhiều nước ra tuyên bố lên án vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Ngày 03/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mathew Miller viết trên trang X: “Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9”; nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông”.
Cũng trong ngày 3/10, phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các báo cáo đề cập tới một vụ việc “nghiêm trọng” ở quần đảo Hoàng Sa liên quan đến một tàu cá Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc vào ngày 29/9. EU nhấn mạnh cần phải duy trì và tôn trọng mọi lúc moi nơi Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các chuẩn mực quốc tế khác liên quan đến sự an toàn cho tính mạng con người trên biển. “Điều này đặc biệt bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Phái đoàn EU tuyên bố: “EU lên án mọi hành động phi pháp, leo thang và cưỡng ép làm suy yếu các nguyên tắc kể trên của luật pháp quốc tế cũng như đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực”; phái đoàn EU “kêu gọi giảm căng thẳng”, đồng thời khẳng định EU “luôn cam kết hỗ trợ các đối tác của mình tìm cách thực hiện các quyền hợp pháp của họ, trong khu vực và xa hơn nữa”.

Các nước Anh, Canada, Úc, New Zealand… cũng lên án việc Trung Quốc tấn công dã man tàu cá và ngư dân Việt Nam. Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew xem hành động đánh ngư dân Việt Nam là “đe dọa đến sự ổn định”. Hôm 04/10, ông Iain Frew tuyên bố: “Chúng tôi quan ngại về các hành vi bạo lực đối với ngư dân Việt Nam tại khu vực Biển Đông. Các hành vi đó đã gây nguy hiểm đối với người dân và đe dọa sự ổn định. Vương quốc Anh kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an toàn tại khu vực Biển Đông.”

Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil tuyên bố trên trang Facebook chính thức: “Tôi rất lo ngại về sức khỏe và sự an toàn của các ngư dân Việt Nam liên quan đến vụ việc ngày 29 tháng 9 vừa qua, và các động thái của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các tàu dân sự đang hoạt động trên Biển Đông”. “Các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm những quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), là nền tảng cho các giải pháp hòa bình trong các tranh chấp. Các hành động ép buộc, đe dọa và bạo lực vi phạm luật pháp quốc tế, là mối nguy hiểm cho tất cả mọi người”.

Trên mạng xã hội X, Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski hôm 4/10 đã viết: “Cực kỳ quan ngại liên quan đến thông tin lực lượng hàng hải của Trung Quốc làm ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS”.
Philippines, quốc gia trong thời gian qua liên tục có mối quan hệ đầy căng thẳng với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, hôm 4/10 cũng tỏ rõ quan điểm đứng về phía Hà Nội. Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Ano cho biết trong tuyên bố ngày 4/10: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và bất hợp pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9/2024”; nhấn mạnh rằng việc 10 ngư dân bị thương và tài sản bị hư hỏng là “hành động đáng báo động, không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế”.

Ông Ano đưa ra nhận định rằng việc sử dụng vũ lực như vậy đối với ngư dân dân sự là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vi phạm các phép lịch sự cơ bản của con người; đồng thời khẳng định: “Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong việc tố cáo hành động nghiêm trọng này và kêu gọi về trách nhiệm giải trình. Trung Quốc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế và chấm dứt mọi hoạt động thù địch gây nguy hiểm đến tính mạng và sinh kế của các thủy thủ dân sự”. Giới quan sát nhận định phát biểu của ông Eduardo M. Ano lý giải vì sao Hà Nội và Manila thời gian gần đây nỗ lực tăng cường hợp tác trên biển.

Cùng ngày 4/10, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra quan điểm tương tự, nhấn mạnh “Philippines liên tục lên án việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc các bên thực sự cần phải tự kiềm chế”. Giới quan sát nhận định Philippines chia sẻ những mất mát và đau thương của ngư dân Việt Nam bởi lẽ chính họ đang là nạn nhân của những hành vi hung hăng thô bạo từ hải cảnh Trung Quôc trong suốt thời gian qua. Các tàu công vụ và thủ thuỷ Philippines đã thường xuyên bị hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc tấn công gây thương tích bằng rìu, búa, gậy nhọn, nhiều tàu Philippines bị hư hỏng nặng, một số thuỷ thủ Philippines đã bị thương.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ lên án hành động “tàn ác” của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, gọi đó là hành động tấn công vô cớ, đàn áp, cướp phi pháp, đồng thời kêu gọi cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành động như vậy. Một số nhà ngoại giao các nước phương Tây tại Hà Nội gồm Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski và Đại sứ Anh Iain Frew cũng đưa ra lời lên án và kêu gọi tương tự trên trang X.

Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi man rợ của những công chức thực thi pháp luật của Trung Quốc và cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên án mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi hiếu chiến của nhà đương cục Bắc Kinh. Ông Nguyễn Sơn Hà, một người Việt sinh sống tại Pháp, bày tỏ: “Bộ Ngoại giao Mỹ, EU, Philippines cùng lên tiếng. Vấn đề [tranh chấp] Biển Đông, xảy ra từ lâu lắm rồi, nhưng nay các nước cùng lên tiếng để hỗ trợ Việt Nam. Nhờ sự can thiệp hay lên tiếng của Mỹ, EU, thì Trung Quốc có thể sẽ bớt đi sự hung hăng hay bắt nạt”.
Tuy nhiên, từ Brussels, Bỉ, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người theo dõi các quan hệ ngoại giao của Việt Nam với châu Âu, nêu nhận định rằng các phát biểu trên của EU, phần lớn, “mang tính ngoại giao”, và “không có trọng lượng gì đáng kể” so với “tính hung hăng”, “chiến lược diều hâu” đang trên đà thắng thế của Trung Quốc sau thời gian dài giằng co, bắt nạt Philippines. Ông Hải cho rằng: “Việc Philippines ủng hộ Việt Nam là điều hết sức tự nhiên, cả hai quốc gia đều bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông”, đồng thời cho rằng Hà Nội và Manila cần tăng cường đoàn kết để chống lại sự hung hãn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã có hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippine và gặp gỡ, trao đổi với Tổng thống Philippines về Biển Đông và cả Hà Nội lẫn Manila cũng đã có “những chỉ dấu là đồng minh của nhau trong việc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông”.

Theo giới quan sát, đáng chú ý là trong vụ tấn công hết sức thô bạo này, Trung Quốc sử dụng các tàu Tam Sa Chấp pháp thuộc lực lượng chấp pháp Tổng hợp Tam Sa, tức là một lực lượng thực thi pháp luật địa phương. Lực lượng này được biết đến là phối hợp chặt chẽ và chịu sự điều hành của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Việc sử dụng lực lượng chấp pháp địa phương là một thủ đoạn trong chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông. Một số nhà phân tích nhấn mạnh trong chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc, lực lượng địa phương được sử dụng khi cần phô trương các hành động tàn bạo quyết liệt, thay vì lực lượng trung ương. Điều này cho phép lực lượng trung ương có thể chối bỏ trách nhiệm khi muốn. Như vậy, trong chiến lược này, Trung Quốc đã sử dụng mọi lực lượng. Đi trên tuyến đầu là hải cảnh, rồi dân quân biển, các loại tàu chấp pháp khác. Hải quân thì ở xa hơn, nằm ở các căn cứ.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ vẫn giữ cách tiếp cận cũ: ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể nhưng khi việc ngoại giao này thất bại, hoặc đối với những vụ việc nghiêm trọng, Việt Nam sẽ lên tiếng công khai. Giới chuyên gia phân tích tấn công ngư dân là một chiến thuật linh hoạt của Trung Quốc để thể hiện thái độ với Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn công cụ pháp lý chưa sử dụng và nếu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu cá Việt Nam, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phải cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc. Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng với Việt Nam, có thể sẽ càng đẩy Việt Nam ra xa và càng khiến Việt Nam tích cực tăng cường mạng lưới quan hệ đối tác nhằm nâng cao thế đứng của mình, mở cửa cho nhiều đối tác có thể hiện diện ở Biển Đông.

Sinh kế của ngư dân Việt Nam, ngư dân Philippines đang bị đe doạ bởi các hành vi hung hãn, dã man của lực lượng chấp pháp Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang do hành động hung hãn của hải cảnh, dân quân biển và lực lượng chấp pháp địa phương Trung Quốc, ngày 10/9/2024, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào từ 8 đến 11/10/2024. Bất chấp việc Bắc Kinh luôn tìm cách chi phối vấn đề Biển Đông tại các hội nghị của ASEAN, song chúng ta cùng hy vọng ASEAN sẽ tìm được tiếng nói chung lên án những hành động dã man đối với những người ngư dân nghèo khó ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới