Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Putin mong muốn hòa bình lâu dài ở Ukraine

Ông Putin mong muốn hòa bình lâu dài ở Ukraine

Tổng thống Nga tuyên bố việc ngừng bắn tạm thời tại Ukraine chỉ tạo điều kiện cho các bên củng cố lực lượng đến đánh tiếp, thay vì dẫn đến hòa bình lâu dài.

Theo Đài RT, ngày 18-10 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin có một số phát biểu liên quan việc thỏa thuận ngừng bắn và lặp lại hòa bình ở Ukraine.

Chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu các nước trong nhóm BRICS, ông Putin khẳng định mục tiêu của Nga là đảm bảo các lợi ích an ninh lâu dài của mình.

Ông nói: “Nếu chúng ta bàn về một dạng tiến trình hòa bình nào đó thì nó không nên liên quan đến cuộc ngừng bắn một tuần, hai tuần hay thậm chí một năm. Nó chỉ giúp các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – những bên đang hỗ trợ Ukraine – củng cố lại lực lượng và tích lũy thêm đạn dược”.

Ông Putin khẳng định thay vào đó, Matxcơva muốn đạt “các điều kiện cho hòa bình dài hạn, bền vững và có thể mang lại an ninh tương đương nhau cho tất cả các bên tham gia quá trình khó khăn này”.

Ông không quên nhấn mạnh việc giới chức nước này “tôn trọng và thấu hiểu” quyết tâm của những “người bạn” BRICS muốn thấy cuộc khủng hoảng tại Ukraine được giải quyết “nhanh nhất có thể và bằng biện pháp hòa bình”.

Ngoài ra, ông Putin còn thừa nhận cuộc xung đột Ukraine là “vấn đề khó chịu trong các vấn đề quốc tế, các vấn đề châu Âu, vấn đề kinh tế… Hơn ai khác, chúng tôi muốn nó kết thúc sớm nhất có thể và dĩ nhiên qua các biện pháp hòa bình”.

Ông tuyên bố Matxcơva sẵn sàng đối thoại với Ukraine nhưng phải trên cơ sở thỏa thuận đã được đưa ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi cuối tháng 3-2022.

Theo ông Putin, khi ấy Kiev đã chấp nhận việc tuyên bố trung lập về quân sự, hạn chế quy mô lực lượng vũ trang và ngừng các hành vi phân biệt đối xử với cộng đồng dân tộc Nga. Ngược lại, Matxcơva sẽ cùng các cường quốc hàng đầu thế giới cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine”.

“Văn bản này đã không được thông qua vì phía Ukraine được lệnh không làm điều đó. Giới tinh hoa ở Mỹ và một số nước châu Âu khao khát mang đến thất bại chiến lược cho Nga”, tổng thống Nga khẳng định.

BRICS là một tổ chức quốc tế bao gồm những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới. Ban đầu BRICS gồm 5 nước thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Ngày 1-1-2024, tổ chức này kết nạp thêm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ethiopia, Iran và Ai Cập.

Trong đợt này Saudi Arabia và Argentia cũng được mời tham dự. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông đến nay vẫn chưa chính thức chấp nhận hay từ chối lời mời trong khi Buenos Aires đã từ chối sau khi tổng thống đương nhiệm của nước này, ông Javier Milei, lên nắm quyền.

Năm 2023, quy mô nền kinh tế 5 thành viên ban đầu của BRICS chiếm đến 25% GDP toàn cầu, dân số cũng chiếm 40% thế giới. Do đó BRICS được xem là tổ chức đối trọng lớn nhất của G7.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 sẽ tổ chức tại Nga từ ngày 22 đến 24-10. Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong thời gian tới của nhóm này, đồng thời đưa ra kết luận về vấn đề tư cách thành viên của Saudi Arabia.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới