Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựTên lửa đạn đạo DF-41 - Lá bài quan trọng trong kho...

Tên lửa đạn đạo DF-41 – Lá bài quan trọng trong kho vũ khí hạt nhân TQ

DF-41 được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, với tầm bắn xa và mang nhiều đầu đạn.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa ICBM đầu tiên sau 44 năm của Trung Quốc, ngày 25/9.

‘Lai lịch’ DF-41
DF-41 được phóng vào năm 2017, thuộc dòng tên lửa đạn đạo đất đối đất Dongfeng (Đông Phong).

Đông Phong có nghĩa là “gió đông”, xuất phát từ bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1957 sau khi Liên Xô chuyển giao tên lửa đạn đạo R-2 để giúp Trung Quốc phát triển chương trình của mình. “Hiện nay trên thế giới có hai luồng gió: gió đông và gió tây”, ông Mao nói.

Bắt đầu phát triển vào tháng 7/1986, nguyên mẫu của DF-41 thử nghiệm vào năm 1994 và chuyển giao vào năm 2010 cho Quân đoàn Pháo binh số 2, lực lượng giám sát tên lửa thông thường và hạt nhân của Trung Quốc trước khi chuyển đổi thành Lực lượng Tên lửa vào năm 2016.

Giới quan sát ước tính DF-41 trải qua 6 – 8 cuộc thử nghiệm từ năm 2012 – 2016. Cuộc thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào năm 2012 nhưng không thông tin chi tiết nào được tiết lộ.

Vụ thử thứ hai vào năm 2013, DF-41 bay từ trung tâm phóng tên lửa Wuzhai ở tỉnh Thiểm Tây đến mục tiêu thử nghiệm ở miền tây Trung Quốc. Các cuộc thử nghiệm sau đó tập trung vào những công nghệ cụ thể cho tên lửa, chẳng hạn như phương tiện tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV).

Sau nhiều thập kỷ phát triển và thử nghiệm, DF-41 lần đầu tiên xuất hiện công khai trong lễ duyệt binh ngày 1/10/2019, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Việc sản xuất có thể bắt đầu vào cùng năm. Hình ảnh vệ tinh do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ chụp vào tháng 4 và tháng 5/2019 cho thấy 18 bệ phóng di động cho tên lửa DF-41 tại địa điểm huấn luyện tên lửa gần Jilantai ở Nội Mông, phía bắc Trung Quốc.

Thông số kỹ thuật
Sau DF-31, DF-41 là ICBM thứ hai của Trung Quốc sử dụng nhiên liệu rắn. Những loại vũ khí như vậy không cần phải nạp nhiên liệu ngay trước khi phóng và yêu cầu ít hỗ trợ hậu cần hơn, giúp chúng khó bị phát hiện và có khả năng sống sót cao hơn trong các cuộc tấn công phủ đầu so với vũ khí sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn cần thời gian chuẩn bị dài hơn.

Tên lửa DF-41 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba giai đoạn để đạt tầm bắn từ 12.000 – 15.000 km, đủ khả năng bao phủ toàn bộ lục địa nước Mỹ, với tốc độ lên tới Mach 25.

Công nghệ MIRV áp dụng trên DF-41 cho phép tên lửa mang theo mang theo nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn có khả năng tấn công các mục tiêu khác nhau.

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố DF-41 có thể mang tới 10 đầu đạn MIRV với tổng trọng lượng 2.500 kg. Tuy nhiên, giới chuyên gia ước tính tên lửa có thể mang khoảng ba đầu đạn, cùng với các tải trọng bổ sung có thể được dùng làm mồi nhử và những phương tiện hỗ trợ xuyên thủng để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Có ba phiên bản DF-41 đang được sử dụng hoặc phát triển: di động trên đường bộ, di động trên đường sắt và hầm phóng (silo).

Phiên bản di động trên đường bộ được phóng từ bệ phóng di động tám trục, cho phép di chuyển qua nhiều loại địa hình và phóng từ các khu vực xa xôi. Điều này giúp hệ thống có thể triển khai đến nhiều vị trí ẩn nấp, giảm thiểu khả năng bị tấn công.

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đang thử nghiệm phiên bản DF-41 di động trên đường sắt, có khả năng linh hoạt về vị trí; các đoàn tàu có thể được ngụy trang thành tàu chở khách di chuyển với tốc độ cao, đồng thời sử dụng đường hầm để tránh bị vệ tinh phát hiện.

Bắc Kinh cũng có thể đang phát triển phiên bản DF-41 đặt trong hầm phóng. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhiều hầm phóng kích thước phù hợp với DF-41 từ năm 2018, với ít nhất 16 hầm đang được xây dựng tại khu huấn luyện Jilantai tính đến năm 2021.

Hình ảnh vệ tinh từ năm 2021 cho thấy các tổ hợp hầm phóng tương tự như khu Jilantai cũng đang được xây dựng tại Yumen ở tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc, Hami ở Tân Cương và Ordos ở Nội Mông. Mỗi địa điểm có hơn 100 hầm phóng.

DF-41 so với ICBM khác
So với ba tên lửa đạn đạo liên lục địa tiền nhiệm là DF-4, DF-5 và DF-31, DF-41 tiên tiến nhất. Mặc dù DF-5 cũng có thể bao phủ toàn bộ lục địa nước Mỹ với tầm bắn từ 13.000 – 16.000 km, nhưng lại sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng thay vì động cơ nhiên liệu rắn.

Trong khi đó, DF-31 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn nhưng tầm bắn hoạt động tương đối ngắn, khoảng 7.200 – 8.000 km, và chỉ có thể mang một đầu đạn. Tuy nhiên, các biến thể của nó, DF-31A và DF-31AG, được cho là có tầm bắn lên tới 13.200 km và trang bị công nghệ MIRV, với khoảng ba đến năm đầu đạn.

Tính đến năm nay, ICBM trên mặt đất duy nhất của Washington đang hoạt động là LGM-30G Minuteman III, với khoảng 400 tên lửa được triển khai tại Mỹ. Minuteman III được giới thiệu vào năm 1970 và có các đặc điểm tương tự như DF-41, bao gồm động cơ nhiên liệu rắn ba giai đoạn và tầm hoạt động khoảng 13.000 km.

Đây cũng là ICBM đầu tiên của Mỹ trang bị công nghệ MIRV để mang ba đầu đạn, mặc dù các tên lửa hiện đang hoạt động đã loại bỏ công nghệ MIRV theo một hiệp ước với Nga năm 1993, cấm sử dụng trên ICBM.

Nga có thể đang phát triển RS-28 Sarmat mới để thay thế ICBM R-36M của Liên Xô. RS-28 Sarmat nằm trong danh sách sáu loại vũ khí chiến lược mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vào năm 2018, được cho là có tầm hoạt động xa nhất thế giới lên đến 18.000 km.

Tháng 4/2022, Moskva tiến hành vụ phóng đầu tiên của Sarmat, hai tháng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, vụ thử gần nhất vào tháng 9 thất bại, để lại miệng hố rộng khoảng 60 m tại Sân bay Vũ trụ Plesetsk ở miền bắc Nga.

Răn đe chiến lược
Cụm từ “răn đe chiến lược” được đề cập trong báo cáo công tác của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 năm 2022 và nhắc lại trong hội nghị trung ương lần thứ ba vào đầu năm nay.

Trung Quốc cam kết “tuân thủ nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”, nhấn mạnh lực lượng hạt nhân của họ phát triển để phòng thủ và phản công lại một cuộc tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong những nước có kho vũ khí hạt nhân phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 10 năm ngoái, Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc đang “thúc đẩy các kế hoạch hiện đại hóa dài hạn để tăng cường khả năng ‘răn đe chiến lược’ của mình”, bao gồm phát triển các ICBM mới.

Báo cáo cho biết Trung Quốc đã “tăng gấp đôi và tiếp tục phát triển số lượng bệ phóng tại hầu hết các đơn vị ICBM”. Tính đến năm 2022, cường quốc này có khoảng 350 ICBM, bao gồm DF-31 và DF-41.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm vào tháng 7 năm nay ước tính Trung Quốc bổ sung 90 đầu đạn vào kho vũ khí của mình trong năm 2023 và hiện có tổng cộng khoảng 500 đầu đạn. Báo cáo cũng dự đoán trong vòng 10 năm, số lượng ICBM của Trung Quốc có thể vượt qua cả Nga và Mỹ.

ICBM có khả năng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc răn đe hạt nhân ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách tăng cường năng lực hạt nhân của mình.

Washington tuyên bố bắt đầu thay thế toàn bộ các tên lửa Minuteman III của mình từ năm 2029 bằng một loại ICBM mới có tên LGM-35 Sentinel.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới