Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVấn đề Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto

Vấn đề Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 2/2024 và sẽ trở thành tân Tổng thống Indonesia vào ngày 20/10/2024.

Đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc sau khi thắng cử và được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp nồng hậu mặc dù ông Prabowo Subianto chưa nhậm chức.

Quyết định của ông Prabowo đến thăm Trung Quốc trước các nước láng giềng trong khu vực khiến một số người lo ngại về một chính sách thân Trung Quốc của chính quyền mới ở Indonesia dưới thời ông Prabowo Subianto. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây có thể chỉ là cách thể hiện bề nổi còn khi chính thức trở thành Tổng thống, của ông Prabowo Subianto sẽ phải cân nhắc nhiều mặt, trong đó có những lợi ích to lớn của Indonesia trên vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với các nước ASEAN cũng như với Mỹ, Nhật.

Indonesia không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông, nhưng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở Biển Bắc Natuna nằm trong cái gọi là “Đường chín đoạn” mà Bắc Kinh sử dụng để yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90% vùng biển tranh chấp. Trong những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra các cuộc đụng độ ở vùng biển tranh chấp này. Hồi tháng 12/2022, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh 5901, tàu bảo vệ bờ biển lớn nhất thế giới, tiến hành tuần tra ở Biển Bắc Natuna.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia, Biển Đông luôn là vấn đề được quan tâm lớn trong nội bộ Indonesia từ các cơ quan của chính phủ tới người dân. Trong các tài liệu tranh cử, ông Prabowo cho rằng Indonesia cần chuẩn bị cho các xung đột trong tương lai và lên kế hoạch giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Theo nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững thuộc Đại học Indonesia, Aristyo Rizka Darmawan, lời lẽ này của ông Prabowo về Biển Đông hàm ý Indonesia nên có một năng lực phòng thủ mạnh mẽ.

Nhà nghiên cứu Aristyo Rizka Darmawan cho biết Tổng thống đắc cử Prabowo có thể sẽ tập trung vào việc xây dựng lực lượng hải quân như một lực lượng răn đe ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna – nơi các hoạt động xâm lấn và tuần tra của tàu cá Trung Quốc đã trở nên thường xuyên. Ông nêu rõ: “Năng lực phòng thủ và hàng hải của hải quân Indonesia rất quan trọng. Với chiến lược như vậy, Prabowo rất có thể sẽ thực hiện một chính sách quyết đoán hơn ở Biển Bắc Natuna”. Ông Darmawan còn cho rằng: “Chỉ dựa vào năng lực quân sự sẽ không giúp ích nhiều trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở vùng biển tranh chấp. Để thể hiện vai trò lãnh đạo trong ASEAN, Indonesia không chỉ nghĩ đến nước này mà còn nghĩ đến vai trò lớn hơn trong việc giúp khu vực tránh leo thang và xung đột”.

Ông Muradi – nhà phân tích quân sự và giáo sư nghiên cứu chính trị và an ninh tại Đại học Padjadjaran Indonesia, cho rằng tân Tổng thống Indonesia sẽ giữ quan điểm trung lập trong tranh chấp Biển Đông mà không đưa ra bất cứ điều gì mới. Ông nói: “Rõ ràng là quan điểm chính trị của ông ấy sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối nội. Đây là đặc điểm của một người lính sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Muhammad Zulfikar Rakhmat tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết cựu tướng Prabowo “đã có lịch sử ủng hộ một chính sách đối ngoại độc lập và quyết đoán hơn cho Indonesia”. Ông nói: “Chiến thắng của ông (Pabowo) trong cuộc bầu cử có thể dẫn đến việc điều chỉnh lại cách tiếp cận của Indonesia đối với vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực. Prabowo có thể ưu tiên tăng cường năng lực quân sự của Indonesia trong vùng biển tranh chấp”.

Nhà nghiên cứu Zulfikar cho rằng: “Trong khi bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đặc biệt là về hợp tác kinh tế, Prabowo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chủ quyền và độc lập của Indonesia trong chính sách đối ngoại của mình”. Theo nhà nghiên cứu của NUS, điều đó có thể cho thấy Prabowo “đang tìm cách tăng cường hợp tác khu vực với các nước ASEAN và các cường quốc khu vực khác để giải quyết các thách thức an ninh”. Ông Prabowo có thể áp dụng cách tiếp cận thực dụng, tìm cách cân bằng mối quan hệ của Indonesia với cả Trung Quốc và Mỹ để tối đa hóa lợi ích quốc gia”.

Indonesia là thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2023 khi Indonesia giữ chức Chủ tịch ASEAN, khối này và Trung Quốc đã tiến hành vòng thảo luận dự thảo thỏa thuận mới về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông Prabowo “đã không đưa ra bất kỳ ý tưởng mới nào để thúc đẩy đối thoại hoặc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC. Điều này cho thấy sự thận trọng của ông khi bước vào tranh cử tổng thống.

Như vậy, bất chấp việc thực hiện chuyến thăm tới Bắc Kinh ngay sau khi thắng cử, giới phân tích cho rằng Prabowo có vẻ sẵn sàng thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh liên quan các yêu sách lãnh thổ quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực xung quan quần đảo Natuna của Indonesia khi ông chính thức nhậm chức tổng thống vào tháng 10 tới. Điều này phù hợp với quan điểm của công chúng Indonesia như được công bố trong cuộc khảo sát hôm 19/3.

Với nền tảng và kinh nghiệm về an ninh và quốc phòng, Tổng thống đắc cử Prabowo được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực của Indonesia trong việc ngăn chặn và phản ứng thích đáng các hành vi xâm phạm trên biển của Trung Quốc, duy trì tự do hàng hải khu vực. ông Prabowo có 24 năm phục vụ trong quân đội và nền tảng quân sự đã định hình quan điểm của ông về những cân nhắc chiến lược và các vấn đề an ninh. Những hiểu biết sâu sắc của ông về các vấn đề quân sự và động lực khu vực sẽ là cơ sở để ông có các quyết sách trên cương vị nhà lãnh đạo Indonesia.

Đối với Hải quân Indonesia, ông Prabowo có thể nâng cấp hạm đội với các tàu tuần tra và tàu khu trục mới để tăng cường khả năng giám sát cũng như củng cố sự hiện diện hàng hải trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Những nỗ lực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải có thể được thực hiện thông qua việc triển khai các hệ thống radar tiên tiến, máy bay tuần tra và máy bay không người lái trên không để giám sát và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh.

Trên cương vị Tổng thống, ông Prabowo cũng có thể sẽ nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải thông qua cải thiện hoạt động đào tạo và phối hợp liên ngành. Nhiều nhà quan sát dự đoán chính quyền Jakarta dưới thời ông Prabowo có thể tìm cách hợp tác với các cường quốc hàng hải như Mỹ, Nhật Bản và Australia để tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực. Ngoài ra, Indonesia nhiều khả năng sẽ tận dụng ảnh hưởng ngoại giao và vai trò lãnh đạo khu vực để huy động Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng nhau ủng hộ mạnh mẽ lợi ích chung ở Biển Đông.

Theo những đường hướng này, chính quyền Prabowo có thể nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và thúc đẩy các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Bằng cách tích cực tham gia các sáng kiến ngoại giao và diễn đàn đa phương, Indonesia có thể tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Chiến lược này sẽ phù hợp với vai trò lịch sử của Indonesia với tư cách một nhân tố trung gian hòa giải và luôn ủng hộ sự ổn định trong khu vực, nhấn mạnh giải quyết xung đột một cách hòa bình thay vì đối đầu quân sự.
Qua việc thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh đẩu tiên sau khi thắng cử, có thể thấy ông Prabowo nhận ra môt thực tế rằng Indonesia cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc để củng cố lợi ích kinh tế và sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, “tính liên tục” trong chính sách được ông Prabowo thường xuyên đề cập trong chiến dịch tranh cử cho thấy chính quyền mới của ông Prabowo sẽ tiếp tục kế thừa những chính sách của Tổng thống đương nhiệm Joko “Jokowi” Widodo với cách tiếp cận thực dụng hơn và chắc chắn sẽ không có chuyện chấp nhận sự quyết đoán trên biển của Bắc Kinh.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc ông Prabowo Subianto chọn Trung Quốc thực hiện chuyến thăm sau đắc cử tổng thống Indonesia không phản ánh chính sách của chính quyền mới ở Indonesia trên vấn đề Biển Đông bởi trên thực tế ông Prabowo Subianto không có bất cứ thoả thuận hay phát biểu nào về vấn đề Biển Đông trong thời gian thăm Bắc Kinh. Mặt khác, ngay sau khi thăm Trung Quốc, ông Prabowo còn thăm Nhật Bản và khoảng 10 quốc gia khác. Đáng chú ý nhất phải kể tới chuyến thăm Úc của ông Prabowo tháng 8 vừa qua, mà trong chuyến thăm ông đã nhất trí với lãnh đạo Úc về một thoả thuận hợp tác quân sự lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông. Theo nhận định của giới chuyên gia, thoả thuận quân sự mới giữa Canberra và Jakarta sẽ là nền tảng để mở rộng hợp tác an ninh trên biển giữa Úc và Indonesia, kể cả ở Biển Đông. Và rõ ràng Bắc Kinh không thích thú điều này.

Còn quá sớm để đưa ra những dự báo cụ thể về chính sách của chính quyền Jakarta dưới thời tân Tổng thống Prabowo Subianto, song theo các nhà phân tích 2 điểm có thể khẳng định được: một là, chính quyền của ông Prabowo Subianto sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo của minh bời lẽ ông Prabowo khẳng định vấn đề chủ quyền biển của Indonesia là không thể thương lượng; hai là, chính quyền của ông Prabowo Subianto sẽ duy trì cách tiếp cận tránh mọi hành động nảy sinh xung đột và thúc đẩy duy trì hiện trạng khu vực.

Dù sao đi nữa, Tổng thống đắc cử Prabowo sẽ phải tìm ra con đường riêng để giải quyết nhiệm vụ phức tạp là thúc đẩy phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Khi ông tìm cách cân bằng lợi ích kinh tế với các yêu cầu địa chính trị, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan trong khu vực sẽ theo dõi chặt chẽ những vấn đề liên quan lập trường của Indonesia về Biển Đông. Với tư cách là cường quốc hàng đầu Đông Nam Á, những quan điểm của chính quyền mới tại Jakarta chắc chắn sẽ có tác động lớn tới vấn đề an ninh ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

RELATED ARTICLES

Tin mới