Indonesia đã bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn, theo tuyên bố do Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra tối 24.10.
Khi các nhà lãnh đạo thuộc BRICS dự họp tại thành phố Kazan của Nga trong tuần này, Bộ Ngoại giao Indonesia cho hay quá trình gia nhập nhóm này đã bắt đầu, theo Reuters.
“Việc Indonesia gia nhập BRICS thể hiện chính sách đối ngoại chủ động độc lập của nước này. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi gia nhập một khối nào đó, nhưng chúng tôi tích cực tham gia vào mọi diễn đàn”, tân Ngoại trưởng Indonesia Sugiono nhấn mạnh.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, mới nhậm chức hôm 20.10, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ kết bạn với tất cả các quốc gia, dù là Trung Quốc hay Mỹ, và Indonesia sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào.
Ông Sugiono cho hay BRICS phù hợp với các chương trình chính phủ quan trọng của Tổng thống Prabowo “đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực”. Ông cho biết thêm Indonesia coi BRICS là “phương tiện” thúc đẩy lợi ích của Nam bán cầu.
Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập hội đàm tại sự kiện lớn của khối BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay hơn 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, dù hiện vẫn chưa rõ ràng về cách thức mở rộng này sẽ diễn ra như thế nào.
Các thành viên hiện tại của BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Iran, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Yohanes Sulaimantại thuộc Đại học Jenderal Achmad Yani (Indonesia) nhận định việc Indonesia muốn gia nhập BRICS cho thấy nước này không muốn bị bỏ lại phía sau, và điều đó không nhất thiết có nghĩa là chính sách đối ngoại của ông Prabowo thiên về phương Đông hơn là phương Tây.
Trong nỗ lực thu hút thêm nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại từ các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp), Indonesia đã tuyên bố trong năm nay trước khi ông Prabowo nhậm chức rằng nước này đặt mục tiêu hoàn tất việc gia nhập để trở thành thành viên OECD trong vòng hai đến ba năm, theo Reuters.
T.H