Wednesday, January 22, 2025
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếNhìn lại nội dung vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng...

Nhìn lại nội dung vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45 diễn ra trong bối cảnh tỉnh hình Biển Đông căng thẳng sau những vụ việc va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu công vụ Philippines và vụ việc tàu chấp pháp Trung Quốc trấn áp tàu cá Việt Nam làm bị thương nhiều ngư dân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, do vậy vấn đề Biển Đông trở thành tâm điểm thảo luận tại các cuộc họp trong khuôn khổ Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45, kể tại Hội nghị cấp cao Đông Á.

Tại cuộc họp giữa các lãnh đạo các nước ASEAN ngày 9/10, nguyên thủ các nước ASEAN lặp lại kêu gọi lâu nay về việc tự kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông. Nội dung này được đưa vào Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 44 và 45.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải trên Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hạn chế bất đồng, khai thác điểm đồng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại chân thành, tin cậy, hiệu quả, dựa trên luật lệ, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, tạo môi trường thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 44 và 45 nhà lãnh đạo Singapore, Thủ tướng Lawrence Wong đã cảnh báo về “rủi ro thực sự của một vụ tai nạn leo thang thành xung đột” nếu tranh chấp trên biển không được giải quyết. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng sự đoàn kết của khối đang phải đối mặt với những thách thức kép cả ở bên trong và bên ngoài. Các vấn đề nội bộ (bao gồm Biển Đông và Myanmar) chưa được giải quyết, trong khi bên ngoài phải đối diện với tình hình chính trị trong khu vực và thế giới ngày càng rắc rối và hỗn loạn.

Phát biểu tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc hôm 10/10/2024, trước các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thẳng than bày tỏ những quan điểm mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông. Ông Marcos Jr. nhấn mạnh: “Cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đàm phán về bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc. Thật đáng tiếc khi tình hình chung ở Biển Đông vẫn căng thẳng và không thay đổi. Chúng tôi tiếp tục phải hứng chịu sự quấy rối và đe dọa”. Nhà lãnh đạo Philippines Marcos cũng bày tỏ sự thất vọng khi các bên liên quan không thể thống nhất ngay cả về những điều đơn giản, khi nhấn mạnh rằng “định nghĩa về một khái niệm hết sức cơ bản như ‘tự kiềm chế’ vẫn chưa nhận được sự đồng thuận”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Lý Cường tránh đề cập tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều thành viên ASEAN ở Biển Đông, mà chỉ tập trung vào vế kinh tế và thương mại. Theo ông Lý Cường, ASEAN và Trung Quốc cần đẩy mạnh “hội nhập trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, khuynh hướng bảo hộ gia tăng và tình hình thế giới bất ổn”. Đáp trả lại ý kiến của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cương, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. lập luận rằng “quý vị không thể tách biệt hợp tác kinh tế với an ninh chính trị”, hay “ASEAN và Trung Quốc không thể giả vờ rằng tất cả đều tốt đẹp trên bình diện kinh tế trong khi căng thẳng tiếp diễn trên bình diện chính trị”.

Trước phát biểu mạnh mẽ của Tổng thống Marcos về vấn đề Biển Đông tại hội nghị và phát biểu của các nhà lãnh đạo khác, Thủ tướng Trung Quốc buộc phải đưa ra ý kiến về vấn đề Biển Đông với việc khăng khăng cho rằng Bắc Kinh phải bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đáp lời lãnh đạo Philippines, Thủ tướng Trung Quốc cho rằng “Biển Đông là một mái nhà chung” và Bắc Kinh có trách nhiệm “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc ở vùng biển này. Ông Lý Cường cũng đổ lỗi cho sự can thiệp của “các thế lực bên ngoài” tìm cách “đưa xung đột khối và xung đột địa chính trị vào châu Á”, gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Cũng liên quan đến Biển Đông, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc, ngày 10/10, Thủ tướng Malaysia Seri Anwar Ibrahim, nước điều phối các hội nghị mở rộng của ASEAN, đọc tuyên bố của ASEAN kêu gọi các bên sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), mà Trung Quốc và ASEAN bắt đầu khởi sự đàm phán từ thập niên 1990. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ hôm 10/10 cũng ra một thông cáo chung với lời kêu gọi tương tự. 

Trong khi đó tại Bắc Kinh, khi được hỏi về những phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nói rằng tình hình Biển Đông ‘‘nhìn chung là ổn định’’; khẳng định Trung Quốc ‘‘duy trì cam kết giải quyết các bất đồng trên biển với các nước liên quan thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở tôn trọng các sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế’’, và tiếp tục hợp tác với ASEAN để thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Mặt khác,. Bà Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm và khiêu khích, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải củ khẳng định.

Tại Hội nghị ASEAN- Hàn Quôc, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, một vị thế mới mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh rằng sẽ giúp cả hai bên “cùng nhau tạo ra một tương lai mới”. Giới chuyên gia nhận định việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc có thể giúp Seoul nâng caovai trò trong các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông bởi gần đây Hàn Quốc đã lên tiến chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào Philippines ở Biển Đông. Trong khi đó, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng cam kết thúc đẩy mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN bằng cách cung cấp tàu tuần tra và đào tạo về thực thi pháp luật trên biển, tăng cường an ninh kinh tế thông qua hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác, đồng thời củng cố an ninh mạng. Ông Ishiba nhấn mạnh: “Nhật Bản chia sẻ các nguyên tắc như tự do, dân chủ và pháp quyền, và muốn cùng ASEAN xây dựng và bảo vệ tương lai”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thay mặt tổng thống Joe Biden, tham dự cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN trong ngày 11/10 đã có những phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh : ‘‘Chúng tôi rất quan ngại về các hoạt động ngày càng nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, gây thương tích cho người dân, gây tổn hại cho tàu thuyền của các nước ASEAN, trái ngược với các cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington ‘‘sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trong một thông điệp cứng rắn khác gửi đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng “điều quan trọng là phải duy trì cam kết chung của chúng ta nhằm bảo vệ sự ổn định trên Eo biển Đài Loan”.

Biển Đông cũng là một chủ đề trọng tâm của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra hôm 11/10. Ngoài 10 nước ASEAN, còn có đại diện của 8 quốc gia khác, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.  Tại hội nghị này, Tổng thống Philippines Marcos Jr. tiếp tục tố cáo cách hành xử bạo lực của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila, như tấn công bằng vòi rồng, đâm vào tàu của Philippines…. Nguyên thủ Philippines nhấn mạnh là các hành động bạo lực của Trung Quốc xảy ra tại những địa điểm ‘‘có khi chỉ cách bờ biển Philippines 17 hải lý, và cách Hoa lục 600 hải lý’’. Theo lãnh đạo Philippines, hành xử nói trên của Trung Quốc đòi hỏi các bên liên quan ‘‘nỗ lực phối hợp và nghiêm túc để thực sự giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông’’.

Đáng chú ý là theo tiết lộ của người đã tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), một dự thảo Tuyên bố, với sự đồng thuận của ASEAN, đã được trình bày tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào tối 11/10 tại Lào với sự tham dự của 18 quốc gia gồm các nước thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng Tuyên bố không được thông qua do sự phản đối của Trung Quốc và Nga liên quan tới cách đề cập tới Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong dự thảo Tuyên bố, trong khi các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ đều cho biết họ có thể ủng hộ dự thảo này

Dự thảo tuyên bố EAS 2024 có thêm một điều khoản bổ sung so với Tuyên bố đã được thông qua năm 2023 và điều này đã không được Trung Quốc và Nga chấp thuận. Tuyên bố lưu ý một Nghị quyết của Liên hợp quốc năm 2023 nêu rõ UNCLOS “đặt ra khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên đại dương và biển phải được thực hiện”. Một điều khoản bổ sung khác không được chấp thuận nhấn mạnh rằng môi trường quốc tế, bao gồm “ở Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Myanmar, Ukraine và Trung Đông … đặt ra những thách thức cho khu vực”.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Viêng Chăn hôm 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi: Tuyên bố cuối cùng đã không được thông qua do “những nỗ lực không ngừng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand nhằm biến nó thành một tuyên bố hoàn toàn mang tính chính trị”. Giới chuyên gia cho rằng cách đề cập tới UNCLOS trọng dự thảo Tuyên bố EAS 2024 là hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ của Công ước, song việc Trung Quốc cùng phản đối điều này là dấu hiệu cho thấy rõ đã có sự phối hợp giữa Bâc Kinh và Matxcova trên hồ sơ Biển Đông, đây là điều các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác.

Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này, giới quan sát chỉ ra 2 điểm nhấn liên quan tới vấn đề Biển Đông:

Thứ nhất, so với các hội nghị của ASEAN từ đầu năm đến nay và kể cả các hội nghị trong năm 2023, vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 44 và 45 được lãnh đạo nhiều nước lên tiếng mạnh mẽ hơn. Các nước ASEAN còn đồng thuận đưa nội dung UNCLOS vào dự thảo Tuyên bố của EAS 2024, song bị Trung Quốc, Nga khước từ. Lý do bởi trong suốt năm qua, căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang, các vụ va chạm ở Biển Đông đã khiến nhiều nhiều tàu công vụ của Philippines hay tàu cá Việt Nam hư hỏng nghiêm trọng, thậm chí làm bị thương các thuỷ thủ và ngư dân. Nếu cộng đồng quốc tế không có tiếng nói mạnh mẽ, tình hình đáng báo động ở Biển Đông có nguy cơ dẫn tới những xung đột lớn hơn. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần phát huy vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực.

Thứ hai, lần đầu tiên lãnh đạo của Philippines đấu tranh trực diện với Thủ tướng Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc. Thông thường tại các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc trước đây, lãnh đạo các nước ASEAN thường kiềm chế tránh chỉ trích, chất vấn trực diện lãnh đạo Trung Quốc do không muốn làm “mất mặt” Bắc Kinh (tại các hội nghị trước, vấn đề Biển Đông chủ yếu được nêu đậm nét ở cuộc họp nội bộ của 10 nước ASEAN). Phát biểu mạnh mẽ, trực diện của Tổng thống Philippines Marcos về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc lần này phần nào khiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bất ngờ và rơi vào thế bị động phải chống đỡ. Ngoài ra, ông Marcos còn chỉ trích mạnh mẽ những hành vi hung hăng ở Biển Đông ngay tại Hội nghị cấp cao Đông nơi còn có mặt của lãnh đạo nhiều nước ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 44 và 45 đã khép lại năm Lào làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Malaysia – nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông và đã tứng bị tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí ở Biển Đông – tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2025. Nhiều chuyên gia hy vọng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ làm được nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông trong năm 2025.

Những diễn biến xung quanh việc đưa nội dung về UNCLOS vào Tuyên bố của EAS 2024 cho thấy sự phối hợp giữa Trung Quốc và Nga trong thời gian tới sẽ là một cản trở lớn cho những nội dung liên quan đến Biển Đông trong khuôn khổ hội nghị ASEAN. Mặt khác, cùng thời điểm ASEAN tiến hành các Hội nghị cấp cao, Mỹ và Philippines dẫn đầu tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung giữa 6 quốc gia ngoài khơi phía Bắc Philippines. Cuộc tập trận “Sama Sama” (“Đoàn kết” theo tiếng Tagalog) khai mạc hôm 7/10 và dự kiến kéo dài trong hai tuần. Hải quân Mỹ nhấn mạnh đây là các cuộc tập trận thường niên được “thiết kế để tăng cường khả năng tương tác và củng cố mối quan hệ an ninh giữa các đối tác trong khu vực”. “Sama Sama” năm 2024, có sự tham gia của gần 1.000 quân nhân từ Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Mỹ và Philippines, được tiến hành tại vùng biển ngoài khơi Luzon, đảo chính phía Bắc của Philippines đối diện Đài Loan. Anh đã cử quan sát viên đến tham dự cuộc tập trận. Tóm lại, mặc dù vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề trọng tâm tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nước lên tiếng mạnh mẽ hơn, song về cơ bản chỉ là những lời đổ lỗi cáo buộc lẫn nhau, Hội nghị không đưa ra được những biện pháp cụ thể để giảm căng thẳng ở Biển Đông, thậm chí còn hé lộ đối đầu mới trên vấn đề UNCLOS giữa một bên là Trung Quốc, Nga và bên kia là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Ông Ian Storey, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Yusof Isa ở Singapore, nhận định rằng Hội nghị ASEAN đã không làm được gì nhiều trong việc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Tại Viêng Chăn, các bên không tổ chức đàm phán về vấn đề Biển Đông. Chỉ khi Trung Quốc thay đổi hành vi gây hấn với Philippines thì tình hình căng thẳng mới có thể giảm bớt, song chưa có dấu hiệu về sự thay đổi của Bắc Kinh. Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông kéo dài nhiều năm và khó có thể giải quyết trong ngắn hạn, ngoại giao vẫn là phương thức cần thiết để giải quyết vấn đề.

RELATED ARTICLES

Tin mới