Sunday, January 26, 2025
Trang chủĐiểm tinẤn Độ đẩy mạnh chính sách hướng Đông và can dự sâu...

Ấn Độ đẩy mạnh chính sách hướng Đông và can dự sâu hơn vào Biển Đông

Từ ngày 3-5/9/2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Brunei và Singapore. Đây là chuyến thăm tới Đông Nam Á đầu tiên sau khi ông Narendra Modi tái đắc cử tháng 6/2024.

Chuyến thăm diễn ra trong vòng 100 ngày kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, một minh chứng cho tầm quan trọng của mối quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Brunei và Singapore đánh dấu sự củng cố Chính sách Hành động Hướng Đông, tiếp tục đặt trọng tâm vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đông Nam Á như là nền tảng để củng cố các mối quan hệ của Ấn Độ nhằm kiềm chế Trung Quốc đồng thời tăng cường sự hiện diện và xâm nhập vào khu vực.

Một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở vẫn là nguyên tắc thiết yếu và đồng bộ hóa các lợi ích quốc gia của Ấn Độ cũng như chương trình nghị sự Hành động Hướng Đông, nhưng ưu tiên chính là đảm bảo phát triển quan hệ hữu nghị dựa trên nhu cầu và lòng tin, hình thành các mối liên kết gắn bó và cùng nhau đối phó với các mối đe dọa chung, thể hiện tinh thần đoàn kết mạnh mẽ hướng tới một trật tự dựa trên luật lệ và một tuyến đường hàng hải tự do, rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế.

Chuyến thăm của Modi tới Brunei là chuyến thăm song phương đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ kể từ khi quốc gia Đông Nam Á này giành độc lập vào năm 1984 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ vào tháng 5/1984. Chuyến thăm tượng trưng cho một chương mới trong mối quan hệ song phương trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khi hai bên đều tìm cách dựa vào nhau nhiều hơn vì lợi ích địa chính trị. Thủ tướng Modi và Quốc vương Bolkiah đã nhất trí tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm hợp tác quốc phòng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin viễn thông…, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tại Brunei, Thủ tướng Modi đã chỉ trích sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Modi tuyên bố Ấn Độ ủng hộ sự phát triển nhưng không ủng hộ “chủ nghĩa bành trướng”, ám chỉ hành vi hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ngay trong tiệc chiêu đãi do Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah chủ trì tại thủ đô Bandar Seri Begawan, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng “quyền tự do hàng hải và hàng không”. Ông Modi bày tỏ: “Chúng tôi nhất trí rằng cần hoàn thiện COC. Chúng tôi ủng hộ chính sách phát triển chứ không ủng hộ chủ nghĩa bành trướng”.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm cấp cao hai nước cũng nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo nhắc lại cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải cũng như tôn trọng tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”.

Trong Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và khả năng phục hồi của khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; kêu gọi thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, tự do và toàn diện, cũng như cam kết duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải-hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở, phù hợp với luật pháp quốc tế. Về quốc phòng, hai nhà lãnh đạo đều thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải, bao gồm thông qua trao đổi các chuyến thăm một cách thường xuyên, chương trình huấn luyện, tập trận chung và các chuyến thăm của tàu hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển giữa hai nước. Hai bên đều bày tỏ sự hài lòng trước việc tàu thuyền của hai nước ghé cảng của nhau thường xuyên.

Brunei tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông, phần lớn trong số đó nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như một số quốc gia khác có yêu sách trong khu vực, Brunei giữ im lặng về yêu sách của mình trong khi mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Giới quan sát nhận định những quan điểm về Biển Đông của Thủ tướng Modi và được đưa vào Tuyên bố chung trong chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực Biển Đông ngày càng leo thang.

Đánh giá về kết quả chuyến thăm Brunei của Thủ tướng Modi, giới phân tích nhận định đối mặt với những thách thức mới trong các yêu sách gây tranh cãi ở Biển Đông và những biến động tiềm tàng trong tương lai ở khu vực này với khả năng leo thang các cuộc chạy đua vũ trang và tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, Brunei coi Ấn Độ là cường quốc thứ ba quan trọng sẽ giúp ổn định và đóng vai trò là bên cân bằng quyền lực. Với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, với Căn cứ hải quân Ream và những tác động trong tương lai của Kênh đào Funan Techo ở Campuchia, Brunei coi Ấn Độ là đối tác quan trọng giúp đảm bảo an ninh cho khu vực.

Về phần mình, Ấn Độ coi Brunei là một “biến số” mới nổi trong phương trình cân bằng trong Chính sách Hành động hướng Đông. Với lợi thế địa lý ở khu vực, Ấn Độ coi Brunei là điểm tựa để có thể mở rộng quan hệ đối tác thân thiện với Malaysia và Indonesia. Qua đó, Ấn Độ có thể mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Nam Biển Đông, nơi có Eo biển Malacca nối liền với Ấn Độ Dương.

Mặc dù Singapore không phải là bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông, song đây cũng là một đề tài quan trọng được hai bên thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi hôm 5/9. Trong thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong ngày 5/9 đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, đồng thời theo đuổi các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Singapore, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh khuôn khổ pháp lý do UNCLOS 1982 đặt ra, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện và UNCLOS1982 là cơ sở để xác định các quyền trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC thực chất và hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, không phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia không tham gia cuộc đàm phán này. Ngoài ra, cả hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và tự kiềm chế trong việc thực hiện các hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là điểm gây quan ngại và căng thẳng quốc tế, đặc biệt là về tranh chấp lãnh thổ và sự hiện diện quân sự. Bắc Kinh đang xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi cạn đang tranh chấp, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các thực thể này được trang bị đường băng, hệ thống tên lửa và cơ sở hạ tầng quân sự khác. Năm 2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông trong một vụ kiện do Philippines đệ trình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này và tiếp tục khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình.

 Giới phân tích nhận định, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Singapore đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương khi hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực then chốt như quốc phòng, công nghệ và phát triển kinh tế. Chuyến thăm đã mang lại cho Modi cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ cá nhân với Thủ tướng Lawrence Wong (Hoàng Tuấn Tài), đảm bảo một chương mới trong quan hệ song phương với những tính toán và lợi ích chiến lược.

Singapore cũng bổ sung cho sự hiện diện mới của Ấn Độ, trải dài từ quần đảo Nicobar xuống đến Eo biển Malacca. Ấn Độ và Singapore có lợi ích chung trong việc duy trì tự do, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông và ngăn chặn Bắc Kinh kiểm soát Eo biển Malacca để mở rộng hoạt động sang Ấn Độ Dương. Với quan hệ thương mại và kinh tế sâu sắc cũng như sự gắn kết về văn hóa và người dân mạnh mẽ, Singapore và New Delhi có nhiều lợi ích hơn khi cùng nhau vượt qua các mối đe dọa và thách thức chung, và cả hai đều tìm cách dựa nhiều hơn vào các lực lượng đối trọng phương Tây mạnh hơn trong khu vực.

Singapore mang lại lợi ích cho New Delhi, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển công nghệ, thương mại và kinh tế. Khi Ấn Độ đang mở rộng đáng kể hoạt động sản xuất chất bán dẫn và chip cũng như chuyển đổi sang công nghệ cao, họ coi Singapore là yếu tố bổ sung về năng lực công nghệ tiên tiến, sẽ đóng vai trò là cơ sở và kết nối sức mạnh tổng hợp của thị trường cho nền kinh tế số đang phát triển và quá trình chuyển đổi kinh tế công nghệ cao của Ấn Độ.

Giới phân tích nhận định Ấn Độ lâu nay có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông. Ấn Độ hợp tác quốc phòng chặt chẽ với Philippines và Việt Nam – hai nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc và chịu sức ép lớn nhất từ các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ấn Độ đã bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Philippines giúp nước này nâng cao năng lực phòng thủ ở Biển Đông. Ấn Độ kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. New Delhi có quan hệ an ninh quốc phòng mật thiết với Hà Nội như Ấn Độ giúp Việt Nam đào tạo thuỷ thủ tàu ngầm; trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam đầu tháng 8/2024, New Delhi Hà Nội vay 300 triệu đô la để tăng cường an hàng hải…. Ấn Độ có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Indonesia, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải; năm 2018 hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới; hai nước duy trì tập trận và tuần trac hung ở biển Andaman và Eo biển Malacca. Quan hệ giữa Ấn Độ và Malaysia từng bước được cải thiện sau những trục trặc trong năm 2019 và hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tháng 8 vừa qua. Việc ông Modi thăm Brunei và Singapore ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 nhằm hoàn tất việc củng cố quan hệ với các nước có lợi ích lớn ở Biển Đông trong ASEAN, đẩy mạnh Chính sách Hướng Đông. Đặc biệt, tại cả 2 nước Thủ tướng Modi đều thể hiện quan điểm mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông, đề cao tự do hàng hải và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Đáng chú ý, Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ hôm 10/10/2024 đã có sự lồng ghép giữa hoà bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực (bao gồm Biển Đông) với sự hỗ trợ của Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) của Ấn Độ. Tuyên bố lần đầu tiên đề cập mạnh mẽ tới vấn đề Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, và các hoạt động hợp pháp khác trên biển, bao gồm thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; sớm hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, có vẻ như cách tiếp cận của Ấn Độ đối với Biển Đông và khu vực đang có sự thay đổi. Nếu như trước đây, phản ứng của Ấn Độ với những động thái hung hăng của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn tương đối nhẹ nhàng thì thời gian gần đây, New Delhi thể hiện sự mạnh bạo hơn, chi trích một cách trực diện hơn, nghiêm túc trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng trong khu vực. Giới chuyên gia nhận định đẩy mạnh Chính sách Hướng Đông và can dự sâu hơn vào Biển Đông sẽ là cách tiếp cận của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới