Theo thống kê, Trung Quốc chiếm 98% thị trường quang điện mặt trời (PV) của châu Âu (EU).
Quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu đang phụ thuộc rất lớn vào tấm pin quang điện mặt trời sản xuất tại Trung Quốc, với 98% là nhập khẩu từ quốc gia này, theo dữ liệu của Eurostat.
Năm 2023, EU đã chi 19,7 tỷ euro nhập khẩu pin mặt trời từ Trung Quốc.
Năm 2018, Trung Quốc xuất khẩu chưa đến 4 tỷ euro tấm pin mặt trời sang EU. Con số này tăng gấp đôi, lên 9 tỷ euro năm 2021.
Việc EU dỡ bỏ thuế quan đối với tấm pin mặt trời Trung Quốc vào năm 2018 đã mở đường cho làn sóng pin mặt trời giá rẻ Trung Quốc tràn vào châu Âu, chiếm lĩnh thị trường.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chi phí sản xuất tấm pin quang điện mặt trời tại Trung Quốc thấp hơn 35-65% so với EU. Chi phí sản xuất các ô và mô-đun tích hợp tại EU ước tính đắt hơn 70-105% so với Trung Quốc, do chi phí vốn và vận hành cao hơn.
Chi phí vốn sản xuất pin quang điện mặt trời ở EU cao gấp 3 lần so với Trung Quốc, làm tăng thêm sự phụ thuộc của EU vào hàng nhập khẩu.
Dù nhập khẩu chiếm chủ yếu, năm 2023, EU vẫn xuất khẩu tấm pin mặt trời sang Thụy Sĩ, Anh và một lượng nhỏ sang các quốc gia khác như Serbia và Bắc Macedonia. Năm 2023, EU xuất khẩu tấm pin mặt trời trị giá 900 triệu euro, tăng 19% về giá trị và 37% về khối lượng trong năm.
Ngoài tấm pin mặt trời, EU ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng gió. Năm 2023, châu Âu xuất khẩu tua bin gió tăng 49%. Trong khi đó, EU chủ yếu nhập tua bin gió từ Ấn Độ (59%) và Trung Quốc (29%).
Mặc dù pin mặt trời giá rẻ hơn và khuôn khổ pháp lý thuận lợi, EU vẫn còn nhiều rào cản phát triển năng lượng tái tạo. Đáng chú ý là khả năng tiếp cận lưới điện hạn chế đối với các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời mới.
Các chuyên gia cho rằng, EU đang trong quá trình chuyển đổi xanh, giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng để đạt được sự độc lập về năng lượng.
T.P