Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Cơn bão” hàng TQ giá rẻ

“Cơn bão” hàng TQ giá rẻ

Tuần qua, nhiều tờ báo ở phương Tây đồng loạt đưa tin, có một cơn bão hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn xuống Đông Nam Á (có báo gọi là đợt thủy triều lên). Giá rẻ, người tiêu dùng vui, nhưng nhà sản xuất và quốc gia nhập khẩu thì điêu đứng.

Một ấn phẩm hàng tuần của Pháp, tờ Courrier International (Chuyển phát nhanh quốc tế) trích dịch South China Morning Post (báo tiếng Anh có trụ sở tại Hồng Kông), báo động: “Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập Đông Nam Á”. “Cơn bão” mạnh tới mức, tại các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia… bão phá hủy kỹ nghệ nội địa. Rất đau, nhưng do bị ràng buộc bởi các Hiệp ước tự do mậu dịch với Trung Quốc, cho nên chính phủ các nước này vô cùng bối rối, không biết tẩy chay thứ hàng hóa bán như cho không này như thế nào.

Cơn bão xa đã trở thành siêu bão, nhanh chóng đè bẹp các công ty nội địa, tạo nên tình trạng ùn ứ hàng trong nước, gieo rắc các khoản lỗ khổng lồ và nạn thất nghiệp. Có thể dẫn chứng, khoảng 50% số nhà máy sứ ở tỉnh Lampang, miền bắc Thái Lan, đã bị phá sản. Tại Indonesia, bão giá cũng khiến cho hàng nghìn công nhân dệt may mất việc. Còn ở Malaysia, chính phủ đã cố gắng xử lý bằng cách đánh thuế 10 % lên thương mại điện tử, tuy vậy vẫn không đủ sức mạnh để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Theo các nhà phân tích, chỉ trong một thời gian ngắn, thương mại điện tử và hàng lậu từ Trung Quốc đã giết chết sản xuất nội địa. Vì sao Bắc Kinh dùng đến con bài biếu tặng loại “nước cam có chất cấm” này? Theo các chuyên gia kinh tế, từ khi thị trường phương Tây khó thâm nhập hơn và tiêu thụ nội địa giảm sút, Trung Quốc chuyển hướng, tập trung vào Đông Nam Á.

Nhờ vào thương mại điện tử, Trung Quốc đã nhanh chóng thống trị thị trường yếu ớt của các nước lân bang. Thời gian qua, Trung Quốc cũng tập trung xây dựng những tuyến đường xe lửa mới và hiện đại hóa các cảng. Nhờ đó giúp cho logistic hiệu quả hơn. Ấy là chưa kể đến khá nhiều hiệp định thương mại được ký kết, tạo điều kiện cho hàng made in China tấn công qua biên giới.

Không chỉ có xuất. Trung Quốc cũng mở “cửa ngách”, tạo điều kiện để hàng lậu xuyên thủng biên giới. Một lượng hàng hóa nhập bất hợp pháp rất lớn do các ông chủ Hoa lục nhờ người Thái Lan đứng tên công ty để đưa vào thị trường. Chẳng mấy chốc, nhiều lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Thái Lan đã bị người Hoa nắm giữ. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan (sau Mỹ) và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của nước này, chiếm tới 1/4 tổng lượng hàng nhập khẩu. Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc tăng nhanh: từ 20 tỉ USD năm 2020 lên hơn 40 tỉ USD năm 2024.

Tình hình ở Indonesia cũng rất u ám. Hồi tháng 7/2024, làn sóng công nhân dệt may biểu tình lan rộng khắp nơi, đòi được hỗ trợ, vì thị phần bị mất do các sàn thương mại Trung Quốc như Shopee, Lazada, TikTok Shop tấn công. Hàng chục nhà máy dệt may phải đóng cửa. Hơn 13 nghìn công nhân Indonesia bị đẩy ra đường. Nửa đầu năm 2024, thâm hụt thương mại ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á cũng đã tăng lên thành 5 tỉ USD.

Chưa nghĩ ra mưu kế gì khả dĩ, để an dân, Chính quyền Jakarta hứa sẽ đánh thuế từ 100 % đến 200 % vào một số mặt hàng Trung Quốc, chủ yếu là quần áo, giày, đồ sứ, hàng điện tử,v.v.. Theo thông tin từ Bộ Thương mại nước này, nguy cơ sụp đổ của các công ty vừa và nhỏ ở Indonesia là nhỡn tiền. Các công ty này hiện đóng góp 60 % vào tăng trưởng công nghiệp và giải quyết việc làm cho khoảng 120 triệu người.

Các mức thâm hụt thương mại cao còn có nguyên nhân khác nữa, đó là các doanh nghiệp ở Trung Quốc, cả nội địa lẫn các tập đoàn đa quốc gia, đang dịch chuyển sản xuất và lắp ráp từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Họ chọn thị trường mới là vì căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ và phương Tây.

Trung Quốc coi đầu tư vào các nước khác như là chiến lược phòng vệ. Trong đó, chiến lược điều chỉnh dòng thương mại vào Đông Nam Á cũng cho thấy sự chủ động của Bắc Kinh khi phương Tây liên tục ra đòn trừng phạt. Nếu không xuất khẩu được sản phẩm dư thừa, các doanh nghiệp sẽ “lỗ dồn lỗ”, dẫn tới thất nghiệp hàng loạt.

Vì chạy theo thành tích tăng trưởng bằng mọi giá mà nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc tìm đủ cách hỗ trợ hàng xuất khẩu. Được mình thì hại người. “Người” ở đây là hàng loạt công ty ở Đông Nam Á chuyên sản xuất phục vụ thị trường nội địa bị ảnh hưởng và phá sản. Năm 2023, hơn 1.300 nhà máy ở Thái Lan đã phải đóng cửa, tăng hơn 60% so với năm trước. Sáu tháng đầu năm 2024, thêm 500 nhà máy nữa đóng cửa. Đáng lo là ngành thép chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hàng giảm giá từ Trung Quốc. Sản lượng thép nội địa của Thái Lan đã giảm 497 nghìn tấn vào năm 2023, tương đương 7% tổng sản lượng. Không chỉ là bài toán kinh tế. Một khi ngành sản xuất thép nội địa sụp đổ có thể dẫn tới rủi ro an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột địa chính trị.

Không đủ sức mạnh để trừng phạt như Mỹ, các nước Đông Nam Á đang dốc sức chống cơn bão “hàng rẻ mau hỏng”. Việc đầu tiên là phải điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu đối với Trung Quốc. Chẳng hạn như trong tháng 10/2024, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, Indonesia đã yêu cầu Apple, Google chặn ứng dụng nền tảng Thương mại điện tử giá rẻ Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này.

Muốn không bị “hàng rẻ mua người” các nước Đông Nam Á cũng đã và đang có những hành động thay đổi để tăng sức cạnh tranh của hàng nội địa. Đó là, tìm cách giảm giá thành, đổi mới mẫu mã và nâng chất lượng sản phẩm, cùng các hình thức tiếp cận người tiêu dùng phù hợp với xu thế mới, áp dụng các công nghệ số trong bán hàng.

Khi livestream trở nên quá bão hòa sẽ dễ khiến người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi. Vì thế các nhãn hàng cần phải đưa ra những phương pháp đổi mới và sáng tạo hơn để duy trì sự quan tâm và tương tác của người mua trên các kênh livestream. Các doanh nghiệp cần khai thác, phát huy tiềm năng của các hệ thống dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xác định những sản phẩm thu hút sự tương tác của khách hàng trên mạng xã hội. Đồng thời, phát triển những chiến lược tương tác và trải nghiệm với khách hàng thông qua công nghệ AI, nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Đương nhiên, khi các nước đang hứng chịu bão thì bão cũng đã xoay chiều. Trung Quốc bao giờ cũng làm ăn có chiến lược bài bản. Họ đã để mắt tới các “khu chợ mới” của láng giềng. Sống cạnh người hàng xóm như thế chỉ có một cách thích nghi có chủ động và liên kết chặt chẽ hơn nữa trong khối ASEAN, có sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cường quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới