Thursday, November 21, 2024
Trang chủQuân sựLực lượng đặc biệt Triều Tiên – đội quân bí ẩn có...

Lực lượng đặc biệt Triều Tiên – đội quân bí ẩn có sức chiến đấu đáng gờm

Gần đây tin “Triều Tiên trực tiếp gửi quân hỗ trợ Nga” đang là đề tài “nóng” trên truyền thông quốc tế. Các binh sĩ Triều Tiên này được cho là thuộc lực lượng đặc biệt với rất nhiều điều bí ẩn.

Binh sĩ Lực lượng đặc biệt Triều Tiên được trang bị những vũ khí thiết bị hiện đại

Tranh cãi xung quanh thông tin “Triều Tiên gửi quân tới Nga”
Hàn Quốc tuyên bố dứt khoát rằng 12.000 lính lực lượng đặc biệt Triều Tiên dự kiến ​​sẽ tới Nga và đợt đầu tiên 1.500 người đã đến Nga. Ngay cả chi tiết về cách các binh sĩ Triều Tiên đi và nơi họ tới đóng quân cũng được tiết lộ: Họ đến từ Chongjin, Hamhung và Musudan ở phía Bắc Triều Tiên. Họ đi trên 4 tàu đổ bộ và 3 tàu khu trục thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tới thành phố Vladivostok ở Viễn Đông Nga.

Hình ảnh vệ tinh về nơi bị nghi ngờ là doanh trại nơi họ ở cũng được đăng tải. Tuy nhiên, không lâu sau khi Hàn Quốc tung ra thông tin này, Triều Tiên và Nga lần lượt phủ nhận.

Vậy thực tế ra sao? Có khả năng cao là lực lượng đặc biệt của Triều Tiên đã thực sự tiến vào Nga. Việc giao lưu huấn luyện hoặc tập trận là có thể, nhưng họ nằm ở vùng Viễn Đông-Siberia, cách tiền tuyến của cuộc chiến Nga-Ukraine hơn 6.000 km, không nhằm mục đích đưa họ trực tiếp ra tiền tuyến để chiến đấu với quân đội Ukraine.

Tất nhiên, nếu tham khảo các điều khoản về “hợp tác quân sự” trong “Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Triều Tiên-Nga” được hai nước ký kết khi Tổng thống Putin thăm Triều Tiên vào tháng 6 năm nay, việc quân đội Triều Tiên tới giúp quân đội Nga chiến đấu trên đất tỉnh Kursk của Nga không phải là điều không thể.

Một số người cảm thấy nghi hoặc, sau khi phân tích, họ vẫn cho rằng các thành viên đơn vị đặc nhiệm Triều Tiên này có tính răn đe rất cao – dù sao thì tin đồn đợt đầu tiên gồm 1.200 người cũng có thể gây ra chấn động lớn.

Sự đáng sợ của lính đặc nhiệm Triều Tiên
Khách quan mà nói, sức chiến đấu, kỹ năng chiến đấu và kỷ luật tổ chức của lực lượng đặc biệt Triều Tiên cũng thuộc vào hàng đầu thế giới. Thậm chí vóc dáng của họ cũng trở thành một lợi thế.

Chiến tranh hiện đại chú ý nhiều hơn đến tính cơ động và khả năng thích ứng của từng binh sĩ. Tầm vóc nhỏ cho phép họ ẩn náu tốt hơn trong không gian nhỏ hẹp và di chuyển linh hoạt hơn.

Hơn nữa, tuy có vóc dáng nhỏ nhưng họ đã được huấn luyện để có thể lực đáng kinh ngạc. Họ có thể hành quân liên tục 50 km với 30 kg mang trên người và di chuyển với tốc độ cao trên các địa hình phức tạp bằng cách leo trèo, chạy nhảy và bò trườn. Ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn duy trì được hiệu quả chiến đấu.

Việc huấn luyện kỹ năng chiến đấu thậm chí còn toàn diện hơn. Ngoài thường xuyên huấn luyện bắn súng, họ còn được học kỹ thuật nổ mìn, kỹ năng giao tiếp, sinh tồn nơi hoang dã…Mỗi người lính của lực lượng đặc biệt phải thành thạo việc sử dụng ít nhất ba loại vũ khí, có thể tháo rời và lắp ráp vũ khí trong bóng tối.

Khi rèn luyện khả năng chiến đấu, lính đặc nhiệm Triều Tiên có tố chất tâm lý cực kỳ mạnh mẽ. Họ phải chịu đựng sự huấn luyện khắc nghiệt và áp lực cao, bao gồm cả việc bị giam giữ lâu dài, nhịn ăn uống và thiếu ngủ lâu dài. Một số chương trình huấn luyện thậm chí còn mô phỏng kịch bản bị bắt để kiểm tra sức chịu đựng tâm lý của họ.

Tất nhiên, ngoài việc huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành, công tác tư tưởng, chính trị và xây dựng tổ chức của quân đội Triều Tiên đặc biệt mạnh mẽ, khiến cán bộ, chiến sĩ luôn trung thành tuyệt đối, biết ơn và kính phục lãnh tụ.

Vì vậy, sau quá trình rèn luyện và xây dựng tổ chức tư tưởng như trên, khi gặp điều kiện khắc nghiệt, binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên thường có thể giữ được sự bình tĩnh và lý trí cao độ, trong đầu họ không hề tồn tại từ “đầu hàng”.

Lực lượng chiến đấu đáng gờm
Tiền thân của lực lượng đặc biệt Triều Tiên là các phân đội trinh sát của Quân đội nhân dân Triều Tiên, được thành lập vào những năm 1950. Trong biên chế của quân đội Triều Tiên, lực lượng đặc biệt có địa vị ngang bằng với các lực lượng chính quy như Lục quân, Hải quân và Không quân. Các đơn vị tinh nhuệ nhất được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Kim Jong-un.

Hiện tại, Lực lượng đặc biệt Triều Tiên có 6 lữ đoàn bắn tỉa, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 2 lữ đoàn không quân cơ động, 2 lữ đoàn đổ bộ đường không, 17 đại đội trinh sát, 9 lữ đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn không quân vận tải; tổng binh lực khoảng 100 ngàn người.

Các nhiệm vụ mà lực lượng đặc biệt Triều Tiên thực thi rất bí ẩn và phần lớn vẫn chưa được giải mật. Ngược lại, đã có những thông tin công khai tương đối đáng tin cậy về hai chiến dịch trước đây của họ.

Vụ đầu tiên là “Cuộc tấn công Nhà Xanh ngày 21/1/1968”. Khoảng 22h ngày 21/1/1968, 6 “binh sĩ Hàn Quốc” xuất hiện gần Nhà Xanh (Cheong Wa Dae, hay Phủ Tổng thống Hàn Quốc)

Xung quanh Nhà Xanh có quân đội Hàn Quốc đồn trú, việc binh lính qua lại ở đây và thậm chí ra vào Nhà Xanh là điều bình thường. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của các sĩ quan tuần tra Hàn Quốc hôm đó khá tốt, một người đã tinh mắt phát hiện ra 6 “lính Hàn Quốc” này là giả mạo!

Thì ra quân phục họ mặc, kiểu tóc, tư thế tác phong đều giống lính Hàn Quốc, nhưng giày lại có đế màu đen. Loại giày này chính là thứ trang bị của lính Triều Tiên.

Các lính tuần tra Hàn Quốc lập tức hô to: “Đứng lại!” rồi tiến tới kiểm tra. 6 người kia lập tức rút súng ra, bắn vào toán tuần tra Hàn Quốc, rồi lao thẳng về phía Nhà Xanh.

Bên ngoài Nhà Xanh có lực lượng bảo vệ dày đặc, hai bên xảy ra đấu súng ác liệt. Để phá vỡ thế trận của phía Hàn Quốc, họ xả đạn vào người đi bộ và ném lựu đạn vào những chiếc xe buýt chạy qua…

6 người này rất thiện chiến, mặc dù số lượng cảnh vệ tại Nhà Xanh đông gấp hơn mười lần nhưng vẫn không thể ngăn cản được. Họ liên tục lao về phía trước, thậm chí tới được nơi cách Nhà Xanh chưa đầy 100 mét. Hiện nay, một cái cây ở Nhà Xanh vẫn còn nhiều vết đạn do trận đấu súng.

Nhưng quân tiếp viện nhanh chóng ập đến Nhà Xanh. Dưới sự áp chế của hỏa lực, 5 trong số 6 người bị chết tại chỗ, người còn lại bị thương nặng và bị bắt. Tuy nhiên, người này cũng đã tự sát khi đang bị áp giải.

Theo thống kê, 6 người này đã giết chết 88 thường dân, 22 binh sĩ, 2 cảnh sát Hàn Quốc và 2 lính Mỹ. Ngoài ra, 4 thường dân, 47 binh sĩ, 6 cảnh sát Hàn Quốc và 16 lính Mỹ bị thương nặng.

Sau đó, quân cảnh Hàn Quốc tiến hành chiến dịch truy lùng “đồng bọn” của 6 người đó tại khu vực Seoul. Trong cuộc truy lùng quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người, 2 lính đặc nhiệm Triều Tiên đã trốn thoát. Một người trong số họ đã bị bắn vào bụng và dùng tay nhét ruột trở lại khoang bụng và thoát khỏi vòng vây của quân đội Hàn Quốc và trở về Triều Tiên.

Người đó là Park Jae-kyung, hiện là Đại tướng, Phó Chủ nhiệm phụ trách tuyên truyền của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên. Ông còn được gọi là “Vua lực lượng đặc biệt Triều Tiên”, là một đặc công của Đơn vị 124 của Quân đội Triều Tiên.

Trường hợp thực tế thứ hai là vụ tàu ngầm xâm nhập Gangneung (Giang Lăng) năm 1996.

Ngày 14/9/1996, một tàu ngầm mini Sang-O của Triều Tiên chở 26 lính đặc nhiệm đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát và xâm nhập vùng biển Hàn Quốc, chân vịt bị vướng vào lưới đánh cá. Tàu ngầm buộc phải nổi lên và mắc cạn gần thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.

Thuyền trưởng ra lệnh cho tất cả thuyền viên nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ vật tư, trang thiết bị không thể mang đi được, sau đó bỏ thuyền lên bờ, trốn vào khu rừng gần bãi biển.

Không may, chiếc tàu ngầm đã trôi dạt vào bãi biển, làm lộ ra vị trí gần nơi họ lên bờ. Ngay sau đó, quân đội và cảnh sát Hàn Quốc đã đến và tiến hành phong tỏa chặt chẽ, lục soát khu vực xung quanh.

Các binh sĩ lực lượng đặc biệt Triều Tiên nhanh chóng chia thành nhiều nhóm và ẩn náu trong rừng. Bắt đầu từ ngày 18/9, quân cảnh Hàn Quốc liên tục truy lùng và bắt đầu đấu súng với họ; cuộc truy lùng kéo dài đến ngày 5/11, tổng cộng 49 ngày.

Trong số 26 binh sĩ lực lượng đặc biệt Triều Tiên, 1 người bị thương nặng và bị bắt, 11 người tự sát và 13 người chết trong cuộc đọ súng với quân đội Hàn Quốc, 1 người đã vượt qua vòng vây và trở về Triều Tiên an toàn. Phía Hàn Quốc đã phải trả giá đắt với 16 người chết và 27 người bị thương nặng.

Từ hai sự kiện có thật này, người ta có thể thấy quân đội Triều Tiên, nhất là lực lượng đặc biệt, có hiệu quả chiến đấu rất cao, ý chí và trình độ chiến thuật rất tốt; ý thức tổ chức và kỷ luật cũng như lòng trung thành của họ với lãnh tụ vượt xa sức tưởng tượng của nhiều người.

Cuộc chơi đã có tiền lệ…
Suy cho cùng, đối với những “người chơi cờ” thực thụ, ai cũng muốn kiểm soát cường độ chiến tranh. Đây có thể coi là sự “hiểu ngầm” giữa hai bên.

Cả Mỹ và các đồng minh NATO cũng làm điều tương tự. Người ta cho rằng thực tế có rất nhiều binh sĩ NATO, bao gồm cả lính Mỹ, trên chiến tuyến Nga-Ukraine. Họ chịu trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện và vận hành thiết bị công nghệ cao.

Nhưng Mỹ và các đồng minh NATO không thừa nhận điều đó, nói rằng những người này là tình nguyện viên, lính đánh thuê chứ không phải quân nhân tại ngũ.

Công khai lộ mặt là điều không thể chấp nhận được, nhưng kiểu hành động bí mật này dường như đã trở thành hoạt động thông thường…Trường hợp lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên dường như cũng vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới