Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Con mắt thứ ba” trên Biển Đông

“Con mắt thứ ba” trên Biển Đông

Trước đó, Trung Quốc đã có hai “con mắt” ở Hải Nam và Su Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Nay thêm “con mắt thứ ba”trên đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ.

Đó là một hệ thống radar rộng lớn, được gọi tắt theo tiếng Anh là SIAR. Mục đích của Trung Quốc là biến đảo Tri Tôn thành một căn cứ tình báo chính yếu ở Biển Đông. Đảo này cách bờ biển Việt Nam chưa đến 250 km.

Hôm 18/10 theo báo chí nước ngoài, dẫn nguồn tổ chức Chatham House (Viện Hoàng gia về các vấn đề quốc tế – một tổ chức tư vấn của Vương quốc Anh), SIAR bắt đầu được xây dựng.

Những hình ảnh vệ tinh do hãng Maxar Technologies của Mỹ thu thập và qua phân tích của Chatham House đưa ra trong một báo cáo, cho thấy việc mọc lên hệ thống radar mới này sẽ tạo nên một thách thức cho những nước trong khu vực và cả thế giới, bởi nó có thể phát hiện một cách có chủ đích các máy bay tàng hình.

Hệ thống SIAR có hình bát giác đặc trưng như hệ thống radar mà Quân đội Trung Quốc xây dựng ở đá Subi vào năm 2017. Như vậy, cùng với hai hệ thống radar trên đảo Hải Nam và đá Subi, hệ thống radar tiên tiến tại đảo Tri Tôn sẽ tạo nên một mạng lưới chống máy bay tàng hình mà Trung Quốc tạo nên trong khu vực, được ví như “con mắt thứ ba” trên Biển Đông.

Mạng lưới radar tiên tiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng đón chặn tín hiệu và năng lực tác chiến điện tử của Trung Quốc khắp cả quần đảo Hoàng Sa và góp thêm phần mở rộng khả năng trinh sát khu vực Biển Đông. Xin lưu ý, đảo Tri Tôn có vị trí đặc biệt quan trọng, được Trung Quốc sử dụng làm điểm cơ sở để vẽ ra đường cơ sở thẳng, nhằm tuyên bố chủ quyền quanh quần đảo này.

Về vị trí, đảo Hải Nam cách đá Xu Bi khoảng 1000 km. Đảo Tri Tôn ở quãng giữa, cách Hải Nam hơn 300 km và cách Xu Bi khoảng 600 km. Vậy hạ tầng do thám trên đảo Tri Tôn có gì đặc biệt? Không nói sâu về các yếu tố kỹ thuật, chỉ biết rằng, Trung Quốc đang ngày càng áp đảo về năng lực radar trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất này. Đến nay Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng giám sát hầu hết những chuyển động trên biển và trên không ở Biển Đông.

Khả năng giám sát này chính là mối nguy hiểm cho Mỹ và các đồng minh. Bởi Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều sử dụng máy bay tàng hình F-35, loại máy bay có thể tiếp cận Biển Đông thông qua hệ thống định vị tiền phương trên bộ và trên biển (như tàu sân bay, lãnh thổ các nước đồng minh). Nay có sự hiện diện của SIAR thì đúng là một sự răn đe đáng gờm.

Ngoài ra, mạng lưới SIAR có thể tạo thêm “vòm sắt” ngăn cản các loại máy bay dân dụng khi muốn đi vào vùng trời trên Biển Đông. Điều đáng lo ngại nhất là hệ thống SIAR còn cho phép Trung Quốc tạo ra một hàng rào bao bọc ranh giới yêu sách không phải 9 đoạn mà là “Đường 10 đoạn” trên Biển Đông. Tháng 8/2023, bản đồ của Trung Quốc đã chính thức công bố trên trang Web của Bộ Tài nguyên nước này về Đường chữ U vô lối có cả thảy 10 đoạn trên Biển Đông.

Chắc chắn rằng khi mọc thêm một con mắt sau gáy, Trung Quốc sẽ tha hồ huênh hoang. Rằng tương quan lực lượng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc với các nước trong khu vực sẽ là một trời một vực. Vấn đề không chỉ ở chỗ Quân đội Trung Quốc tăng cường thêm trang thiết bị quân sự, mà quan trọng hơn là tăng khả năng C4ISR (hệ thống tự động hóa chỉ huy). Điều này có vai trò cực kỳ quan trọng khi xảy ra xung đột, có khả năng phát hiện nhanh, phát hiện sớm, theo dõi định vị mục tiêu, đáp ứng khả năng tấn công tầm xa.

Có thể nói, lợi thế do thám đang dịch chuyển. Đối với Việt Nam, Trung Quốc sẽ có khả năng phát hiện các động thái trong phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm toàn bộ miền Trung của Việt Nam. Chẳng hạn, trước đây Trạm radar của Việt Nam đặt trên bán đảo Sơn Trà thì bộ đội Hải quân có lợi thế về thông tin và quan sát tại khu vực Biển Đông. Nay,Tri Tôn đã có trạm radar hiện đại thì lợi thế ấy của Hải quân Việt Nam đã tuột khỏi tay.

Tuy nhiên, không phải bao giờ thiết bị hiện đại cũng là hoàn hảo. “Con mắt thứ ba” trên đảo Tri Tôn cũng có những mặt hạn chế. Trong đó, điều đáng ngại nhất là dễ lộ sơ hở và dễ bị tấn công. Trong tác chiến hiện đại, nó hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công tầm xa của Hà Nội.

Kế đến, so với các hệ thống xa hơn, chẳng hạn chung quanh các khu vực ven biển ở đất liền như thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông), thậm chí là ngay đảo Hải Nam, thì các cơ sở quân sự trên quần đảo Hoàng Sa không thể coi là an toàn trước đối thủ khi xảy ra chiến tranh nóng. Bởi đến nay vũ khí, trang bị của Việt Nam cũng rất hiện đại. Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam được trang bị hành trình đối đất Klub-S, đóng vai trò quan trọng trong việc chống tiếp cận/chống xâm nhập.

Động thái mới của Trung Quốc khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế khi thực hiện nhiều hành động gây quan ngại. Hơn thế, Trung Quốc tiến hành động thái nêu trên còn gây áp lực lên các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và hạn chế sự tham gia của các nước ngoài khu vực trong nỗ lực cân bằng ở vùng biển này.

Trước tình hình đó, các nước trong khu vực cần chú ý, hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn có thể được dùng để can thiệp, hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc quân sự và dân sự. Nó cũng có thể khiến cho phương tiện của đối phương đối mặt với nhiều rủi ro khi đi qua vùng biển Hoàng Sa.

Khai thác tối đa lợi thế, tới đây Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục thực hiện “chiến lược vùng xám”; tiếp tục các hoạt động thăm dò dầu khí. Qua đây để khẳng định chủ quyền vô lối “Đường lưỡi bò” của mình. Tỉnh táo, không chùn bước, không nhượng bộ, đoàn kết chặt chẽ giữa các nước trong khối ASEAN thì sẽ không sợ “con mắt” nào mọc thêm ra, thậm chí khiến cho đối phương “có mắt như mù”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới