Monday, December 23, 2024
Trang chủĐàm luậnKết quả bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào tới Biển Đông?

Kết quả bầu cử Mỹ ảnh hưởng thế nào tới Biển Đông?

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn then chốt với sự ganh đua sát sao giữa hai ứng cử viên. Giới quan sát nhận định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng đáng kể đến liên minh quốc phòng Manila-Washington và qua đó tác động tới tình hình Biển Đông trong thời gian tới.

Với việc Kamala Harris và Donald Trump đang cạnh tranh để trở thành người tiếp theo nắm giữ Phòng Bầu dục, một số nhà phân tích đã đưa ra những quan điểm về cách một chính quyền mới ở Washington có thể định hình mối quan hệ Mỹ-Philippines và yêu sách lãnh thổ của Manila ở tuyến đường biển đang có tranh chấp gay gắt này.

1. Bà Harris đã trở thành ứng cử viên tổng thống không có đối thủ trong danh sách ứng cử viên của Đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua vào tháng 7 vì lo ngại vấn đề sức khỏe cũng như liệu ông có thể đánh bại Trump lần hai tại các cuộc bỏ phiếu hay không. Trên cương vị Phó Tổng thống, bà Harris đã có chuyến thăm cả Philippines lẫn Hà Nội – hai nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là 2 nước đang chịu sức ép lớn nhất từ những hoạt động hung hăng gây hấn ngày càng gia tăng ở Biển Đông thời gian qua. Tại cả Philippines và Việt Nam, Bà Harris đã có những phát biểu mạnh mẽ, chuyển tới Bắc Kinh những thông điệp cứng rắn trên vấn đề Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng nếu chiến thắng trong bầu cử, chính quyền Harris có thể sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với Philippines theo một hiệp ước quốc phòng đã tồn tại 73 năm. Trong khi đó nếu thắng cử Trump có thể gây ra sự không chắc chắn ở nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và một số nhà quan sát mô tả là cách tiếp cận “mang tính đổi chác mua bán” hơn đối với các mối quan hệ song phương Mỹ-Philippines.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, không ứng cử viên nào nêu rõ hoặc nói trực tiếp về chính sách của họ đối với Biển Đông nếu được bầu làm tổng thống, và phần lớn các bài phát biểu của họ tại các cuộc vận động tranh cử tập trung vào các vấn đề kinh tế, an ninh và xã hội. Nhưng trong quá khứ, cả hai ứng cử viên đều đã giải quyết vấn đề địa chính trị nóng bỏng ở Biển Đông trong các hoạt động ở Đông Nam Á và chuyến thăm chính thức tới Philippines.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu bà Harris, Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm và là ứng cử viên của Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, giành chiến thắng vào tháng 11 tới, có thể mong đợi bà sẽ kế tục các chính sách của chính quyền Biden đối với Biển Đông nói chung và Philippines nói riêng. Ông Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra, cho biết: “Có thể mong đợi chính quyền Kamala Harris sẽ hỗ trợ toàn diện cho Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) và theo đuổi tính liên tục trong các chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng của chính quyền Biden”. Theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951, cả Manila và Washington cam kết hỗ trợ lẫn nhau về mặt quân sự trong trường hợp một trong hai quốc gia bị một thế lực bên ngoài tấn công. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng hỗ trợ Manila nếu nước này bị các quốc gia khác tấn công kể cả ở Biển Đông.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa các bên yêu sách đối địch là Bắc Kinh và Manila về Biển Đông, chính quyền Biden đã ám chỉ rằng họ sẽ giúp Philippines tự vệ trong trường hợp bị tấn công vũ trang “ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông”. Giáo sư Thayer nhận định: “Một chính quyền Harris có thể sẽ chấp thuận, tùy thuộc vào sự đồng thuận của Philippines, việc triển khai thiết bị, vũ khí và nhân sự để hỗ trợ Philippines trong một cuộc khủng hoảng liên quan đến Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây hoặc ở Bãi Sa Bin”.

Các cuộc đối đầu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đã xảy ra gần đây ở vùng biển tranh chấp ngay cả sau khi hai bên đạt được “thoả thuận tạm thời” vào tháng 7, đồng ý sẽ giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (một nhóm nghiên cứu chính sách ở Ấn Độ) Kumari Mansi cho rằng: “Nếu Kamala Harris lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Biden sẽ được tiếp tục và bản thân bà Harris cũng đã ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Manila và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm tỉnh Palawan của [Philippines], một tỉnh giáp Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh”.

Trong chuyến thăm Palawan vào tháng 11/2022, một hòn đảo nằm ở tuyến đầu trong tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc, bà Harris đã chỉ trích Bắc Kinh về các chiến thuật chèn ép của nước này ở Biển Đông và tái khẳng định sự ủng hộ quân sự toàn diện của Washington đối với Manila. Văn phòng của bà cũng đã công bố hàng triệu USD viện trợ cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Philippines. Phó tổng thống Mỹ phát biểu tại Palawan trên một con tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines: “Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung có lợi ích to lớn ở khu vực này. Sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào hàng tỷ USD [thương mại] chảy qua vùng biển này mỗi ngày và chúng tôi tự hào được hợp tác với các bạn trong sứ mệnh của mình. Là một đồng minh, Mỹ sẽ sát cánh cùng Philippines trước sự đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông”.

Theo chuyên gia Kumari Mansi, trong chuyến thăm đó, bà Harris cũng đã có cuộc gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 6 lần trong các vai trò chính phủ của họ và đã hình thành nên mối quan hệ bền chặt. Điều này chắc chắn sẽ được phản ánh trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Philippines dưới thời Harris.

Khi thăm Hà Nội tháng 8/2021, trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam, bà Harris nhấn mạnh: “Chúng tôi (Mỹ) sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để duy trì quyền tự do hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp, một vấn đề mà chúng tôi coi trọng, vì nó liên quan đến Biển Đông”; đồng thời khẳng định “Hải quân Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục thách thức sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh”. Bà Harris tuyên bố: “Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng sức ép để Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và các hành vi bắt nạt của họ”.

2. Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, là người khó đoán định hơn. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ rằng chính trong nhiệm kỳ tổng thống trước, chính quyền của ông Trump đã có những chính sách cứng rắn với Trung Quôc tên vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, Washington đã để lại những dấu ấn rõ nét trên hồ sơ Biển Đông dưới thời cựu Tổng thống Trump. Chính quyền của ông Trump đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc rồi sau đó ra Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao nêu rõ quan điểm pháp lý của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định giá trị pháp lý phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông và yêu cầu các bên thực thi phán quyết. Động thái này của Mỹ đã kéo theo một loạt nước (Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, New Zeland…) gửi công hàm lên Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông, làm sâu sắc thêm cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cũng tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động so với chính quyền của ông Obama trước đó.

Ông Trump đã đến Manila với tư cách là Tổng tư lệnh Mỹ vào tháng 11/2017. Trong chuyến thăm đó, ông đã tái khẳng định liên minh quốc phòng của Washington với Manila và ủng hộ một “Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trump cũng đã ca ngợi “mối quan hệ tuyệt vời” của ông với nhà lãnh đạo Philippines khi đó là Rodrigo Duterte. Sau đó, người phát ngôn của Tổng thống Philippines là Harry Roque đã mô tả cuộc gặp của Tổng thống Trump với Duterte là “rất nồng ấm và rất thân thiện”.

Đánh giá về mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, Đại sứ Jose Manuel Romualdez, đặc phái viên của Manila tại Washington kể từ năm 2017 (năm Trump nhậm chức), cho rằng nếu Trump trở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông có thể sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Philippines. Tháng 7/2024, Đại sứ Romualdez đã phát biểu: “Tôi không thấy có bất kỳ rủi ro nào cả. Chúng tôi đã có những thăng trầm với Mỹ, nhưng điều đó luôn tồn tại. Tôi mong đợi rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục chiến lược hiện tại của Mỹ nhằm chống lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có thể mang lại sự bất ổn cho liên minh này cũng như yêu sách của Manila ở Biển Đông. Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corp (California), lưu ý: “Điều đáng lo ngại là Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, dường như không quan tâm đến liên minh Mỹ-Philippines. Có lẽ bên chịu thiệt nhất ở Đông Nam Á từ chính quyền Trump thứ hai sẽ là Philippines … [nước] đã mở rộng và làm sâu sắc thêm liên minh an ninh với Washington để giúp chống lại các chiến thuật vùng xám đang gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Philippines sẽ phải tự chống chọi với sự xâm phạm ngày càng tăng của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình”.

Các nhà phân tích khác cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Giáo sư Thayer nói: “Một chính quyền Trump sẽ hoàn toàn không thể đoán trước được. Ông ấy coi thường những hòn đảo và bãi đá nhỏ và không đánh giá cao chiến lược hàng hải. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng, dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang, Trump có thể sẽ đích thân can thiệp và tiến hành ngoại giao thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình để tìm kiếm một giải pháp thương lượng. Trump sẽ có xu hướng tìm kiếm sự trao đổi qua lại với Trung Quốc để giành quyền kiểm soát Philippines”.

Chuyên gia phân tích Lynn Kuok thuộc Viện nghiên cứu Brookings đồng ý rằng một chính quyền mới dưới thời Trump luôn có 2 khả năng xảy ra: (i) có thể gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ; (ii) có thể diễn ra theo cách ngược lại, mang lại sự hợp tác quốc phòng lớn hơn giữa Washington và Manila. Bà Lynn Kuok nói: “Một chính quyền Trump có thể áp dụng cách tiếp cận “đổi chác, mua bán”, có thể xem xét lại những lời chỉ trích trước đây về việc các đồng minh ‘ăn không ngồi rồi’, gây nghi ngờ về cam kết của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) và làm căng thẳng mối quan hệ. Nhưng một chính quyền Cộng hòa hiếu chiến cũng có thể tăng gấp đôi việc bảo vệ Philippines”.

Chuyên gia Lynn Kuok nhận định rằng bất kể kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới ra sao, liên minh quốc phòng giữa Manila và Washington sẽ có tác động đến an ninh và động lực của khu vực. Liên minh Mỹ-Philippines là “nền tảng của các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á, một tiểu vùng nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ‘chiến trường ưu tiên’ của Mỹ”. Philippines là đồng minh duy nhất của Mỹ ở Đông Nam A, mối quan hệ Mỹ – Philippines như thể nào sẽ tác động trực tiếp tới Biển Đông và khu vực.

Đối với Việt Nam – nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc, ông Trump có một quan hệ đặc biệt khi đã 2 lần tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống nước Mỹ và chính ông là người nêu ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở tại Diễn đàn cấp cao APEC được tổ chức ở Đà Nẵng Việt Nam năm 2017. Nếu trở thành ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ 2, ông Trump sẽ tiếp cận với Việt Nam thì chưa rõ, song có lẽ ông sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở bởi đây là trọng tâm trong chiến lược ngăn chặn kiềm chế Trung Quốc ở khu vực. Ông Gregory Poling, thành viên cấp cao và giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng: “Việc đưa ra chính sách đúng đắn của Mỹ đối với Philippines trong 100 ngày đầu tiên sẽ có tầm quan trọng đặc biệt ở [Đông Nam Á], giống như đã từng xảy ra vào đầu chính quyền Biden. Cho dù Harris hay Trump kiểm soát Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Philippines sẽ mong đợi Mỹ nhắc lại cam kết bảo vệ sinh mạng và quyền của người Philippines ở Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới