Trung Quốc được cho là vừa tiếp tục tăng cường kiểm soát Biển Đông khi chuẩn bị triển khai thêm hệ thống radar, giám sát chống tàng hình và tên lửa chống hạm trên đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa.
Truyền thông Trung Quốc tối 27.10 đưa tin chiến khu nam bộ nước này vừa tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông. Không rõ cuộc tập trận diễn ra thời điểm nào nhưng có nội dung bao gồm phòng không và đánh chặn tên lửa, tấn công chống tàu mặt nước. Gần đây, tình hình Biển Đông xảy ra không ít căng thẳng giữa Bắc Kinh với các bên.
Tham vọng kiểm soát vùng biển rộng lớn
Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) vừa dẫn các hình ảnh vệ tinh gần đây cho rằng Trung Quốc đang hoàn thiện hạ tầng để triển khai hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Có công nghệ tối tân đủ sức chống lại máy bay tàng hình, radar SIAR còn được Trung Quốc lắp đặt căn cứ trên đảo Hải Nam và bãi Xu Bi cũng ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Cho nên, nếu radar SIAR được thiết lập trên đảo Tri Tôn, Trung Quốc có thể đẩy nhanh năng lực kiểm soát khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Cụ thể, kết nối các hệ thống radar SIAR từ đảo Hải Nam ở phía bắc, qua đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa rồi cuối cùng là Xu Bi ở Trường Sa thì Bắc Kinh đã hình thành một chuỗi radar kéo dài xuyên suốt Biển Đông. Kết hợp cùng các hệ thống giám sát hiện có, Bắc Kinh sẽ đủ sức kiểm soát diện rộng cả mặt biển lẫn vùng trời ở vùng biển này. Tất cả tạo thành một vành đai của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Không những vậy, theo các hình ảnh do Chatham House phân tích, Trung Quốc cũng đang xây dựng hạ tầng để triển khai tên lửa chống tàu chiến ở Tri Tôn. Điều này cũng góp phần hoàn thiện chuỗi tên lửa mà Bắc Kinh thiết lập dọc theo Biển Đông.
Kiểm soát đa tầng
Đánh giá về động thái của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ khi trả lời Thanh Niên ngày 28.10, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: “Trung Quốc đang xây dựng năng lực để chống lại máy bay tàng hình và các khí tài khác mà Mỹ có thể triển khai ở Biển Đông. Bắc Kinh muốn khiến cho Mỹ và các quốc gia khác phải lo ngại khi điều động máy bay chiến đấu hoặc tàu quân sự vào Biển Đông”.
“Động thái mới của Trung Quốc khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực bởi nước này bị đánh giá là vi phạm luật pháp quốc tế khi thực hiện nhiều hành động gây quan ngại. Hơn thế nữa, Trung Quốc tiến hành động thái trên còn gây áp lực lên các bên tranh chấp khác ở Biển Đông và hạn chế sự tham gia của các nước ngoài khu vực trong nỗ lực cân bằng ở vùng biển này”, GS Nagy phân tích thêm.
Thực tế, những năm qua, song hành việc tăng cường triển khai vũ khí ở Biển Đông, Trung Quốc còn không ngừng mở rộng kiểm soát cả trên không lẫn trên mặt biển và trong lòng biển.
Cụ thể, từ năm 2019, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc thông báo đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Theo thông báo trên, mạng lưới giám sát UAV gồm các thiết bị được tích hợp camera độ phân giải cao, có phạm vi quan sát rộng, truyền hình ảnh theo thời gian thực để chuyển về các cơ sở mặt đất và cho chất lượng hình ảnh như thực.
Trả lời Thanh Niên khi đó, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia về quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) phân tích: “Các UAV là một phần của mạng lưới tình báo thu thập thông tin, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc trên Biển Đông. Mạng lưới ISR không chỉ dựa vào nền tảng của một vài loại cảm biến đơn thuần vốn có thể bị cản trở, ví dụ như vệ tinh bị mây che phủ. Vì thế, UAV giúp lấp đầy những khoảng trống nhất định”.
Đến cuối năm 2021, Trung Quốc thử nghiệm công nghệ liên lạc dưới nước ở Biển Đông cho phép tàu ngầm và thiết bị không người lái duy trì liên lạc trên diện tích hơn 30.000 km2. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu phát triển lực lượng thiết bị không người lái trong lòng biển (UUV) ở Biển Đông. Đây chính là nền tảng quan trọng để Bắc Kinh có thể hướng đến kiểm soát cả dưới mặt biển ở Biển Đông, nói cách khác là có thể giám sát chặt chẽ tàu ngầm ở đây.
T.H