Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXe điện TQ gặp “đại nạn” ở châu Âu

Xe điện TQ gặp “đại nạn” ở châu Âu

Dù có nhiều nỗ lực nhưng các hãng xe điện Trung Quốc đang rơi vào khó khăn rất lớn ở thị trường châu Âu chỉ sau một thời gian ngắn hào hứng “đem chuông đi đánh xứ người”.

Xe hơi điện của BYD tại triển lãm ở Đức năm 2023

Tờ Nikkei Asia đưa tin SVOLT, nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu Trung Quốc, tuần qua vừa chính thức thông báo từ tháng 1.2025 sẽ đóng cửa hoạt động ở châu Âu. Đây là công ty con của Great Wall Motor, một tập đoàn ô tô hàng đầu Trung Quốc.

Thế khó cho xe điện Trung Quốc
Quyết định được đưa ra giữa bối cảnh các hãng xe điện Trung Quốc đối mặt nhiều biện pháp phòng vệ ở cựu lục địa. SVOLT đã từ bỏ kế hoạch mở một nhà máy trong năm nay tại Đức, trong khi việc xây dựng 2 nhà máy khác đã bị trì hoãn và đối mặt với những thách thức pháp lý.

Cụ thể, năm 2020, công ty này từng thông báo đầu tư hơn 2 tỉ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất pin xe điện ở bang Saarland (Đức) và tạo ra tới 2.000 việc làm. SVOLT cũng đã ký một thỏa thuận với Stellantis (tập đoàn ô tô lớn thứ 5 thế giới, nắm nhiều thương hiệu ô tô lớn của Mỹ và châu Âu) để cung cấp pin xe điện từ năm 2025. Tuy nhiên, một vụ kiện đã xảy ra khiến 1 trong 2 nhà máy phải ngưng, và nhà máy còn lại vẫn chưa thể hoạt động. Ngoài ra, SVOLT cũng phải từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy ở bang Brandenburg thuộc miền đông nước Đức.

SVOLT không phải là công ty đầu tiên trong ngành ô tô điện Trung Quốc phải thu hẹp hoạt động ở châu Âu. Hồi tháng 8, Great Wall Motor đã đóng cửa trụ sở tại Munich (Đức) và sa thải tất cả 100 nhân viên sau khi doanh số bán hàng đáng thất vọng. Hay vào tháng 12.2023, một nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu Trung Quốc khác là Contemporary Amperex Technology (CATL) cũng từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy ở miền đông nước Đức. Lẽ ra, đây là nhà máy đầu tiên của CATL bên ngoài Trung Quốc.

Các tên tuổi trong ngành ô tô điện Trung Quốc phải thu hẹp hoạt động ở châu Âu do hiệu quả kinh doanh của xe điện nước này đang giảm sút tại thị trường cựu lục địa. Tháng 8 vừa qua, BYD là hãng xe điện đứng đầu Trung Quốc nhưng doanh số tại Đức chỉ có 218 xe, chiếm chưa đến 1% thị phần.

Khó ngày càng khó
Ngày 24.10, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc đang gây áp lực buộc các nhà sản xuất ô tô của nước này tạm dừng mở rộng ở thị trường EU do xung đột thương mại leo thang giữa hai bên. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tạm dừng phát triển các cơ sở sản xuất hay ký kết các thỏa thuận mới. Từ cảnh báo được đưa ra, Tập đoàn ô tô Dongfeng, thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã tạm dừng kế hoạch sản xuất ô tô ở Ý.

Đầu tháng 10, EU đã bỏ phiếu thông qua việc tăng thuế đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc lên tới 45%, với lý do Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp không công bằng cho các nhà sản xuất ô tô của nước này. Tất nhiên, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của EU, đồng thời đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sữa, rượu mạnh, thịt lợn và ô tô của châu Âu.

Mới đây, Trung Quốc và EU thông báo kế hoạch đàm phán thêm về vấn đề thuế đối với xe điện để giải quyết bất đồng, nhưng tình hình bất đồng thương mại giữa hai bên khó có thể sớm giải quyết.

Trong khi đó, việc các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc thu hẹp hoạt động, nhất là sản xuất, tại châu Âu có thể còn đến từ lo ngại dư thừa công suất. Theo truyền thông Trung Quốc, năng lực sản xuất xe năng lượng mới (phần lớn là xe điện) của nước này vào năm 2025 dự kiến sẽ đạt hơn 36 triệu xe, nhưng doanh số dự kiến cùng năm chỉ đạt khoảng 17 triệu xe, tức công suất dư gần 20 triệu chiếc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới