Wednesday, January 22, 2025
Trang chủThâm cung bí sửCuộc chiến tình báo giữa Pháp và Việt Minh trước Điện Biên...

Cuộc chiến tình báo giữa Pháp và Việt Minh trước Điện Biên Phủ

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, một trong những thách thức lớn mà nước Pháp phải đối mặt là các cuộc chiến tranh phi thuộc địa hóa ở Đông Dương.

Lính dù của Pháp trong Chiến dịch Léa năm 1947.

Ở một cấp độ nào đó, cuộc chiến tranh này được các lý thuyết gia quân sự coi là “những xung đột nhỏ” hay “cường độ thấp”, nơi các thông tin tình báo tại chỗ chính xác thường là yếu tố quyết định ranh giới giữa thắng và bại, giữa sống và chết. Với tình báo Pháp, cuộc chiến này còn khó khăn hơn bình thường, nhất là trong việc đoán định các ý đồ của đối thủ. Người Pháp dường như có rất nhiều lợi thế so với lực lượng Việt Minh trong cuộc chiến tình báo ở Đông Dương. Tuy nhiên, những hoạt động tình báo ban đầu còn thô sơ nhưng ngày càng bài bản và hiệu quả của Việt Minh đã giúp chúng ta đánh bại quân đội thực dân trong nhiều chiến dịch quan trọng, trước khi dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Tạp chí Phương Đông lược dịch giới thiệu tới độc giả Chương 12 cuốn sách “The French Secret Services” của sử gia Mỹ Douglas Porch để nhìn lại cuộc chiến tình báo cam go giữa Việt Minh và quân Pháp trong những chiến dịch trước Điện Biện Phủ (Tiêu đề bài viết do BBT đặt).

Chiến dịch Léa

8:15 sáng ngày 7/10/1947, 400 lính dù của Pháp nhảy dù xuống các khu vực ở phía bắc, nam và đông tỉnh Bắc Kạn rồi di chuyển tới các đỉnh đồi bao quanh Bắc Kạn – nơi được Pháp xác định là “thủ phủ” của Việt Minh. Hai tiếng sau đó, làn sóng lính dù thứ hai gồm 350 người tiếp tục “từ trên trời rơi xuống”. Đến một giờ chiều, Bắc Kạn đã nằm trong tay người Pháp. Trên nhiều khía cạnh, chiến dịch mang tên Léa này là một thành công lớn. Ở các làng mạc và hang động xung quanh, lính Pháp đã phát hiện nhiều nhà máy và kho vũ khí của Việt Minh. Chiếc máy phát sóng kênh “Tiếng nói Việt Nam”, và có lẽ cũng là thứ đã giúp người Pháp xác định được vị trí Sở chỉ huy Việt Minh, đã bị thu giữ, cùng với số lượng lớn các tài liệu cấp cao. Một số con tin của Pháp đã được trả tự do. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Tổng tham mưu Việt Minh – những mục tiêu thực sự của chiến dịch – đã trốn thoát vào rừng núi cùng với phần lớn binh lính của họ, do không chiến đấu dữ dội nên không chịu nhiều thiệt hại. Dù vậy, ngày 17/11, người chỉ huy chiến dịch Léa là Tướng Raoul Salan – một sĩ quan Pháp dày dặn kinh nghiệm về tình báo và về Đông Dương – vẫn tuyên bố Léa là một thành công.

Đến đầu tháng 12, Raoul Salan tiếp tục chỉ huy một chiến dịch khác với mục tiêu bao vây và tiêu diệt các trại lính Việt Minh ở gần Thái Nguyên. Dù lần này Salan đã gây thiệt hại lớn cho đối thủ, nhưng Việt Minh lại một lần nữa chọn cách “sống sót để chiến đấu vào một ngày khác” và rút lui vào rừng. Pháp lại tuyên bố chiến thắng, cho rằng Việt Minh giờ chỉ còn là “những du kích và những tên cướp sống lang thang”.

Nhưng người rút ra được bài học từ các cuộc tấn công mùa thu năm 1947 này không phải là người Pháp, mà chính là Việt Minh. Trong các tài liệu mà phía Pháp thu giữ được, Võ Nguyên Giáp kết luận rằng trong tương lai ông cần phân tán lực lượng, hậu cần và cơ cấu chỉ huy của mình, để không cho người Pháp một mục tiêu tập trung nữa. Ông cũng cần mua sắm thêm vũ khí hạng nặng. Do đó, sự ngụy trang và thông tin tình báo tốt hơn về các ý đồ của Pháp sẽ trở thành các ưu tiên của Việt Minh. Tất cả những điều này sẽ khiến cho cuộc chiến tình báo của Pháp với Việt Minh trở thành một thách thức khó khăn hơn.

Những khuyết điểm trong cơ cấu tình báo Pháp tại Đông Dương

Thách thức này dần bộc lộ những khuyết điểm trong cơ cấu tình báo của Pháp tại Đông Dương, một trong số đó là việc hoạt động tình báo không được ưu tiên cao trong quân đội Pháp, đặc biệt ở cấp độ đơn vị. Trong một đội quân đang ngày càng phải cố hết sức tìm đủ sĩ quan để chỉ huy các đơn vị chiến đấu, thì việc bổ nhiệm một sĩ quan tình báo thường bị coi là một điều “xa xỉ”, hoặc tình báo chỉ là một trong số các nhiệm vụ hành chính mà sĩ quan phải thực hiện. “Một sĩ quan tình báo giỏi có giá trị bằng cả một tiểu đoàn. Nhưng trên thực tế hiếm có chỉ huy nào chịu mất một tiểu đoàn để đổi lấy một sĩ quan tình báo giỏi”, một sĩ quan tình báo từng than phiền như vậy. Và ngay cả khi một sĩ quan tình báo được bổ nhiệm thì cũng hiếm có người đáp ứng được đủ những phẩm chất đặc biệt cần có của công việc này – sự hiếu kỳ, một tâm trí cởi mở, cách tiếp cận thông tin chính xác và có phương pháp, cùng sự đánh giá vững chắc để phân biệt được thật – giả. Hơn hết, anh ta phải “sống cùng với kẻ thù về mặt trí tuệ”, hiểu được suy nghĩ, biết được khả năng của kẻ thù. Điều này đặc biệt khó ở Đông Dương, nơi quân đội Pháp chưa bao giờ có một chi nhánh “sự vụ bản địa” như ở Bắc Phi, do đó không có nhiều người quen thuộc với các phong tục và ngôn ngữ bản địa, không có những kho lưu trữ kinh nghiệm tích lũy được về Đông Dương. Ngoài ra, nhiều người Pháp có kinh nghiệm lâu dài về Đông Dương đã bị điều chuyển đi sau Thế chiến II do bị coi là quá ủng hộ Chính phủ Vichy. Vì vậy, người Pháp trở thành phụ thuộc quá mức vào các phiên dịch người Việt, có thể là những người thiếu thận trọng hoặc thậm chí là gián điệp của Việt Minh.

Kết quả dễ dự đoán là sự nóng vội khi phải “mò kim đáy bể”. Nhưng những hành động cướp phá, khủng bố ở vùng nông thôn, tra tấn những người bị nghi là Việt Minh, thường xuyên đánh đập, cưỡng bức, đốt phá nhà cửa của những người nông dân hoàn toàn vô hại… chỉ càng củng cố cho điều mà tình báo Pháp gọi là “3 không” – không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, không biết gì – cách mà Việt Minh đã dạy cho người dân trả lời các câu hỏi của người Pháp nếu là “một người yêu nước”.

Các sĩ quan tình báo Pháp than phiền rằng bản thân binh lính không có ý thức về tình báo và không nhận ra rằng họ có trách nhiệm thu thập thông tin. Nhưng binh lính Pháp phải đối mặt với những bất lợi rất lớn khi thu thập thông tin tình báo, đặc biệt là việc họ phải chuyển từ vùng nọ sang vùng kia nên phải liên tục chiến đấu ở những địa bàn xa lạ, trong khi Việt Minh lúc nào cũng có kiến thức thông thạo về địa phương. Người Pháp cố gắng khắc phục bất lợi này bằng những cách khác, chẳng hạn như thành lập các nhóm trinh sát với nhiệm vụ xâm nhập vào các khu vực do Việt Minh kiểm soát, thậm chí vào cả lãnh thổ Trung Quốc, sâu tới 100km. Năm 1952, Pháp cho rằng hai đại đội trinh sát của họ rất xứng đáng với khoản chi phí 300 triệu franc mỗi năm bởi đôi khi họ đã chứng tỏ được khả năng cảnh báo cho các đồn đóng quân sắp bị tấn công. Nhưng họ cung cấp rất ít thông tin tình báo về “chiều sâu bày binh bố trận của kẻ thù”, không có thông tin tình báo về chính trị hay kinh tế, và các thông tin tình báo quân sự của họ lại có thể bị giảm giá trị bởi các đơn vị này phải đi bộ, nên thông tin của họ thường đã bị cũ khi họ đến nơi.

Trinh sát trên không có thể hữu ích, đặc biệt trong việc điều hướng các trận chiến cố định khi quân Việt Minh xuất hiện ngoài trời, như trong các chiến dịch tấn công tổng lực của Tướng Giáp ở vùng đồng bằng Bắc bộ năm 1951. Nhưng trong các tình huống chiến tranh di động, hiệu quả của các nhóm này lại hạn chế do thời tiết xấu và rừng già bao bọc rất dày. Sau chiến dịch Léa, việc ngụy trang của Việt Minh đã hạn chế khả năng tìm hiểu các cơ sở cố định của Việt Minh của các đội trinh sát trên không. Năng lực trinh sát trên không của cả quân đội Pháp chỉ giới hạn ở 350 máy bay, chủ yếu là máy bay Morane, Bearcat, và B-26, tương đương với một phần tám lực lượng không quân của Pháp. Tinh thần độc lập, nếu không nói là “cứng đầu”, của các phi công không quân đồng nghĩa với việc nhiều người thích tự vẽ ra kế hoạch trinh sát riêng và bay ở những khu vực họ đã biết rõ thay vì bay theo kiểu “chọn món” theo yêu cầu của quân đội. Một mặt, điều này hợp lý vì những tầng cây dày đặc cùng sự ngụy trang siêu đẳng của Việt Minh buộc các phi công phải dành nhiều thời gian hơn ở cùng một khu vực để phát hiện ra bất kỳ dấu vết nào của Việt Minh. Mặt khác, nó có thể không đáp ứng được nhu cầu tức thời của các sĩ quan tình báo quân đội, những người có thể phải mất hàng tháng mà không cập nhật được không ảnh của khu vực họ phụ trách.

“Các anh có thường ngủ gật khi đang chỉ huy một đồn quân ở cánh đồng vào buổi đêm, rồi thầm rủa việc mình không hề biết kẻ thù đang ở xung quanh không?”, Thiếu tá F.L. Michel thường hỏi các sĩ quan tham gia khóa học tình báo của mình như vậy. Ngay cả các đơn vị tinh nhuệ “cũng buộc phải chiến đấu trong tình trạng mù tịt và rơi vào mệt mỏi” trong những chiến dịch mà “9 trên 10 lần là tấn công vào nơi đối thủ đã rời đi” bởi “sự thất bại của hoạt động tình báo”. Người Pháp đã tự đánh giá sau chiến tranh rằng “Tình báo của chúng ta đã cung cấp cho chúng ta một hình ảnh mơ hồ về kẻ thù này. Chúng ta biết rằng lính Việt Minh đã ở đây hoặc ở kia vào đêm đó, hoặc chúng ta có thể suy luận ra rằng một tiểu đoàn sẽ được tìm thấy trong một khu vực xác định không chính xác nào đó. Nhưng tất cả những thông tin này sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu, và kẻ thù như “một đám mây di chuyển mơ hồ”…

Ngược lại, nếu quân Pháp rơi vào thế bất lợi trước Việt Minh, thì các đơn vị này có thể trở thành “nạn nhân của những bất ngờ khủng khiếp nhất. Hàng ngày các phương tiện bị mìn thổi bay, lính đi tuần hoặc không tìm thấy gì hoặc rơi vào phục kích, và khi các đơn vị xông vào một ngôi làng nào đó, họ không có đủ thông tin để rà soát người dân và nhận diện những người phiến loạn không mặc đồng phục”. Không biết đang đối mặt với điều gì, các lực lượng Pháp trở nên do dự và chậm chạp trong việc điều động. Họ nhanh chóng chuyển sang tư thế phòng thủ, kêu gọi tấn công từ trên không hoặc bằng pháo binh, làm giảm các sáng kiến trong chiến đấu với Việt Minh. Do đó, thông tin tình báo chiến thuật nghèo nàn có tác động trực tiếp đến tinh thần và kết quả chiến đấu của người Pháp, và có đóng góp quan trọng vào tỉ lệ thương vong cao của Pháp tại Đông Dương.

Một trong những nguyên nhân khiến Pháp khó cải thiện chất lượng tình báo là do các nguồn lực bị hạn chế, trong đó có vấn đề tài chính. Tháng 8/1946, tướng Valluy than phiền rằng không mạng lưới điệp viên nào hoạt động được nếu không có tiền mặt, bởi “để có những thông tin tình báo đáng giá, họ phải trả tiền mới có được. Điệp viên cần có tiền, rất nhiều tiền”, đặc biệt là để mua chuộc sự trung thành của những quan chức địa phương. Vấn đề với các điệp viên được trả tiền là anh ta lại có nhiều khả năng là một điệp viên hai mang. Để hiệu quả, các sĩ quan tình báo phải hoạt động trong một môi trường xã hội, phải quen biết những người có thể tự do đi lại trong các khu vực do Việt Minh kiểm soát như các thương nhân Trung Hoa hoặc các nhà sư. Họ nên chiếm được niềm tin của người dân địa phương, không thể sống tách biệt với những người dân bản địa vốn luôn thù địch với họ do sự tuyên truyền và đe dọa của Việt Minh hoặc do chính sự tàn bạo của binh lính Pháp.

Hoạt động tình báo của Việt Minh

Nếu như người Pháp nhìn chung chỉ nhận được thông tin rất tệ hoặc phiến diện về Việt Minh, thì ngược lại, đối thủ của họ lại thường nắm bắt thông tin rất tốt về họ. Điều này phần lớn là không thể tránh khỏi. Tới 80% các lực lượng Pháp gắn liền với các đồn trú cố định và do đó dễ theo dõi hơn. Và Việt Minh theo dõi họ rất sát sao. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, Việt Minh đã ưu tiên cao hoạt động tình báo, thành lập một Cục tình báo tập trung thuộc Bộ Quốc phòng với các Chi bộ do các Đảng viên phụ trách, vươn tới các vùng và các tỉnh, tới tận cấp làng xã. Việt Minh thành lập các nhóm Trinh sát theo mô hình của Liên Xô. Các nhóm này có nhiệm vụ theo dõi các đơn vị và đồn lính của Pháp để báo cáo về sự điều động, lấy các kế hoạch phòng vệ, thu thập tài liệu và chuẩn bị cho các cuộc tấn công. Một nghiên cứu hậu chiến của Pháp nói rằng “Tất cả các tài liệu rơi vào tay chúng ta đều cho thấy sự phong phú về thông tin mà kẻ thù đã thu thập được chỉ thông qua tổ chức này”. Việt Minh cũng thành lập các nhóm Địch vận trong các đơn vị người Việt do Pháp chỉ huy hoặc ở các vùng lính Pháp thường xuyên xuất hiện.

Một trong những hậu quả mà người Pháp phải gánh chịu do các mạng lưới gián điệp rộng khắp của Việt Minh là họ rất khó giữ được bí mật. Đại tá Pháp Madre từng than phiền vào tháng 4/1954 rằng lính của ông ta không thể giữ được bí mật – nói năng bừa phứa không sửa được ở nơi công cộng, đặc biệt là với các vũ công và gái mại dâm, trước mặt những người phục vụ người Việt. “Giờ đây Địch vận 70% là nữ”, ông ta cảnh báo.

Ngoài ra, các đơn vị còn bất cẩn với tài liệu và mật mã vô tuyến – chúng được phân phát quá rộng rãi và có thể bị thu giữ. Một chỉ huy đơn vị nghe tin về Chiến dịch Atlante – cuộc tấn công của Pháp vào các căn cứ Việt Minh ở Trung Kỳ từ ngày 20/1/1954 – từ bốn ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, từ một người Trung Quốc ở Sài Gòn về; người này nói rằng ở Sài Gòn người ta đang bàn tán về chiến dịch đó. Chính phủ và Bộ Chỉ huy cấp cao của Pháp có những tiêu chuẩn an ninh quá tệ hại: Gần như ai cũng biết về Kế hoạch Revers năm 1949 và Kế hoạch Navarre năm 1953 ngay từ khi chúng được soạn thảo. Một phiên dịch viên tin cẩn trong văn phòng Tướng René Cogny, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ trong giai đoạn Điện Biên Phủ, được cho là người đã bí mật thông tin cho Tướng Giáp về các ý đồ của Pháp trong suốt chiến dịch đó.

Sự bất cẩn gây hại lớn nhất có lẽ là an ninh phát thanh cẩu thả, một vấn đề không mới của quân đội Pháp. Theo một báo cáo năm 1951 của Phòng Nhì dựa trên thông tin do một người Việt Minh đào tẩu cung cấp, Việt Minh đã thành lập một Cục Mật mã nhỏ vào cuối năm 1948 với hai chiếc máy nhận tín hiệu radio của Mỹ. Không có khả năng phân tích mật mã, Việt Minh khởi đầu bằng cách nghiên cứu các tin nhắn vô tuyến không mã hóa của Pháp. Năm sau, một trung tâm chặn tín hiệu lớn hơn được thiết lập tại làng La Bằng ở vùng núi cao gần Thái Nguyên, với 10 điện tín viên, 2 máy nhận tín hiệu cùng 3 máy phát sóng khác. Các nghiên cứu về việc chuyển tín hiệu mã hóa một phần đã được bắt đầu, “mặc dù quy trình vẫn khá thô sơ, cơ bản”. Đầu năm 1950, bộ phận mật mã và nghe lén được gộp lại với nhau, và một trường mật mã được mở ở gần xã Bình Yên (Thái Nguyên) vào mùa hè để nghiên cứu những cuốn sách mật mã thu được của Pháp.

Thất bại thảm hại của Pháp ở Cao Bằng

Những nỗ lực khiêm tốn này đã mang lại thành quả vào mùa thu năm 1950, khi các tiểu đoàn chính quy của Tướng Giáp biến chiến dịch của Pháp ở Cao Bằng, Lạng Sơn thành một thảm họa. Pháp mất gần 6.000 người khi rút lui khỏi Cao Bằng. Theo sử gia Bernad Fall, đây là thất bại lớn nhất của Pháp ở thuộc địa, kể từ sau khi để mất Quebec vào tay Tướng Anh James Wolfe năm 1759.

Thông tin tình báo nghèo nàn chắc chắn là một phần nguyên nhân cho thảm họa của Pháp ở Cao Bằng. Nhưng vấn đề là dự đoán các ý đồ của đối phương. Trong báo cáo sau đó, Phòng Nhì ở khu vực Bắc Kỳ thừa nhận rằng họ gánh một phần trách nhiệm cho Cao Bằng. Mặc dù họ đã theo dõi được các đơn vị của Việt Minh vượt qua biên giới sang Trung Quốc từ tháng 8/1949, nhưng “gần như không thể theo dõi được họ trong suốt thời gian họ ở bên ngoài biên giới”. Trong một báo cáo vào tháng 5/1950, Tướng Pháp Alessandri, chỉ huy vùng Bắc Kỳ, thừa nhận rằng Cao Bằng có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công bất ngờ vào bất kỳ lúc nào. Ông ta dự đoán rằng mình có thể đánh lui một cuộc tấn công được vũ trang nghèo nàn của Việt Minh, nhưng không chắc lắm về khả năng chống đỡ của đồn Cao Bằng trước một cuộc tấn công được người Trung Quốc hỗ trợ, nhất là nếu họ còn mang theo pháo hạng nặng.

Khi đồn Cao Bằng buộc phải di tản dọc theo Đường số 4, Phòng Nhì mới bắt đầu nhận ra khi đã quá muộn rằng họ đã đánh giá sai sức mạnh của Việt Minh, gần như chỉ bằng một phần ba thực tế, và năng lực vũ khí hạng nặng chỉ bằng một nửa thực tế. Tướng Marcel Carpentier sau đó thừa nhận với Thủ tướng Pháp rằng sự biến đổi hoàn toàn của Việt Minh “trong vòng 3 đến 4 tháng” từ một đội quân du kích lộn xộn và nghèo nàn thành một lực lượng hiện đại đã khiến ông ta vô cùng bất ngờ.

Nếu như chiến dịch ở Cao Bằng đã thể hiện những khuyết điểm rõ ràng của tình báo Pháp, thì đó lại là một bước ngoặt đối với Việt Minh, đặc biệt là từ góc độ tình báo. Trận Cao Bằng là lần đầu tiên Việt Minh sử dụng các hoạt động phân tích mật mã và nghe lén vào một tình huống “hành động”. Những thử nghiệm đã mang lại thành quả lớn. Theo người Việt Minh đào tẩu đã nhắc ở trên thì hai phần ba thông tin tình báo của Việt Minh đến từ việc chặn sóng vô tuyến trong trận đấu đó. Việt Minh đã nghe lén được các thông điệp của Pháp thông báo quân tiếp viện và đạn dược đã đến nơi, sự liên lạc giữa các đơn vị, mệnh lệnh từ các chỉ huy tới cấp dưới – tóm lại là dự đoán được các động thái của người Pháp khi họ mò mẫm đi xuyên rừng. Các thông tin phát sóng không mã hóa, “mà người Pháp tin rằng không có giá trị tình báo gì”, có thể bị khai thác ngay lập tức, các tin nhắn mã hóa hỗn hợp, và thậm chí cả một số tin nhắn được mã hóa hoàn toàn, đều rơi vào tay những người phân tích mật mã “học việc” của Việt Minh. Họ cũng cẩn thận xây dựng bảng biểu các tần số và thời gian truyền tín hiệu của người Pháp, một kỹ thuật cơ bản nhưng hữu ích. Tướng Giáp nhận ra rằng việc chặn sóng vô tuyến mang lại thông tin tình báo mới nhanh chóng hơn so với các điệp viên. Trường phân tích mật mã được mở rộng, bổ sung thêm các chuyên gia giải mã Trung Quốc. Tình báo Pháp tin rằng người Nga cũng cung cấp các thiết bị phân tích mật mã cho Việt Minh.

Những cách xoay xở của tình báo Pháp

Henri Navarre than phiền rằng Việt Nam giữ bí mật rất tốt, còn an ninh của Pháp thì giống như một “cái sàng”. Điều này không hẳn đúng. Khi người Pháp bảo vệ được bí mật thì họ có thể gây ra điều bất ngờ, như trong cuộc đột kích Lạng Sơn, khi hai tiểu đoàn lính dù tấn công các kho vũ khí ở thành phố gần biên giới Trung Quốc này vào ngày 17/7/1953. Cuộc sơ tán khỏi Nà Sản năm 1953 cũng được phía Pháp tiến hành quá nhanh, đến nỗi Tướng Giáp không kịp đưa đủ quân tới đó để tấn công vào chu vi đang nhanh chóng bị thu hẹp. Thậm chí khi bắt đầu Chiến dịch Castor, việc Pháp thả lính dù xuống Điện Biên Phủ vào ngày 20/11/1953 dường như cũng khiến Việt Minh bất ngờ.

Việc người Pháp không có thông tin về đối thủ cũng không đúng. Bởi nếu Việt Minh biết được rất nhiều về Pháp nhờ việc chặn sóng vô tuyến, thì người Pháp còn biết nhiều hơn do an ninh thông tin nghèo nàn của Việt Minh. Một báo cáo của Pháp vào tháng 1/1952 nói rằng “Cho tới nay, việc nghiên cứu radio của địch là nguồn thông tin tình báo tốt nhất của chúng ta”.

Nhưng hoạt động phân tích mật mã của Pháp lại bị hạn chế ở chỗ nó không thể sang được Trung Quốc, nơi các lực lượng Việt Minh đang được huấn luyện và tổ chức bởi ước tính 15.000 cố vấn và kỹ thuật viên Trung Quốc. Đây chính là nguồn gốc của thất bại tình báo ở Cao Bằng. Năm 1952, người Pháp không than phiền gì về lượng thông tin tình báo về Trung Quốc, mà họ phải chi 100 triệu franc mỗi năm để có được. Tuy nhiên, chất lượng thông tin lại là chuyện khác. Người Pháp thừa nhận rằng việc đánh giá thông tin cẩn trọng là một nhiệm vụ họ làm rất kém, do thiếu thời gian và nhân sự.

Một trong những cách người Pháp đã làm để biết thêm về các diễn biến ở Trung Quốc là thông qua sự hợp tác với người Anh và người Mỹ. Nhưng hợp tác với tình báo nước ngoài, đặc biệt là hai nước đồng minh cũ này, có thể làm người Pháp mất thể diện. Tình báo Pháp dường như đặc biệt nhạy cảm với khả năng những sự trao đổi này sẽ tiết lộ cho các đồng minh những điểm yếu kém trong tổ chức tình báo của họ. Người Pháp kêu ca rằng họ từng bị tình báo Anh lừa vào năm 1949, khi người Anh trao cho họ một số bản đồ đã cũ của Xiêm sau khi được Pháp cung cấp thông tin cập nhật về Việt Minh. Khi người Pháp phản đối, người Anh trả lời rằng Xiêm là một quốc gia thân thiện, nếu cung cấp cho Pháp thông tin tình báo tốt về nước này sẽ là “một hành động không thân thiện”. Thái độ của Mỹ thì pha trộn giữa sự kẻ cả và khinh miệt. Một nhóm khảo sát chung của hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ được cử tới Đông Dương vào tháng 7/1950 để đánh giá các yêu cầu quân sự của Pháp phát hiện ra rằng việc thiếu các thông tin tình báo chắc chắn về “sức mạnh và sự dàn quân của các lực lượng Việt Minh do Cộng sản lãnh đạo” khiến việc hợp tác tình báo rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của Pháp trước sự can dự của Mỹ vào Đông Dương không chỉ đơn thuần là sự hổ thẹn về mặt chuyên môn. Những hoài nghi rằng người Mỹ đang cố thế chân Pháp ở Đông Dương bắt đầu có từ trận Trân Châu Cảng và sau đó ngấm ngầm “đầu độc” sự hợp tác tiếp theo giữa Pháp và Mỹ cả trong viện trợ quân sự và hợp tác tình báo. Ngay từ năm 1951, Tướng de Lattre, chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đã trục xuất Đại tá không quân Mỹ Edward G. Lansdale khỏi Đông Dương vì tin rằng chuyên gia chống du kích màu mè và gây tranh cãi này sẽ hành động chống lại các lợi ích của Pháp. Dù sau những “khác biệt” này, tình báo Pháp và CIA đã có những hợp tác nhất định, nhưng dường như vẫn không khiến người Pháp hài lòng.

Tháng 12/1953, Navarre cho phép nhóm cố vấn Mỹ ở Đông Dương đưa đội tình báo chiến đấu của chính họ vào Đông Dương để bổ sung cho điều mà họ coi là “thông tin tình báo không đáng tin cậy của Pháp”. Lúc này, người Pháp đang trong quá trình xác định các lựa chọn chiến lược trong cuộc chiến. Và các hoạt động tình báo cùng những chiến dịch đặc biệt của họ sẽ phải gánh một phần trách nhiệm cho những lựa chọn chiến lược thảm họa hơn của người Pháp – những lựa chọn đã đưa họ tới Điện Biên Phủ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới