Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc...

Vì sao đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào thời điểm này?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy lý giải vì sao thời điểm này để đưa ra đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại Tọa đàm.


18 năm nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Tại buổi Toạ đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều 29/10, các chuyên gia, lãnh đạo Bộ GTVT đã phân tích, luận bàn, làm rõ các vấn đề về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Trả lời câu hỏi, vì sao đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào thời điểm này? Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy cho biết, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ đã nghiên cứu 18 năm.

Theo ông Huy, từ năm 2011, Bộ GTVT đã trình cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm đó có một số băn khoăn.

Thứ nhất, là nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn.

Vấn đề thứ hai là nợ công của chúng ta ở thời điểm đó cũng rất cao.

Thứ ba là còn những vấn đề kiến giải về tốc độ, về công năng.

Đến thời điểm hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ đã dự báo lại nhu cầu thực tiễn trên hành lang Bắc-Nam, nhu cầu vận tải cả hàng hoá và hành khách lớn nhất.

Theo Thứ trưởng Huy, nước ta có đặc điểm địa kinh tế phân bố các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế lớn đều tập trung vào khu vực duyên hải. Vì vậy, chúng ta có lợi thế vận tải hàng hoá đường biển, theo nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước thì chi phí vận tải biển vẫn là chi phí rẻ nhất trong vận tải hàng hoá.

Do đó, Bộ GTVT đã dự báo nhu cầu vận tải và thấy rằng thời điểm này thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải một cách thích hợp. Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000 km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000 km phải là phương thức vận tải đường sắt.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, tại thời điểm này, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn.

Về mặt kỹ thuật, ông Huy cho biết, Bộ GTVT cũng đã kiến giải, ví dụ như tại sao lại lựa chọn tốc độ 350 km/giờ, hay công năng sử dụng tại sao là vận tải hành khách.

Các vấn đề này đã kiến giải qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các nước trên thế giới cũng như các đoàn công tác liên ngành tham quan, học tập tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển. Những vấn đề này đến nay đã được kiến giải một cách rõ ràng.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định thống nhất chủ trương đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhất trí rất cao về sự cần thiết về việc xây dựng tuyến đường sắt vào thời điểm này.

Theo ông Hiếu, thứ nhất rất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu theo chủ trương của Đảng, của Trung ương.

Thứ hai, đó là đòi hỏi thực tiễn. Thứ ba, là mong muốn để chúng ta thông qua đây tạo ra động lực phát triển mới.

Về mặt thời điểm, ông Hiếu nhấn mạnh, đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án, cả về điều kiện, năng lực…Tuy nhiên, dự án này có đáp ứng thu nhập, mong muốn, đòi hỏi về giao thông vận tải không? Rõ ràng, nước ta đang trên đà phát triển, thu nhập sẽ tăng.

“Tôi cho rằng chúng ta làm đề án này là tạo thêm phương thức vận tải thứ 5 và thông qua đó, chúng ta tối ưu hóa các phương thức vận tải, như vậy sẽ góp phần tối ưu hóa chi phí vận tải cũng như thời gian”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nhất trí thiết kế với tốc độ 350 km/giờ, tải trục là 22,5 tấn; phương án khai thác là vận tải hành khác kết hợp quốc phòng, an ninh và cần thiết thì vận tải hàng hóa.

4 phương án huy động nguồn lực
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia và chúng ta có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư.

Về chuẩn bị tài chính, các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.

Ông Khắng đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể, thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ ba, sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.

Về nguồn lực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, có 4 phương án huy động nguồn lực, thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.

Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.

Thứ hai, thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.

Thứ ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.

Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

“Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới