Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựHải quân các nướcLý do Philippines đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân

Lý do Philippines đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân

Nhằm thực hiện mục tiêu của Tổng thống Marcos Jr. đề ra là “không để mất một tấc lãnh thổ” của đất nước, bên cạnh việc củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đa phương với các đồng minh của Mỹ, chính quyền Manila xác định nhiệm vụ cấp bách là nâng cao tiềm lực quốc phòng của đất nước, trong đó có việc đẩy mạnh hiện đại hoá lực lượng Hải quân Philippines.

Sau những căng thẳng với Trung Quốc về Bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn này năm 2012, Philippines đã cam kết hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Mặc dù vậy, nhiều giai đoạn của quá trình hiện đại hoá quân đội của Philippines (mang tên gọi Horizons) vẫn chưa hoàn thành.

Vào năm 2023, Manila quyết định hợp nhất các nỗ lực hiện đại hóa của mình thành “Re-Horizon 3”. Với sự tập trung ngày càng tăng vào việc bảo vệ lãnh thổ, Hải quân Philippines dự kiến sẽ nhận được tài trợ cho nhiều tàu chiến và hệ thống hơn. Vào tháng 1/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phê duyệt chương trình hiện đại hóa quân đội “Re-Horizon 3” với dự tính chi phí 2 nghìn tỷ peso (35,6 tỷ USD), và sẽ được thực hiện trong thời gian vài năm.

Ông Roy Trinidad, Người phát ngôn của lực lượng Hải quân phía Tây Philippines, nhấn mạnh giai đoạn hiện đại hóa thứ 3 (“Re-Horizon 3”) phản ánh sự thay đổi trong chiến lược của Philippines từ phòng thủ bên trong sang phòng thủ bên ngoài. Ông Trinidad cho biết, trong khi giai đoạn đầu tiên và thứ 2 của kế hoạch hiện đại hóa quân đội Philippines lấy “lục địa làm trung tâm”, còn giai đoạn thứ ba sẽ tìm cách tăng cường khả năng quân sự trên biển, bao gồm việc mua tàu ngầm đầu tiên, để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi có thể không phải là một lực lượng hải quân lớn… nhưng chúng tôi sẽ có một lực lượng hải quân có thể bảo vệ các quyền về lãnh thổ và chủ quyền”. Ông Roy Trinidad không cho biết Manila sẽ mua bao nhiêu tàu ngầm nhưng khẳng định rằng nước này “chắc chắn sẽ mua nhiều hơn một chiếc”.

Câu chuyện mua tàu ngầm của Philippines được giới chuyên gia quân sự hết sức quan tâm. Các chuyên gia cho rằng Philippines cần mua ít nhất 3 tàu nếu muốn có 1 tàu ngầm luôn hoạt động, sẵn sàng tác chiến bởi thông thường thì 1 đang vận hành, một đang huấn luyện và một đang tái trang bị hoặc bảo trì. Ông Felix Chang, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ cho rằng, dù không thể ngăn chặn Bắc Kinh thách thức các yêu sách hàng hải của Manila hay ngăn các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của Philippines, nhưng việc Philippines có tàu ngầm sẽ thể hiện rằng lực lượng hải quân nước này có thể chủ động hành động, buộc lực lượng Trung Quốc phải hành động thận trọng hơn.

Trong số những ứng cử viên hàng đầu Philippines hướng tới là tàu ngầm lớp Scorpène của Pháp. Ngoài ra, cũng có một số đề nghị chào hàng từ phía Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Italy. Tham vọng của Philippines cũng không chỉ dừng lại ở việc mua tàu ngầm mà còn mong muốn tăng cường khả năng đào tạo, vận hành, đảm bảo một lực lượng vũ trang đủ mạnh và tự chủ. Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. thừa nhận tầm quan trọng của nỗ lực này trong một cuộc phỏng vấn với báo giới tại lễ kỷ niệm 125 năm thành lập Hải quân Philippines: “Chúng ta đã có kế hoạch, nhưng hiện tại kế hoạch này vẫn đang trong quá trình phát triển. Vận hành tàu ngầm là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải đào tạo chuyên sâu, trang bị chuyên dụng và đảm bảo các yêu cầu vận hành quan trọng”.

Thực hiện kế hoạch này, Hải quân Philippines đã cử lực lượng đến Pháp để đào tạo nâng cao trước khi đàm phán mua tàu ngầm. Động thái này cho thấy có khả năng cao Philippines sẽ chọn tàu ngầm lớp Scorpène nổi tiếng do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp Naval Group sản xuất. Theo một số nguồn tin, trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội “Re-Horizon 3”, Manila dành ra một khoản ngân sách từ 70 đến 100 tỷ Peso (1,25-1,80 tỷ USD) để mua tàu ngầm, cho thấy nỗ lực tăng cường năng lực hải quân của Philippines.

Tương tự những chiếc tàu ngầm lớp Scorpène do Brazil vận hành, biến thể Philiipines nhắm tới sẽ được trang bị 6 ống phóng với 18 quả ngư lôi và có thể triển khai tên lửa chống hạm SM 39 Exocet và ngư lôi hạng nặng F21. Tàu ngầm lớp Scorpène có chiều dài từ 60m đến 82m, gồm nhiều biến thể như tàu ngầm chạy điện-diesel thông thường CM-2000, biến thể sử dụng động cơ đẩy không khí độc lập (không phụ thuộc vào không khí ngoài) AM-2000, biến thể ven biển cỡ nhỏ CA-2000.

Bên cạnh việc mua sắm tàu ngầm, Philippines trú trọng tới việc phát triển tên lửa chống hạm. Vào năm 2022, Phó Đô đốc Toribo Adaci Jr. trở thành Tư lệnh thứ 40 của Hải quân Philippines, một lực lượng đã bắt đầu hiện đại hóa khi đất nước chuyển trọng tâm từ chống nổi loạn trên bộ sang phòng thủ lãnh thổ trên biển và trên không. Kể từ thời điểm đó, Tư lệnh Adci đã giám sát vụ phóng tên lửa chống hạm đầu tiên của đất nước và tăng cường hợp tác đa phương với các đồng minh ở Biển Đông. Tư lệnh Adaci tuyên bố rằng: “Chúng tôi mong muốn chương trình này (hiện đại hoá Hải quân) được triển khai. Chúng tôi hy vọng sẽ có được các nền tảng và hệ thống hiện đại cho Hải quân của mình”.

So với các lực lượng hải quân trong khu vực, Philippines đã tụt hậu từ lâu với các tàu chiến thời Thế chiến thứ hai và thiếu các khả năng hiện đại; trước đây Hải quân Philippines lại chỉ được trang bị các loại tàu pháo. Đa số các tàu chiến trong biên chế của Hải quân Philippines là hàng cũ được chuyển giao từ Mỹ. Vì vậy, Năm 2022, chính quyền Manila quyết định mua 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Jose Rizal và 6 tàu tuần tra ngoài khơi của công ty đóng tàu Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries. Đây là 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại đầu tiên của Philippines, có khả năng chống hạm, chống tàu ngầm và tác chiến phòng không, giúp tăng cường tính tương thích và khả năng tác chiến với các phương tiện vũ khí hiện có của Philippines.

Lực lượng Hải quân Philippines đã đưa vào biên chế 2 tàu chiến hiện đại đầu tiên của mình với tên gọiBRP Jose Rizal (FF-150) và BRP Antonio Luna (FF-151) vào năm 2022 và chỉ mới cho “nghỉ hưu” phần lớn hạm đội cũ kỹ của mình gần đây. Tư lệnh Hải quân Adaci nói: “Chúng tôi đã cố chạy lại các tàu cũ của mình và hiện đang sử dụng các tàu hiện đại. Chúng tôi rất phấn khích khi có thêm nhiều nền tảng hiện đại hơn trong vài năm tới. Đây là một điều tốt, vì chúng tôi còn phải bắt kịp về mặt hiện đại hóa”.

Trong khi một số tàu cũ vẫn đang hoạt động, chủ yếu là tàu đổ bộ tăng, hạm đội đã loại bỏ tàu chiến cuối cùng của Thế chiến thứ hai vào năm 2021. Quá trình hiện đại hóa này cũng đã đưa hạm đội vào cái mà Tư lệnh Adaci gọi là “thời đại tên lửa”. Điều quan trọng nhất đã xảy ra dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Adaci đó là tên lửa được đưa vào biên chế của Hải quân. Ông Adaci nhấn mạnh tầm quan trọng của các vụ phóng tên lửa đầu tiên của lực lượng “bởi vì đó là điều mới mẻ đối với Hải quân Philippines”. Tư lệnh Adaci nói: “Thật thú vị vì giờ đây chúng ta có thể coi mình đang ở trong thời đại tên lửa, đã phóng tên lửa C-Star, tên lửa SPIKE ER, tên lửa SPIKE NLOS” khi ám chỉ đến các vụ phóng trên tàu Jose Rizal trong tập trận Balikatan 2024.

Cần lưu ý rằng ngoài các hệ thống của Hàn Quốc và Israel, lực lượng Hải quân đã nhận được tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ vào đầu năm nay. Giới phân tích quân sự đánh giá khi các hệ thống tên lửa BrahMos của lực lượng này đi vào hoạt động sẽ tăng thêm đáng kể sức mạnh của Hải quân Philippines.

So với Cảnh sát biển, Hải quân Philippines đã đảm nhận vai trò hỗ trợ theo cách mà Adaci mô tả là “cách tiếp cận trắng-trắng”. Tại Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi một phần của Biển Đông, bao gồm Vùng đặc quyền kinh tế của nước này), Manila đã quyết định triển khai Lực lượng Bảo vệ bờ biển và các cơ quan dân sự khác tại những điểm nóng tranh chấp với Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2023, hạm đội hạn chế gồm 13 tàu tuần tra trên biển của Lực lượng Bảo vệ bờ biển đã bị lực lượng Trung Quốc dùng vòi rồng và đâm va gây hư hại. Tàu chiến chủ lực của lực lượng này, BRP Teresa Magbanua (MRRV-9701), đã phải rút khỏi Bãi cạn Sa Bin sau khi bị lực lượng Trung Quốc phong tỏa và đâm va nhiều lần.

Tư lệnh Hải quân Philippines nhấn mạnh rằng Hải quân “luôn ở đó trong hậu trường để cung cấp hỗ trợ” và họ đã sẵn sàng hỗ trợ và dẫn đầu tại Biển Tây Philippines nếu được yêu cầu. BRP Antonio Luna (FF-151), tàu chiến hiện đại thứ hai của lực lượng này, đã phải hủy bỏ việc triển khai tới Australia cho cuộc diễn tập Kakadu 2024 do những lo ngại cấp bách hơn xảy ra trong nước. Tư lệnh Adaci nhấn mạnh giá trị của đào tạo nước ngoài, tiến hành tuần tra hàng hải để đảm bảo quốc phòng của đất nước luôn được ưu tiên. Ông Adaci cho biết: “Chỉ là vào thời điểm đó, có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn đòi hỏi phải sử dụng tàu của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên tiến hành tuần tra thay vì gửi chúng ra nước ngoài để tập trận”.

 Về việc tăng cường hợp tác của lực lượng với các đồng minh và đối tác, Tư lệnh Hải quân Philippines đã đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia cùng chí hướng trong việc giúp Philippines khẳng định chủ quyền của nước này ở Biển Đông đang có tranh chấp. Ông nói: “Điều đó thật tốt vì chúng ta chia sẻ cùng một lợi ích và bạn thấy hiệu quả của các quốc gia cùng chí hướng và các nước đang cùng nhau vì một mục đích duy nhất. Tất cả chúng ta đều muốn thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải và hàng không. Đó là điều mà tất cả các quốc gia, không chỉ Philippines, Australia, Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu, đều nên sẵn sàng bảo vệ luật pháp quốc tế”.

Trong hầu hết lịch sử của mình, Hải quân Philippines chỉ tiến hành các cuộc tập trận song phương với Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2023 khi mà Trung Quốc gia tăng các hành động hung hăng nhằm vào Philippines ở Biển Đông, Manila đã tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải với một số quốc gia khác ngoài khu vực. Thời gian gần đây, Philippines đã cùng Mỹ tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra hàng hải đa phương với các nước Australia, Nhật Bản, Canada, Pháp, Anh ở Biển Đông.

Tư lệnh Hải quân Adaci cho biết: “Trong thời kỳ chúng tôi thiếu các hoạt động hợp tác đa phương (MCA), trước đây chỉ là các cuộc tập trận song phương với Mỹ. Nhưng giờ đây, việc nhìn thấy các tàu của Hải quân Philippines, tàu của Hải quân Mỹ, tàu của Hải quân Australia, tàu của Hải quân Nhật Bản, tàu của Pháp cùng nhau đi biển là điều bình thường. Đó là sự hợp tác liên tục, tôi chắc chắn rằng sẽ có nhiều MCA hơn trong tương lai”. Giới chuyên gia nhận định với một nền kinh tế còn kém phát triển, chính quyền của Tổng thống Marcos đã phải gồng mình lên để mua sắm các vũ khí, trang thiết bị hiện đại, bao gồm tàu ngầm, tên lửa chống hạm là nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ở Biển Đông trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Hiện Philippines đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc… trong việc hiện đại hoá quân đội. Tóm lại, lý do khiến Philippines phải đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội và hải quân chính là sự hiếu chiến của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới