Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên ngôn tranh cử và hành động

Tuyên ngôn tranh cử và hành động

Tổng thống Mỹ Joe Biden thường tự hào nói: “Nước Mỹ là một ngọn hải đăng của thế giới”. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nói: “Chủ nghĩa Mỹ chứ không phải chủ nghĩa toàn cầu dẫn đường”. Còn ứng cử viên Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris khảng khái: “Nước Mỹ không thể thoái lui!”.

Toàn là những tuyên ngôn như dao chém đá. Nhưng vấn đề quan trọng, quyết định nhất là hành động.

Chỉ còn bốn hôm nữa là đến sự kiện trọng đại – bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ 47. Một trong hai người, hoặc là ông Donald Trump, hoặc là bà Kamala Harris đại diện Đảng Dân chủ. Không thể nói đây là ngôi sao tiêu biểu cho hai Đảng này, nhưng dù sao đã đến giờ chót, không thể thay đổi. Vấn đề là ai sẽ trở thành ông/bà chủ Nhà trắng? Và nước Mỹ liệu có giữ được vị trí “ngọn hải đăng”? Tham gia nhiều liên minh quan trọng, vai trò của Mỹ như thế nào trong một thế giới đầy biến động, diễn biến phức tạp, chiến tranh đang bùng nổ ở nhiều khu vực.

Trước hết phải kể đến sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ. Các nhà bình luận châu Âu thường nhận xét rằng: Donald Trump là cơn ác mộng của châu lục già. Ác mộng vì rằng chi tiêu quân sự của xứ Cờ Hoa vô cùng lớn, chiến khoảng 70% ngân sách quân sự của 31 thành viên khác trong khối NATO. Nếu tính riêng chi phí quân sự trong nước thì, khoản ngân sách đó nhiều hơn 10 nước tiếp theo trong khối cộng lại, (trong 10 nước đó có hai “con hổ” Nga và Trung Quốc).

Trong quá trình tranh cử ông Trump đã nêu giải pháp để nâng chi tiêu quân sự, chi tiêu một cách hợp lý, bảo đảm sức mạnh quốc phòng trong các nước NATO. Cụ thể, các nước phải đạt định mức 2% so với GDP. Trong khi đó bà Harris nói: sẵn sàng tiếp tục hợp tác với NATO và EU để giành được chiến thắng ở Ukraine. Đồng thời, không nới lỏng áp lực về chi tiêu đối với châu Âu.

Vậy là, dù là ai làm Tổng thống thì áp lực vẫn đè nặng lên chính quyền Kiev. Áp lực đó là, khi các nhà làm luật ở Mỹ ngày càng lưỡng lự trong việc bàn tính thông qua các gói hỗ trợ thì giải pháp tốt nhất là Ukraine phải sớm “hạ cờ”, bởi không còn đủ sức. Những tuyên bố của Tổng thống (dù là ai) cũng chỉ là một tuyên bố chính trị, không phải là những nước cờ quyết định.

Câu hỏi tiếp theo là, liệu Mỹ có xứng với vai trò của “Người gìn giữ hòa bình”? Thế giới ngày nay đang đối mặt với xung đột quyền lực lớn nhất kể từ sau năm 1975, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, cũng là kết thúc Chiến tranh Lạnh. Theo dõi những bước đi và những toan tính của Washington có thể thấy, sức mạnh của Mỹ để giúp giải quyết dứt điểm các xung đột, khủng hoảng đã suy yếu. Nước Mỹ trở nên mờ nhạt bởi chính sách “mập mờ chiến lược”. Bà Harris từng nói cứng rằng, ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng lại yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức việc giết hại dân thường vô tội”. Vậy là bà đang đem xăng dập lửa. Phải thế chăng mà các cuộc xung đột, cảnh đầu rơi máu chảy ở Pakistan, Israel, Iran, Liban, ở Ukraine và đe dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan đang thử thách vai trò Sen đầm của Mỹ.

Donald Trump nói như nhặt hòn cuội trong túi áo khoác: “Tôi sẽ có hòa bình ở Trung Đông sớm thôi” (!). Ông nói đã có cái kết cho chiến tranh ở Ukraine, khi tuyên bố: “Tôi sẽ rút lui. Chúng ta cần rút lui!”. Nhưng Trump lại không giấu sự “ngưỡng mộ” đối với Tổng thống Nga Putin.

Một mặt trận nóng bỏng không kém là thái độ đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu. Phải thấy rằng, đây là vấn đề vô cùng cấp bách. Theo các nhà phân tích, ngày nay mỗi phần nhỏ trong một độ C đều có ý nghĩa trong việc ngăn chặn ảnh hưởng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc ngăn chặn một cơn bão có sức tàn báo nặng nề như bão Milton vừa qua quan trọng không kém gì chặn đứng một cuộc chiến tranh. Xin nhắc lại rằng, với tốc độ hình thành tên lửa từ bão áp thấp nhiệt đới thành siêu bão cấp độ 5, bão Milton đã soán ngôi bão Yagi và trở thành cơn bão lịch sử của hành tinh trong vòng 100 năm qua.

Khi nước Mỹ bị các cơn bão Milton và Helene tàn phá, Donald Trump đã chế giễu các kế hoạch và chính sách môi trường của chính quyền đương nhiệm. Ông nói: “Đây là một trong những trò lừa vĩ đại nhất mọi thời đại”. Không hiểu nếu Trump là Tổng thống, ông sẽ có chiến lược gì để chặn siêu bão? Còn bà Harris thì chưa đưa ra lập trường rõ ràng về vấn đề đại sự này. Trong khi đó cử tri Mỹ đề nghị bà, phải thể hiện dứt khoát thái độ, vai trò lãnh đạo, thúc đẩy các nước tăng tốc trong việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải. Cụ thể, hiện nay Trung Quốc là quốc gia phát thải CO2 lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Trong số 10 nước phát thải CO2 hàng đầu, Mỹ là nước có phát thải bình quân đầu người cao nhất, cao gấp đôi Trung Quốc và gấp 8 lần Ấn Độ.

Thử thách lớn thứ ba đối với ông chủ Nhà trắng là giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo. Kết quả cuộc bầu cử hôm 5/11 tới đây có ảnh hưởng toàn cầu. Nó không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự, kinh tế mà còn là tiềm năng lãnh đạo, uy quyền đạo đức trên trường quốc tế. Liệu Trump hay Harris có thể đại diện cho niềm hi vọng đó? Nhiều cử tri Mỹ lo ngại, nếu Trump đắc cử sẽ đánh dấu bởi chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa đơn phương. Nó không mang lại điều gì tốt lành, ngoài sự làm sâu sắc sự bất ổn và thất vọng về chính sách nhân đạo”. Trước đây, trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình Trump đã cắt viện trợ đối với một số tổ chức của Liên hợp quốc và rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nhà tài trợ đã phải gồng mình để lấp khoảng trống đó.

Thế nhưng Tổng thống đương nhiệm Biden cũng không khá gì hơn. Ông tỏ ra rất bảo hoàng, luôn chần chừ trong việc cứu trợ nhân đạo, điển hình là trước tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Đông, như nạn đói, thiếu thuốc chữa bệnh, trẻ em suy dinh dưỡng, v.v.. Bà Harris có thể cũng là cái bóng mờ của Biden mà thôi. Một cảnh báo mới đây cho hay, các viện trợ nhân đạo mang tính sống còn có thể tiếp tục bị cắt giảm và sẽ phải chờ tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sự sống, tính mạng dân lành ở Hamas và nhiều nơi khác không chờ đợi những thỏa thuận chính trị, không chờ đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Thế giới mong mỏi Mỹ đứng lên gánh vác thách thức to lớn này bằng sự lãnh đạo có trách nhiệm và có nguyên tắc.

Niềm hi vọng lớn đòi hỏi những trái tim lớn.

Đó là tiếng nói của cử tri Mỹ, là tín nhiệm họ đặt nơi lá phiếu bầu Tổng thống.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới