Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi mới cần “giáo dục”?

Ai mới cần “giáo dục”?

Lực lượng chấp pháp Trung Quốc lại có một hành động phi pháp, côn đồ trên Biển Đông. Đó là việc vô cớ bắt giữ 10 ngư dân Việt Nam đang đánh cá tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Thế nhưng khi phía Việt Nam phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải thả ngay những người đang bị giam giữ, thì đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Việt Nam cần “giáo dục” và quản lý công dân nghiêm túc hơn, để họ không hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh nói thuộc chủ quyền của mình (!). Thật là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Vào ngày 31/10, trong buổi họp báo thường kỳ, ông Đoàn Khắc Việt, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ông Việt yêu cầu Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho tất cả các ngư dân cùng tàu cá bị “giam giữ bất hợp pháp”.

Theo quan điểm nhất quán của Hà Nội, Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với quần đảo này và các vùng nước phụ cận. Vì vậy, mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đều là hành động vi phạm Luật pháp quốc tế.

Hà Nội đã kiên trì và liên tục trao đổi, đồng thời phản đối các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lặp lại hành động sai trái này nhiều lần. Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng, ngày 29/9, tại vùng biển này cũng đã xảy ra vụ tấn công ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam, khi đang đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa. Khoảng 40 nhân viên tàu công vụ Trung Quốc đã tấn công một tàu cá Việt Nam hoạt động gần đảo Chim Én, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm, khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa. Có tới 10 thủy thủ đã bị đánh đập, trong đó có 4 người bị thương nặng. Trung Quốc đã tịch thu khoảng 4 tấn cá trên tàu và toàn bộ trang thiết bị. Thế nhưng, khi Việt Nam lên tiếng phản đối, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tỉnh bơ rằng, các hoạt động của họ tại khu vực này “mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế”.

Các vụ đánh đập và bắt giữ trái phép ngư dân Việt Nam của lực lượng chấp pháp Trung Quốc đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cao cấp hai nước về kiềm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.

Theo quan sát và bình luận của các nhà nghiên cứu Biển Đông, đây là hành động cố tình “gây bão” của phía Trung Quốc, trong lúc lãnh đạo hai nước đang cố gắng giữ cho trời yên biển lặng. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Việt Nam hồi tháng 10, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông. Trước đó Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thống nhất “nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng” trên biển.

Theo nhà nghiên cứu Raymond Powell – người sáng lập kiêm giám đốc dự án minh bạch hàng hải SeaLight – “việc khẳng định các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ngày càng trở nên bạo lực”. Các tàu chấp pháp của Trung Quốc trên thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, họ “lấy thịt đè người”, tự cho mình cái quyền sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng.

Không riêng Việt Nam, thời gian qua, Trung Quốc gây căng thẳng, xung đột trên biển với hầu hết các nước láng giềng trong khu vực. Chẳng hạn, họ ngăn cản việc tiếp tế của tàu Philippines ở Bãi cạn Scaborough; gây khó khăn cho hoạt động khai thác năng lượng của Indonesia; phản đối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia. Tức là “cãi nhau” và hù dọa với tất cả láng giềng, trong khi vẫn luôn tuyên bố đang tích cực đóng góp vào việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mà thật ra họ cố tình dây dưa.

Dây dưa để nhằm tìm cách chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình trên 80% diện tích biển Đông, mặc dù đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở The Lahaye ra phán quyết bác bỏ. Tại các diễn đàn quốc tế, nhiều nguyên thủ bày tỏ lo ngại về các hoạt động “ngày càng nguy hiểm và phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trao đổi với các nhà lãnh đạo Hà Nội, các nước đều bày tỏ, cam kết tiếp tục duy trì quyền tự do hàng hải trên tuyến hải lộ thương mại quan trọng này.

Tất cả đã rõ ràng, minh bạch. Nhưng Bắc Kinh xưa nay vẫn thế. Họ bắt người nước ngoài vô cớ nhưng vẫn đe sẽ tiếp tục có thái độ cứng rắn và yêu cầu người lương thiện bị bắt cần được… giáo dục.

Người cần được giáo dục nhất chính là lực lượng chấp pháp Trung Quốc trên Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới