Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên - nhân tố thay đổi thế trận ở Ukraine

Triều Tiên – nhân tố thay đổi thế trận ở Ukraine

Phương án triển khai quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ của mình đã giúp Nga chuyển dịch dần từ thế trận đang giằng co sang giành lại cân bằng từng phần ở cả hậu phương lẫn tiền tuyến.

Chuỗi thông tin về sự xuất hiện của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ Nga gần đây cho thấy chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đang triển khai một chiến thuật táo bạo nhằm khắc chế toàn diện “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong bối cảnh Ukraine tấn công vùng Kursk kể từ tháng 8-2024 và uy hiếp trực tiếp thủ đô Matxcơva (cách vùng Kursk chưa đến 550km), phương án triển khai quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ của mình đã giúp Nga chuyển dịch dần từ thế trận đang giằng co sang giành lại cân bằng từng phần ở cả hậu phương lẫn tiền tuyến.


Thay đổi thế trận

Đầu tiên là phương diện củng cố lực lượng ở hậu phương khi quân đội Triều Tiên được ghi nhận đã bắt đầu tham gia huấn luyện ở một loạt các cơ sở quân sự thuộc vùng Primorsky, vùng Khabarovsk và tỉnh Amur thuộc khu vực Viễn Đông của Nga kể từ đầu tháng 10-2024.

Sự hiện diện này được giới chuyên gia đánh giá như một “nước cờ” cao tay khi vừa giúp nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Triều Tiên, vừa giúp Nga giảm thiểu quan ngại về sự thiếu hụt lực lượng khi vừa phải huy động hơn 50.000 quân ở nhiều khu vực khác nhau đến chi viện cho chiến trường Kursk.

Tiếp theo là phương diện điều hướng nhằm phân tản lực lượng của Ukraine ở tiền tuyến khi có nguồn tin cảnh báo rằng quân đội Triều Tiên đang trú đóng trong các doanh trại tạm thời ở Nga cách biên giới Ukraine từ 40 đến 65km.

Các báo cáo từ Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) và Tổng cục Tình báo quân sự Ukraine (GUR) đều cùng cáo buộc Triều Tiên đang triển khai 4 lữ đoàn với tổng số 12.000 quân đến Nga theo lộ trình đến đầu tháng 11-2024. Từ đó tạo nên viễn cảnh mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định rằng gần 8.000 quân Triều Tiên sẽ tham chiến cùng với 50.000 quân Nga ở vùng Kursk để giữ được lợi thế cản phá hiệu quả mũi tấn công của 30.000 quân Ukraine đang triển khai ở đây.

Mặc dù giới phân tích quân sự cho rằng phía Nga phải huy động thêm gấp đôi 50.000 quân hiện tại để có thể thực sự đẩy lùi lực lượng AFU ở Kursk, nhưng viễn cảnh nói trên cũng đủ để chặn đà tiến công sâu hơn từ Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Tiếp tục “rút củi đáy nồi”

Thêm vào đó quyết định “hạ thấp ngưỡng” cho phép tấn công đáp trả trong học thuyết hạt nhân của Nga được Tổng thống Putin công bố trước Hội đồng An ninh quốc gia Nga vào cuối tháng 9 vừa qua đang phát huy tác dụng răn đe hiệu quả khi các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu của Ukraine về viện trợ vũ khí tấn công tầm xa.

Sự răn đe này trên thực tế còn được tăng cấp bởi tuyên bố “sẵn sàng” sử dụng vũ khí hạt nhân từ cả Tổng thống Belarus Lukashenko và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Do đó ngay cả Hàn Quốc – quốc gia lên án mạnh mẽ sự triển khai quân đội Triều Tiên nói trên – cũng khẳng định sẽ không trực tiếp cung cấp đạn pháo 155mm như yêu cầu của ông Zelensky, mà chỉ hợp tác tăng cường về chia sẻ thông tin tình báo với phía Ukraine.

Phía Nga cũng đang gia tăng sức ép đến cả các quốc gia có lập trường “nước đôi” như Thổ Nhĩ Kỳ khi vừa đề nghị làm trung gian hòa giải, vừa tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhằm triệt để cắt giảm nguồn khí tài viện trợ cho chính quyền ông Zelensky.

Đứng trước thực trạng cùng lúc bị phân tản lực lượng và phong tỏa dần viện trợ, Ukraine cũng đang dần có những bước chuyển dịch từ lập trường đối đầu cứng rắn sang xu hướng để ngỏ giải pháp đối thoại đáp ứng tình hình mới.

Với diễn ngôn miêu tả sự tham gia của Triều Tiên đang tạo nên “một cuộc chiến hai chọi một”, ông Zelensky vẫn đang công khai một cách quyết đoán các nỗ lực thúc giục tất cả đối tác phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự, đặc biệt là tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên ở một phương diện khác âm thầm hơn, Ukraine tuyên bố sẵn sàng nối lại các hoạt động đối thoại về trao đổi tù binh với Nga từ ngày 3-11. Trước đó, đích thân ông Zelensky cũng đã thay đổi lập trường từ chỉ trích chuyển sang tiếp thu các sáng kiến hòa bình từ Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và các quốc gia khác để tích hợp vào công thức hòa bình của Ukraine.

Tuy vẫn còn ở rất xa so với lập trường “không nhân nhượng” của Nga, nhưng vẫn có thể xem đây là những chỉ dấu đáng ghi nhận khi chính Ngoại trưởng Nga Lavrov từng khẳng định các sáng kiến hòa bình của Trung Quốc và Brazil có “những ý tưởng đúng đắn”.

Nhìn chung động thái triển khai quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ của Nga tuy không được cả hai nước này thừa nhận công khai nhưng đã tạo ra được những chuyển biến đáng kể cả trên thực địa lẫn mặt trận ngoại giao.

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine đang đi vào giai đoạn “kiệt sức”, nhân tố Triều Tiên dường như đang kiến tạo hiệu quả một “đòn bẩy” đáng ghi nhận nhằm từng bước thúc đẩy trở lại xu hướng đối thoại khả thi giữa Nga và Ukraine.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới