Wednesday, January 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLính Triều Tiên tới Nga, nguy cơ quốc tế hóa xung đột...

Lính Triều Tiên tới Nga, nguy cơ quốc tế hóa xung đột Nga – Ukraine?

Sự xuất hiện của lính Triều Tiên ở Nga, nếu đúng, được xem là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, thể hiện sự leo thang lên một tầm mức mới trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đến nay.

Trong tuyên bố ngày 3-11, ông Stephane Dujarric – người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres – nhấn mạnh ông Guterres “rất quan ngại” trước các báo cáo cho biết quân đội Triều Tiên hiện đang ở Nga.

Tuyên bố viết: “Điều này sẽ thể hiện sự leo thang rất nguy hiểm của cuộc chiến ở Ukraine. Mọi việc phải được thực hiện để tránh bất kỳ hành động quốc tế hóa nào đối với cuộc xung đột này”.
Leo thang nguy hiểm

Ngôn từ của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres nhấn mạnh vào hai khái niệm chính đối với vai trò ngày càng tăng của Triều Tiên trong cuộc chiến Nga – Ukraine là “sự leo thang nguy hiểm” và “quốc tế hóa” cuộc xung đột tại Ukraine.

Quả thật sự xuất hiện của binh lính Triều Tiên, nếu đúng như vậy, được xem là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, thể hiện sự leo thang lên một tầm mức mới trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai đến nay.

Phát biểu tại tổng hành dinh ở Brussels hôm 28-10, người đứng đầu Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte gọi động thái này là “sự leo thang đáng kể” trong cuộc chiến Ukraine.

Cho đến nay, các quốc gia phương Tây vẫn đang cố gắng kiềm chế chính thức đưa quân hỗ trợ cho Ukraine với e ngại leo thang chiến tranh và mở rộng cuộc xung đột. Khối NATO, bất chấp những bất đồng nội bộ bên trong về cách xử lý xung đột Ukraine, cho đến nay đã từ chối với bất kỳ đề xuất nào có thể mở rộng cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine, cuộc chiến tranh trên bộ được coi là lớn nhất ở châu Âu kể từ nửa sau thế kỷ 20 sang các nước khác.

Tuy nhiên nếu binh lính Triều Tiên xuất hiện trong những ngày tới ở khu vực chiến sự Ukraine thì lằn ranh đỏ đã bị vượt qua khi đây không chỉ là cuộc xung đột đẫm máu giữa binh lính Nga và Ukraine, mà còn của bên thứ ba.

Các quốc gia khác ủng hộ một trong hai bên có thể gửi quân tham chiến, giống như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề xuất. Trong trường hợp xấu nhất, nó có nguy cơ biến một cuộc chiến ở châu Âu thành một cuộc xung đột toàn cầu bao trùm khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và tiếp đó có thể là một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3.
Hàn Quốc có thể bị lôi kéo

Trong khi chờ đợi phản ứng mạnh mẽ hơn của NATO, việc Triều Tiên triển khai quân chiến đấu để hỗ trợ Tổng thống Nga Vladimir Putin có nguy cơ lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc xung đột.

Trước đây, Seoul cố gắng tránh liên quan sâu vào cuộc xung đột Ukraine bằng cách chỉ giới hạn viện trợ nhân đạo cho Kiev và được cho là miễn cưỡng bán cho Mỹ 1 triệu quả đạn pháo để chuyển tiếp cho Ukraine. Tuy nhiên một sự chuyển dịch chính sách của Hàn Quốc đã diễn ra.

Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia vào tuần trước, các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc đã mô tả sự ủng hộ của Triều Tiên đối với nỗ lực chiến tranh của Nga là “mối đe dọa an ninh nghiêm trọng” và tuyên bố sẽ can thiệp vào Ukraine để đáp trả.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng mạnh mẽ phát biểu trong một cuộc họp báo: “Nếu Triều Tiên cử lực lượng đặc biệt tới cuộc chiến Ukraine như một phần của hợp tác Nga – Triều, chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine theo từng giai đoạn, đồng thời xem xét và thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trên bán đảo Triều Tiên”.

Mặc dù các quan chức phương Tây và cả tổng thư ký Liên Hiệp Quốc coi các động thái của quân đội Triều Tiên ở Nga là một sự leo thang đáng lo ngại nhưng một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 vẫn chưa dễ xuất hiện.

Ngoài phản ứng của nhân tố Mỹ, vẫn còn nhiều bí ẩn cho đến khi chúng ta biết được tổng thống mới là ai, thì một nhân tố khác có thể thay đổi cán cân sức mạnh nếu thật sự tham chiến đó chính là Trung Quốc. Bắc Kinh cho đến nay vẫn giữ im lặng. Do đó, việc quốc tế hóa cuộc xung đột Ukraine trong giai đoạn tới có lẽ vẫn dừng ở Triều Tiên.

James Rogers, giám đốc nghiên cứu của Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại Anh, cho biết: “Việc Nga huấn luyện và triển khai quân đội Triều Tiên ở Ukraine đánh dấu một giai đoạn quan trọng khác trong cuộc xung đột nhưng nó sẽ không gây ra một cuộc chiến tranh toàn cầu rộng lớn hơn”.

Lo lắng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres có cơ sở nhưng các nhà lãnh đạo của các cường quốc cũng muốn kiểm soát cuộc xung đột này. Cuộc chiến ở Ukraine có lẽ là quá đủ cho thế giới này trong nửa đầu thế kỷ 21.
Chờ bầu cử Mỹ!

Có lẽ quốc gia mà Ukraine trông chờ phản ứng nhất là Mỹ thì nơi này lại đang “nín thở” cho ngày bầu cử tổng thống 5-11. Nó cũng là lời nhắc nhở các đồng minh NATO ở châu Âu về tính rủi ro cao của bầu cử tổng thống Mỹ khi các ứng cử viên tranh cãi về cách Mỹ ứng phó với khủng hoảng Ukraine.

Phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gắn kết với các đồng minh. Còn cựu tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, đã ra tín hiệu rằng ông muốn chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, có thể bao gồm việc buộc Ukraine phải chấp nhận nhượng bộ về lãnh thổ.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới