Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBán đảo Triều Tiên 'nóng' vì đã phóng một loạt tên lửa...

Bán đảo Triều Tiên ‘nóng’ vì đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo

Ngày 5-11, chỉ vài giờ trước khi người dân Mỹ bắt đầu chính thức đi bỏ phiếu bầu tổng thống, Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo. Đây dường như là bước đi có tính toán.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai của Bình Nhưỡng trong chưa đầy một tuần. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) phát hiện các tên lửa được phóng vào khoảng 7h30 sáng 5-11 (giờ địa phương) từ khu vực Sariwon thuộc tỉnh Hwanghae Bắc của Triều Tiên và bắn về phía vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.


Lý do liên tục phóng tên lửa

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phát hiện vụ phóng trên. Họ thông tin ít nhất bảy tên lửa tầm ngắn đã bay qua 400km với độ cao lên tới khoảng 100km sau khi được phóng từ phía tây Triều Tiên. Các tên lửa rơi xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nói “các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên tục của Triều Tiên đe dọa đến hòa bình và an ninh của đất nước chúng tôi”. Động thái trên diễn ra năm ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới có tên Hwasong-19 vào hôm 31-10. Về lý thuyết, ICBM này có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Phản ứng với vụ phóng ICBM của Triều Tiên tuần trước, hôm 3-11 Mỹ, Hàn Quốc và Nhật đã tổ chức tập trận không quân chung trên vùng biển phía đông đảo Jeju của Hàn Quốc. Cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay ném bom B-1B từ Mỹ, tiêm kích F-15K và KF-16 của Hàn Quốc và máy bay F-2 của Nhật Bản. Những cuộc tập trận chung như thế khiến Triều Tiên nổi giận vì họ coi đó là việc diễn tập xâm lược.

“Nếu ICBM là nhắm đến Mỹ thì các tên lửa đạn đạo mới nhất là nhắm đến Hàn Quốc” – ông Yang Moo Jin, hiệu trưởng Trường đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, bình luận. Ông giải thích thêm: “Vụ phóng mới nhất là để phản đối trực tiếp cuộc tập trận không quân chung của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản và gián tiếp là để cho thấy sự hiện diện của họ vào phút chót trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”.

Nhà phân tích Han Kwon Hee tại Hiệp hội Nghiên cứu công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc cũng cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng là “phản ứng trực tiếp đối với cuộc tập trận trên không ba bên diễn ra cuối tuần qua”.

“Với loạt tên lửa tầm ngắn này, Triều Tiên đang ám chỉ rằng họ không chỉ có tên lửa tầm xa có thể vươn tới Mỹ mà còn có tên lửa tầm ngắn có thể nhắm tới mọi căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản” – ông Han nói.

Bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã chỉ trích cuộc tập trận ba bên nói trên khi cho rằng hoạt động này thể hiện “bản chất hung hăng nguy hiểm và thù địch nhất của kẻ thù”.

Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun lưu ý Triều Tiên “sẽ muốn phóng đại sự tồn tại của họ vào thời điểm xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cả trước và sau bầu cử” bằng cách phô trương sức mạnh như phóng tên lửa xuyên lục địa hoặc thử hạt nhân.

Đánh lạc hướng?

Những ngày gần đây Triều Tiên không chỉ gây chú ý với các vụ thử vũ khí mà còn vì thông tin đưa quân tới hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chuyên gia Yang Moo Jin cho rằng Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa như vậy còn nhằm đánh lạc hướng sự chú ý, khiến cộng đồng quốc tế không còn tập trung chỉ trích việc Bình Nhưỡng điều binh lính tới Nga.

Trong thông tin cập nhật hôm 5-11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha Gyu cho biết: “Hơn 10.000 lính Triều Tiên đang có mặt ở Nga và chúng tôi đánh giá rằng một phần đáng kể trong số này hiện được triển khai đến các khu vực tiền tuyến, gồm cả vùng Kursk (Nga)”.

Thông tin từ Hàn Quốc được đưa ra vài giờ sau khi Lầu Năm Góc nói rằng có ít nhất 10.000 lính Triều Tiên đang ở vùng Kursk của Nga, gần biên giới Ukraine nhưng họ không thể xác nhận các báo cáo cho biết lính Triều Tiên đã tham chiến. Về phía Seoul, ông Jeon không có thông tin khi được hỏi liệu lính Triều Tiên có tham chiến hay chưa.

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha (Hàn Quốc), nhận định với các cuộc thử nghiệm vũ khí gần đây, “Bình Nhưỡng đang muốn cho thấy rằng việc đóng góp vũ khí và binh sĩ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine không làm giảm các hoạt động quân sự ở gần Triều Tiên hơn”.


Nga gửi thông điệp tới Hàn Quốc

Hàn Quốc đang xem xét có nên gửi vũ khí trực tiếp cho Ukraine hay không để phản ứng với vụ Triều Tiên hỗ trợ Nga. Hôm 4-11, Hãng tin Tass dẫn lời Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Anna Yevstigneeva cho biết Nga kêu gọi Hàn Quốc tránh nối gót Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine và “không đi vào con đường cực kỳ nguy hiểm này, vốn chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cho Seoul”.

Bà Anna nói thêm Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên hoàn toàn tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và được kỳ vọng đóng vai trò đảm bảo ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới