Thursday, November 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNước Mỹ đã trao cho ông Trump “một nhiệm vụ chưa từng...

Nước Mỹ đã trao cho ông Trump “một nhiệm vụ chưa từng có”!

Nửa đêm ngày 5/11 theo giờ Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 tại xứ Cờ Hoa đã ngã ngũ. Ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa, Cựu Tổng thống Mỹ thứ 47 giành chiến thắng.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, ông Trump đã giành số phiếu đại cử tri vượt ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết theo luật định. Đương nhiên người thua cuộc là ứng cử viên Kamala Harris bên phía Đảng Dân chủ. Chiến thắng quyết định diễn ra tại bang chiến địa Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri. Đây là nhiệm kỳ thứ hai ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.

Trong ngày bầu cử 5/11, ông Trump đã có màn thể hiện xuất sắc với hàng loạt chiến thắng vang dội tại tất cả 7 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Wisconsin và Pennsylvania. Ứng cử viên này đã giành trọn 93 phiếu đại cử tri tại những bang nói trên.

Ngay sau khi kết quả (chưa chính thức) được công bố, ông Trump đã có bài Diễn văn ăn mừng trước đông đảo người ủng hộ tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida. Xuất hiện trên sân khấu cùng gia đình, lãnh đạo đảng Cộng hòa và người đồng hành tranh cử – ứng viên phó tổng thống, Thượng nghị sĩ JD Vance, ông Trump tuyên bố: “Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ chưa từng có và mạnh mẽ !”.

Vậy bao giờ mới có kết quả bầu cử chính thức? Theo dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm Tổng thống, kế nhiệm ông Joe Biden. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025. Người Mỹ nói: Ông già 78 tuổi đã ngồi vào ghế thay thế ông già 81 tuổi. Thật tiếc cho thế hệ trẻ nước Mỹ. Các Đảng Dân chủ và Cộng hòa tự vấn điều gì qua ván cờ lớn này, một ván cờ tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới cả bàn cờ địa chính trị thế giới.

Những ồn ào về lai lịch, tư cách, trình độ các ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris rồi cũng qua đi.Những vụ ám sát hụt ông Trump rúng động nước Mỹ, những tin giả gây nên bao rắc rối, phiền toái rồi cũng rơi vào quên lãng. Cuối cùng nước Mỹ đã chọn được một Tổng thống, mà không còn cách lựa chọn nào hay hơn. Tôn trọng dân chủ Mỹ, một số nhà trí thức nói, có lẽ họ phải tạm đi nghiên cứu, làm ăn xa ở ngoài biên giới nước Mỹ 4 năm, bao giờ hết nhiệm kỳ của ông chủ Nhà trắng Donald Trump thì về (!).

Ý kiến khác nhau thế, quan điểm xa nhau thế cho nên cuộc bầu cử Tổng thống khiến cho hàng vạn cử tri hồi hộp, theo dõi tỉ số sít sao giữa hai ứng cử viên. Thôi thì Dân chủ hay Cộng hòa thắng cũng được nhưng phải vì nước Mỹ vĩ đại, cường thịnh, “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”; phải là trụ cột chính trong Liên hợp quốc, trong khối NATO.

Bây giờ thì không chỉ người Mỹ mà cả thế giới quan tâm, rằng khi trở thành Tổng thống ông Donald Trump có nhớ thực hiện những điều đã hứa. Chẳng hạn, ông tuyên bố sẽ kết thúc cuộc xung đột Nga-Ukraine “trong vòng 24 giờ” sau khi đắc cử, bằng cách thuyết phục Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelenski ngồi vào bàn đàm phán.

Khi tranh cử, ông Trump không giải thích rõ sẽ thực hiện tuyên bố này bằng cách nào, nhưng ông nhiều lần “gợi ý”: Ukraine cần sẵn sàng nhượng bộ một số yêu cầu để đạt được thỏa thuận hòa bình. Ông nêu câu hỏi, tại sao Mỹ lại phải chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Ukraine? Các đồng minh châu Âu đi đâu cả rồi?

Một vấn đề cực nóng khác là, làm thế nào dập tắt lò lửa chiến tranh Trung Đông? Về cuộc xung đột Israel – Hamas, ông Trump nói rằng, nếu ông là chủ nhân Nhà Trắng, vụ tấn công ngày 7/10/2023 (những kẻ khủng bố Hamas đã tiến hành cuộc tấn công chết chóc nhất vào người Do Thái -Israel) đã không diễn ra. Nói mạnh như thế nhưng chả hiểu ông Trump có cách gì, mà chỉ nói chung chung: Israel cần “làm tốt hơn quan hệ công chúng”, sớm “giải quyết nhanh chóng” vấn đề. Một lần, trong cuộc tranh luận vào tháng 9/2024, ông không trả lời câu hỏi, rằng ông có ủng hộ việc “thành lập một nhà nước Palestine” hay không? Thực chất, đây là giải pháp quyết định nhất để hóa giải cuộc chiến thế kỷ giữa Israel và Pakistan.

Về kinh tế, ông Trump kêu gọi áp dụng các mức thuế mạnh lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu. Ông coi đây là “biện pháp kích thích đầu tư vào Mỹ”. Trump lập luận rằng, hệ thống thương mại quốc tế hiện nay đang thiên lệch chống lại lợi ích của Mỹ và hứa sẽ tái cân bằng nếu ông tái đắc cử. Xin quý vị nhớ lại, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp đặt thuế 25% đối với hàng trăm tỷ USD thương mại Mỹ-Trung.

Theo phân tích của Bloomberg Economics, nếu Trump trở thành Tổng thống và thực hiện các mức thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với các nước khác thì sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc thương mại toàn cầu. Khi đó, tỷ lệ thương mại hàng hóa của Mỹ trong thị trường toàn cầu có thể giảm mạnh xuống còn 9% vào năm 2028, so với mức 21% hiện tại. Đây là một bài toán cân não đối với các đối tác, nhất là Trung Quốc, khi làm ăn với Mỹ.

Giải quyết vấn đề người nhập cư cũng được Donald Trum “làm cái rẹt”. Ông nói, sẽ trục xuất hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ; sẽ xây dựng các cơ sở để giam giữ những người nhập cư trái phép; sẽ áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với những hình thức nhập cư hợp pháp như xin tị nạn.

Không đơn giản như thế. Kế hoạch này của ông Trump có thể gây ra tổn thất về kinh tế. Giảm dòng người nhập cư mới xuống gần bằng 0 và trục xuất những người đã đến từ năm 2020 sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 3% vào năm 2028. Tổng kiều hối về các quốc gia như El Salvador, Guatemala và Honduras – đây là những các quốc gia phụ thuộc vào tiền kiều hối mà người dân họ gửi về từ Mỹ – sẽ sụt giảm đáng kể.

Một điểm nóng nữa là bán đảo Triều Tiên. Tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng đang nhận được những phản ứng rất khác nhau của các cường quốc và các đồng minh. Trong giới lãnh đạo chóp bu của Mỹ cũng mỗi người một phách. Hồi tháng 6/2024, Donald Trump yêu cầu Bình Nhưỡng phải bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa “rất nhanh”. Theo đó, “nhiều người” sẽ được cử đến Triều Tiên để kiểm chứng. Vậy nhưng sau đó ông Trump lại “quên”. Ông bảo “Không cần vội vàng” về chuyện phi hạt nhân hóa. Thế nhưng ông vẫn tuyên bố, kiên quyết duy trì “trừng phạt Triều Tiên”. Bình Nhưỡng không nên mong đợi sớm được nới lỏng trừng phạt.

Thật là rối như canh hẹ. Ông nhầm lẫn do tuổi tác hay nhầm lẫn có ý thức? Chỉ mong khi nào trở thành Tổng thống chính thức của Hoa Kỳ, ông Donald Trump nói năng nhất quán. Ngày nay Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại, đưa ra chiến lược toàn cầu mới, mưu toan thâu tóm toàn bộ thế giới vào “kỷ nguyên hòa bình Mỹ”, biến thế kỷ 21 trở thành “Thế kỷ Mỹ”. Bởi thế, ngài Tổng thống chớ nên “đùa dai”!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới