Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCó còn lời hứa chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ...

Có còn lời hứa chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ của ông Trump?

Trong bối cảnh chiến tranh ngày càng leo thang, liệu ông Trump có thể đạt được hòa bình ở Ukraine trong 24 giờ như tuyên bố hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn, và với nhiều người, đây có thể chỉ là một phần trong chiến lược tranh cử của ông.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 7-2023, ông Trump cho biết: “Tôi sẽ nói với Zelensky rằng: ‘Không còn cách nào khác. Anh phải đạt được một thỏa thuận’. Và tôi sẽ nói với Putin rằng: ‘Nếu không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ viện trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine'”.

Ông Trump khẳng định chắc nịch: “Tôi sẽ hoàn thành thỏa thuận chỉ trong một ngày”.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ tại Kiev đã bác bỏ tuyên bố của ông, cho rằng chỉ là “lời hùng biện trong mùa bầu cử”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi ông Trump cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch hòa bình.


Kế hoạch hòa bình của ông Trump

Mặc dù ông Trump không tiết lộ chi tiết nhưng nhiều báo cáo trong năm qua đã gợi ý rằng kế hoạch của tổng thống đắc cử Mỹ có thể bao gồm việc yêu cầu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Vào tháng 4, tờ Washington Post đưa tin rằng ông Trump có ý định gây áp lực lên Ukraine để họ từ bỏ bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014, và vùng Donbass ở phía đông.

Một nguồn tin nói với Washington Post rằng ông Trump tin cả Matxcơva và Kiev “đều muốn giữ thể diện, họ muốn có một lối thoát”.

Đến tháng 6, hai cố vấn cấp cao của ông Trump đưa ra kế hoạch yêu cầu Ukraine đàm phán hòa bình với Nga, nếu không Mỹ sẽ ngừng viện trợ quân sự.

Kế hoạch này đề xuất lệnh ngừng bắn, giữ nguyên tình trạng hiện tại trên chiến trường. Cố vấn của ông Trump còn nhấn mạnh rằng nếu Nga từ chối, Mỹ sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Vào tháng 7, tờ Politico đưa tin ông Trump đang cân nhắc thỏa thuận với Nga nhằm ngăn chặn Ukraine và Georgia gia nhập NATO, một động thái mà ông cho rằng có thể giúp hạ nhiệt xung đột.

Mới đây nhất, theo Financial Times, bộ sậu của ông Trump đã thảo luận về ý tưởng thiết lập các khu vực tự trị tạm thời ở các vùng do Nga kiểm soát của các tỉnh Donetsk và Lugansk.
Quan điểm của Ukraine

Tổng thống Zelensky cùng các quan chức Ukraine đã kịch liệt phản đối bất kỳ kế hoạch ngừng bắn nào dẫn đến việc hợp pháp hóa các lợi ích lãnh thổ mà Nga đạt được trên chiến trường.

“Khi Putin mạnh lên, ông ta có thể đặt ra những điều kiện như công nhận các vùng đất chiếm đóng, từ bỏ NATO và cả quá trình hội nhập châu Âu”, ông Zelensky phát biểu vào tháng 6.

Ukraine kiên quyết không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ, đặc biệt sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào năm 2014 và bốn vùng lãnh thổ khác vào năm 2022.

Đại biểu Quốc hội Ukraine, ông Oleksandr Merezhko, cho rằng các kế hoạch của ông Trump ít tính khả thi.

“Trump sẽ thất vọng khi nhận ra rằng Putin không sẵn sàng thỏa hiệp, và Ukraine sẽ không bao giờ đồng ý nhượng lãnh thổ”, ông Merezhko nói với tờ Kyiv Independent.
Quan điểm của Nga

Mặc dù ông Trump từng khẳng định có quan hệ tốt với ông Putin, nhưng Điện Kremlin vẫn nghi ngờ khả năng chấm dứt chiến tranh nhanh chóng của tổng thống đắc cử Mỹ.

Vào tháng 6, ông Putin đã đề xuất rằng quân đội Ukraine phải rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát để có thể tiến hành đàm phán hòa bình. Ông cũng yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, một điều kiện mà ông Zelensky ngay lập tức bác bỏ.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, đã cảnh báo về tính khả thi của những tuyên bố của ông Trump.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng khẳng định: “Chúng ta cần thực tế khi đánh giá những tuyên bố của Trump về đàm phán hòa bình”.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới