Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Giờ G” cho cuộc chiến thương mại

“Giờ G” cho cuộc chiến thương mại

“Giờ G” trong trường hợp này, là thời điểm ông Donald Trump phát lệnh khởi động lại cuộc chiến thương mại nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, khi trở lại vị trí tổng thống Mỹ ngày 20/1/2025.

Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang sẽ tổn hại tăng trưởng toàn cầu

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những vấn đề phức tạp nhất của thương mại quốc tế hiện đại. Trong nhiệm kỳ đầu của mình (2017-2021), ông Trump đã tung tới tấp các đòn thuế quan và chính sách bảo hộ thương mại với các mục tiêu rõ ràng: giảm thâm hụt thương mại; bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ; ngăn chặn các hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng, như đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ… Ông Trump đã đưa ra các biện pháp thuế quan nặng đối với hàng hóa Trung Quốc, lên tới 25% trên hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu…

Các biện pháp này có tác động kép. Một mặt, chúng tạo áp lực lớn lên nền kinh tế Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng mới ngoài Mỹ. Mặt khác, nó cũng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, khi chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa tăng lên. Theo các báo cáo, cuộc chiến thương mại đã khiến nền kinh tế Mỹ mất đi hàng trăm nghìn việc làm, và các ngành nông nghiệp, sản xuất cũng phải chịu tổn thất lớn…

Là một “kỳ phùng địch thủ”, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả các đòn trừng phạt thương mại và công nghệ từ Mỹ, chủ yếu trong hai lĩnh vực công nghệ cao và nguyên liệu sản xuất. Các động thái của Trung Quốc bao gồm kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, nhất là đất hiếm vốn có vai trò thiết yếu trong sản xuất thiết bị quân sự, bán dẫn và công nghệ năng lượng xanh. Điều này làm tăng giá và gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng đến hai nước mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn, khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt nguyên vật liệu và sự gia tăng giá thành sản xuất.

Cái được duy nhất cho các quốc gia trong cuộc chiến này, là bài học: trong thế giới bất ổn, phụ thuộc quá lớn vào một nguồn cung ứng duy nhất, đặc biệt là từ Trung Quốc, đồng nghĩa có thể đối mặt với những rủi ro lớn.

Để đối phó, các công ty đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung ứng mới, một xu hướng gọi là “đa dạng hóa chuỗi cung ứng”. Đối với Mỹ, điều này có nghĩa là giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và phát triển các quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Tuy nhiên, quá trình này tốn kém, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Vì vậy, ông Trump trở lại Nhà Trắng và thực thi các chính sách áp thuế tới 60% với hàng hóa Trung Quốc – như ông tuyên bố trong vận động tranh cử – có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ và người tiêu dùng phải đối mặt với giá thành hàng hóa cao hơn, trước hết là các mặt hàng điện tử và công nghệ mà Trung Quốc chiếm ưu thế.

Ngoài ra, là một người cực đoan, động thái khắc nghiệt mà ông Trump có thể đưa ra, là buộc các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc di dời nhà máy về Mỹ hoặc tìm các quốc gia khác để sản xuất. Dù điều này có thể tạo việc làm mới trong ngắn hạn tại Mỹ, nhưng sẽ gây ra chi phí lớn cho các công ty, và có thể dẫn đến việc giá thành sản phẩm tăng cao đẩy người tiêu dụng Mỹ vào tỉnh cảnh “thiệt đơn thiệt kép”…

Nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có mối quan hệ thương mại phức tạp, vừa cạnh tranh vừa liên kết chặt chẽ. Việc tách rời kinh tế giữa hai nước sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp mà còn gây ra sự bất ổn trong thị trường tài chính quốc tế. Các quốc gia khác, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi, cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Ví dụ, nhiều quốc gia phụ thuộc vào linh kiện sản xuất từ Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm của họ, hoặc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và Trung Quốc. Việc tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại có thể khiến các nước phải tăng chi phí sản xuất hoặc tìm kiếm các thị trường khác, làm giảm khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế…

Đó là lý do khiến các chính sách bảo hộ thương mại, dù là nhằm vào Trung Quốc, của ông Trump gặp phải phản ứng ngay cả từ các đồng minh.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ leo thang nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng – đó là một dự đoán có cơ sở, căn cứ vào những gì ông Trump đã làm, và đã tuyên bố.

Thời điểm này, khi ông Trump đã bước vào “thềm Nhà Trắng”, cử tri Mỹ đang chờ đợi để sát hạch xem ông sẽ thực thi lời cam kết của mình như thế nào; chọn lời giải nào cho bài toán thương mại Mỹ-Trung, khi đây là một bài toán khó, đòi hỏi các biện pháp vừa cân bằng vừa hợp tác để tránh các hậu quả tiêu cực cho toàn bộ hệ thống kinh tế.

Đừng tưởng với tính khí khó lường, điều hành đất nước như điều hành một doanh nghiệp, ông Trump sẽ hấp tấp tung trở lại các đòn thương mại từng khiến Trung Quốc đau đớn. Những bài học trong nhiệm kỳ trước hẳn sẽ được người đàn ông nóng tính này nhớ lại và cân nhắc để có những động thái thận trọng hơn.

Tuy nhiên, gì thì gì, sau lễ nhậm chức tổng thống chính thức ngày 20/1/2025 tới đây, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không thể cầm chừng như mấy năm vừa qua trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, là cái chắc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới