Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiJ-35A không “tàng hình” nữa

J-35A không “tàng hình” nữa

Không “tàng hình” nữa hàm ý, thay vì những thông tin ít ỏi, úp mở lâu nay, máy bay tàng hình J-35A đã chính thức lộ diện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024, diễn ra từ ngày 12 đến 17/11, tại Quảng Đông, Trung Quốc.

Những hình ảnh đầu tiên về máy bay chiến đấu tàng hình J-35A

Công nghệ tàng hình bắt đầu phát triển vào cuối thế kỷ 20 với việc Mỹ giới thiệu mẫu F-117 Nighthawk trong những năm 1980. Máy bay này có thiết kế góc cạnh và vật liệu hấp thụ radar để giảm thiểu khả năng bị phát hiện. Sau đó, Mỹ tiếp tục phát triển F-22 Raptor và F-35 Lightning II, là các mẫu máy bay tàng hình đa nhiệm thế hệ thứ năm với khả năng thực hiện nhiều loại nhiệm vụ từ không chiến đến tấn công mặt đất.

Các quốc gia khác, như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng lao vào cuộc chạy đua công nghệ tàng hình nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và đối phó với những nguy cơ đến từ các đối thủ tiềm năng, dù gặp nhiều thách thức về công nghệ, tốn kém về tài chính.

Đặc biệt, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, Trung Quốc đã đầu tư lớn và đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển máy bay tàng hình với mẫu J-20 và mới đây là J-35A. J-20 của Trung Quốc đã ra mắt vào năm 2011, đi vào hoạt động từ năm 2017, là máy bay tàng hình thế hệ thứ năm đầu tiên của Trung Quốc. Được thiết kế với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, J-20 có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công tầm xa và đối đầu với các máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ, như F-22 và F-35. Mẫu máy bay này sử dụng động cơ nội địa và hệ thống radar tiên tiến, cho phép Trung Quốc có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong các cuộc đối đầu trên không.

Gân đây, mẫu J-35A là loại máy bay tàng hình đa nhiệm có kích thước trung bình, được kỳ vọng sẽ hoạt động trên tàu sân bay. Các chuyên gia quân sự nhận định, J-35A tương tự như F-35 của Mỹ, với khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ từ không chiến đến tấn công mặt đất. Phiên bản J-35A cho tàu sân bay có thể gấp cánh để tiết kiệm không gian, và đang được thử nghiệm trên các tàu sân bay của Trung Quốc như Liêu Ninh và Sơn Đông. Trung Quốc hy vọng, sự ra đời của J-35A sẽ củng cố khả năng hoạt động của hải quân nước này và tạo ra áp lực quân sự trong khu vực.

Giới quan sát cho rằng: sự phát triển các mẫu máy bay tàng hình của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng triển khai J-35A từ tàu sân bay, có tác động không nhỏ đến tình hình Biển Đông. Biển Đông là khu vực có nhiều tranh chấp lãnh thổ liên quan các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia. Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nếu sử dụng các máy bay tàng hình như J-35A, nước này sẽ củng cố sự hiện diện, đồng thời tăng cường khả năng kiểm soát không phận trong khu vực này.

Với khả năng tàng hình, J-35A có thể tiến hành các nhiệm vụ tuần tra và giám sát mà ít có nguy cơ bị phát hiện, tạo ra lợi thế chiến thuật lớn. Các quốc gia trong khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc giám sát và đối phó với sự hiện diện của J-35A, từ đó có thể dẫn đến tình trạng bất ổn và nguy cơ leo thang căng thẳng. Hơn nữa, với khả năng triển khai J-35A từ các tàu sân bay, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi kiểm soát từ xa để chiếm ưu thế tuyệt đối…

Việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình là một bước tiến chiến lược quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào muốn tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Là một cường quốc, Trung Quốc, với sự thành công của J-20 và J-35A, đã chứng minh tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, những thành tựu này cũng tạo ra những thách thức lớn đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh Biển Đông vốn đã có nhiều tranh chấp. Việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc thông qua máy bay tàng hình có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực khu vực và tiềm ẩn nguy cơ xung đột nếu không có sự kiểm soát và đối thoại từ các bên liên quan…

Ngoài các tác động đã nêu, sự hiện diện của máy bay tàng hình J-35A còn tạo ra và thúc đẩy cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về công nghệ quân sự ở Biển Đông và toàn khu vực châu Á. Các nước trong khu vực, nhất là những nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia, sẽ phải tăng cường năng lực quốc phòng hơn nữa thông qua đầu tư vào công nghệ radar tiên tiến và các hệ thống phòng không chống được loại máy bay tàng hình, cũng như phải điều chỉnh quan điểm, chính sách quốc phòng và liên minh chiến lược để cân bằng lại sức ép từ Trung Quốc…

Tóm lại, trong khi Trung Quốc hoan hỷ với thành tựu phát triển máy bay quân sự tàng hình của mình, thì cộng đồng quốc tế lại có lý do để lo lắng. Bởi, thành tựu trên giúp Trung Quốc củng cố vị thế quân sự; tuy nhiên, khía cạnh khác, nó lại tăng nguy cơ bất ổn và đối đầu ở Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới