Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Quân bài" hòa bình của ông Trump ở Ukraine

“Quân bài” hòa bình của ông Trump ở Ukraine

Ngay sau chiến thắng áp đảo ở cuộc bầu cử ngày 6-11 vừa qua, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã lập tức bắt tay vào thực hiện cam kết sẽ kết thúc chiến sự ở Ukraine ‘trong vòng 24 giờ’.

Mặc dù tình hình lúc này đã khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đương nhiệm Lloyd Austin phải thừa nhận không có “viên đạn bạc” nào ở Ukraine – nghĩa là không có giải pháp đơn lẻ nào có thể đảo ngược tình thế, nhưng ông Trump lại đang cho thấy một viễn cảnh khác.
Hai bên đồng ý hợp tác cùng nhau để hướng tới mục tiêu khôi phục hòa bình ở châu Âu.

Người phát ngôn Hebestreit của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiết lộ cuộc điện đàm của ông Scholz với Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 10-11


Ba “quân bài” của ông Trump

Sở hữu khá nhiều “quân bài” có ảnh hưởng đủ lớn để cả hai phía Ukraine và Nga cảm thấy cần phải cân nhắc thu hẹp khoảng cách trên bàn đàm phán, có vẻ ông Trump đang dần định hình một “viên đạn bạc” tiềm năng cho vấn đề Ukraine.

Quân bài đầu tiên chính là “nhận thức mới” của cả hai phía Nga và Ukraine về thiệt hại lâu dài từ một cuộc chiến tranh tiêu hao đang khiến tất cả các bên dần kiệt sức.

Tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại về trao đổi tù binh với Nga từ ngày 3-11, sự từ bỏ lập trường chỉ trích để chuyển sang tiếp thu sáng kiến hòa bình của Trung Quốc – Brazil, cùng diễn ngôn ủng hộ từ chính Tổng thống Zelensky đối với chủ trương “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump đang củng cố các tiền đề xuống thang chiến sự.

Không chỉ vậy, phía Nga cũng đang có những động thái biểu hiện mong muốn tạm dừng leo thang ở giai đoạn được đánh giá có nhiều lợi thế “thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 9-11 đã biểu thị thái độ sẵn sàng lắng nghe các đề xuất từ ông Trump, đồng nghĩa với việc thừa nhận viễn cảnh nước Mỹ trở thành trung gian hòa giải chính thức cho cả hai phía Nga – Ukraine.

Quân bài thứ hai của ông Trump liên quan đến những “kết nối cuối” giữa Nga và Ukraine mà tỉ phú Elon Musk đã dày công duy trì đến thời điểm này.

Theo các công bố độc quyền của tờ Wall Street Journal về quá trình bí mật giữ liên lạc thường xuyên với Tổng thống Putin kể từ thời điểm bùng nổ chiến sự đến nay, kết hợp cùng với thiện cảm mà Tổng thống Zelensky dành cho mạng lưới Internet vệ tinh Starlink của Tập đoàn SpaceX đã khiến “nhân tố Musk” trở thành kết nối chủ chốt sau cùng giữa Nga và Ukraine.

Do đó, sự tham gia của ông Musk trong cuộc gọi của Tổng thống đắc cử Donald Trump với lãnh đạo cao nhất của Ukraine ngày 6-11 vừa qua, và có thể cả trong điện đàm với ông Putin sắp tới đây, sẽ phát huy triệt để hiệu quả của “kết nối cuối” này.

Và quân bài thứ ba của ông Trump nằm ở giá trị của những “món quà cuối” mà Chính phủ Mỹ cùng các đối tác phương Tây có thể gửi cho Ukraine.

Điển hình nhất chính là gói viện trợ “phút chót” trị giá 6 tỉ USD mà chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cam kết sẽ giải ngân cho Ukraine, đi cùng với cơ chế Tăng tốc doanh thu bất thường (ERA) trị giá 50 tỉ USD mà khối các nền kinh tế phát triển (G-7) dành cho Ukraine dựa trên khoản lãi suất từ 330 tỉ USD tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa.

Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác đã ước tính chi phí phục hồi và tái thiết của Ukraine vào khoảng 500 tỉ USD và đang ngày càng tăng cao nên các khoản hỗ trợ nói trên chỉ đủ duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine thêm 6 tháng.

Lập trường “không cam kết” tăng viện trợ của ông Trump vì vậy sẽ tạo áp lực hiệu quả đối với khả năng đưa Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, cũng như sức ép cả với phía Nga trong trường hợp ông Putin không chịu xuống thang chiến sự khiến cho Trump sẽ cân nhắc duy trì trở lại dòng tiền viện trợ.


Những viễn cảnh lạc quan

Phát huy cả ba “quân bài” nói trên, phương án hòa bình của ông Trump đang được nhận diện thông qua ba bước đi được triển khai đồng bộ bằng những công bố không chính thức đối với các nỗ lực mang tính “thí điểm” nhằm bóc tách từng lớp mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine.

Theo nhiều nguồn tin, một trong những bước đi đầu tiên mà phía ông Trump đang hướng đến là thiết lập một “vùng đệm” phi quân sự dọc theo tiền tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine dài hơn 1.200km và được lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đảm bảo an ninh.

Bước đi nói trên sẽ tạo nền tảng cho các triển khai tiếp theo nhằm hóa giải những điều kiện khó thực hiện thành các đề nghị khả thi hơn ở cả hai bên tham chiến. Trong đó, ông Trump có thể thay thế các khoản tài chính dùng cho viện trợ vũ khí bằng việc xây dựng quỹ viện trợ phục hồi dân sự cho Ukraine hoặc trì hoãn lộ trình gia nhập NATO nhưng ủng hộ đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU của Ukraine.

Thêm vào đó, ông Trump cũng có thể phát huy các lợi ích tương đồng mới giữa Nga và Ukraine với chủ trương ủng hộ tiền kỹ thuật số vốn đang trở thành một trụ cột trong chương trình nghị sự khi tranh cử của ông.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cả Nga và Ukraine giữ vai trò các trung tâm giao dịch tiền kỹ thuật số quan trọng và đều đang được hưởng lợi từ sự lên giá kỷ lục của các đồng Bitcoin sau chiến thắng của ông Trump ngày 6-11.

Tựu trung lại, khi viễn cảnh kết thúc chiến sự ở Ukraine được ước lượng sẽ chấm dứt khả năng thiệt hại tài chính khoảng 100 tỉ USD của Mỹ và gần 200 tỉ USD của châu Âu thì dường như một vũ đài mới đang dần được định hình phù hợp với các quân bài chủ lực và lợi thế đàm phán của ông Trump.

Cả Nga và Ukraine đều đang cùng thực hiện những quyết định táo bạo hơn trên chiến trường trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1-2025.

Trong khi Nga triển khai quân đội Triều Tiên trên cả hậu phương và tiền tuyến của họ cùng thời điểm một lượng lớn quân đội Belarus áp sát biên giới phía bắc với Ukraine kể từ đầu tháng 11, thì phía chính quyền Tổng thống Zelensky cũng vừa tiến hành cuộc không kích bằng máy bay không người lái (drone) quy mô lớn nhất vào thủ đô Matxcơva của Nga vào tối 9-11.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới