Dự kiến, ngày 16/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2024 ở Peru, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau.
Trong bối cảnh chính trị đặc thù đầy bất định từ phía Mỹ: ông Biden sắp kết thúc nhiệm kỳ, thái độ khó lường của cựu Tổng thống Donald Trump, những áp lực địa chính trị khu vực…, câu hỏi giới quan sát đặt ra là: đây là cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai siêu cường, hay chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng?
Bang giao Mỹ – Trung, trong những năm gần đây, nhiều biến động lớn và phức tạp. Cuộc chiến thương mại do tổng thống Donald Trump phát động năm 2018 khiến hai quốc gia này ngày càng xa cách. Dưới nhiệm kỳ của ông Biden, một số nỗ lực ngoại giao đã được khởi động nhằm làm dịu căng thẳng, đáng chú ý là cuộc gặp thượng đỉnh tại Bali, tháng 11 năm 2023 và các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, những thiện chí ít ỏi này chưa đủ làm nên cái nền vững chắc. Lợi ích vẫn là hố sâu thăm thẳm khiến hai bên tiếp tục các động thái làm gia tăng căng thẳng. Việc Mỹ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết khẳng định chủ quyền tại Đài Loan và Biển Đông, gây lo ngại cho Mỹ và các đồng minh.
Cuộc gặp tại Peru, vì thế, nhiều khả năng mang tính biểu tượng. Vào lúc hoàng hôn nhiệm kỳ, ông Biden cần tạo dấu ấn về ngoại giao trước khi chuyển giao quyền lực, nhằm hai mục tiêu có thể coi là “di sản”. Thứ nhất, qua một nhiệm kỳ chứng kiến nhiều thách thức trong chính sách đối ngoại, từ xung đột Ukraine đến căng thẳng với Trung Quốc, ông Biden muốn giảm căng thẳng với Bắc Kinh, bởi điều đó sẽ giúp ông xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo thúc đẩy hòa bình và ổn định thay vì một tổng thống hiếu chiến – như ông Trump từng công kích trong các chiến dịch tranh cử. Thứ hai, giã từ Nhà Trắng, ông muốn để lại nền tảng hợp tác bền vững để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng thương mại và công nghệ giữa hai nước, bất kể chính quyền kế nhiệm là của đảng nào.
Về phía mình, ông Tập Cận Bình thừa nhạy bén để coi đây là cơ hội củng cố vị thế Trung Quốc trên trường quốc tế cũng như thúc đẩy lợi ích lâu dài. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn, từ giảm tốc tăng trưởng đến áp lực do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Bắc Kinh cần một môi trường quốc tế ổn định hơn để tập trung phát triển kinh tế trong nước. Bắc Kinh cũng muốn nhân cơ hội này tạo thế cân bằng với Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan, và nhân thể, nhắc lại cho Mỹ “thấm nhuần” thông điệp đã nói với các nhà đầu tư Mỹ ngày 15/11/2023 tại tại San Francisco, rằng: “Mỹ và Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc trở thành đối thủ hoặc đối tác…”
Tuy nhiên, theo giới quan sát, kỳ vọng về một thỏa thuận mang tính đột phá là không cao. Hai bên chỉ có thể đạt được các bước tiến nhỏ, như tái khôi phục các kênh liên lạc quân sự, thỏa thuận hạn chế các biện pháp trừng phạt kinh tế, hoặc hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Những vấn đề mà cả hai bên đều coi là có tính nguyên tắc, là “lằn ranh đỏ” – như vấn đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông… chắc chắn khó có thể đạt được sự đuề huề…
Dù vậy, cuộc gặp này không vì thế mà giảm đi sự quan trọng, vẫn là một sự kiện không chỉ quan trọng với Mỹ và Trung Quốc mà còn có tác động lớn đến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lý do đơn giản: là hai siêu cường hàng đầu thế giới, bất kỳ sự cải thiện hay xấu đi nào trong quan hệ Mỹ – Trung đều có thể ảnh hưởng đến ổn định khu vực và toàn cầu.
Hội nghị APEC, nơi quy tụ các nhà lãnh đạo khu vực, là một bối cảnh phù hợp để cả hai bên gửi đi thông điệp về hòa bình và hợp tác. Các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – những đối tác quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc – chắc chắn đều đang kỳ vọng vào một kết quả tích cực, giúp giảm bớt căng thẳng và tạo cơ hội phát triển kinh tế khu vực.
Ngoài ra, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và lò lửa Trung Đông vẫn đang nóng rực. Một tín hiệu tích cực từ hai siêu cường sẽ tạo động lực cho các nỗ lực ngoại giao trong các vấn đề khác…
Do vậy, dù mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất, cái nắm tay của ông Biden và ông Tập Cận Bình vào cuối tuần này tại Peru vẫn được dư luận coi là cơ hội để hai bên xây dựng lòng tin, giảm bớt căng thẳng – tiền đề cho mối quan hệ Mỹ – Trung ổn định hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít nhà phân tích chính trị quốc tế vấn bị ám ảnh bởi cái bóng đồ sộ của ông Donal Trump – người vừa chiến thắng giòn giã trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, và chỉ nay mai thôi, sẽ ngự trong Nhà Trắng. Ông Trump hẳn không mấy hào hứng với sự kiện này. Bởi trong nhiệm kỳ trước và chiến dịch tranh cử năm 2024, ông luôn giữ lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, và từng chỉ trích các chính sách của ông Biden là “yếu đuối”, tạo điều kiện để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
T.V