Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChính sách thương mại trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Trump

Chính sách thương mại trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Trump

Việc ví von “thuế quan là từ đẹp nhất trong từ điển”, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có hàm ý bao quát mục tiêu chính sách thương mại mà chính phủ của ông đã theo đuổi trong nhiệm kỳ trước cũng như nhiệm kỳ sắp tới.

Ông Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản năm 2019

Với ông, thuế quan được sử dụng như một công cụ chiến lược để đối đầu với những bất công thương mại và vực dậy một số ngành sản xuất nội địa. Chính sách thương mại này là một phần quan trọng trong chương trình hành động “America First” (Nước Mỹ trên hết) mà ông theo đuổi.

Nhiều kinh tế gia cũng như nhà bình luận chính sách đã mạnh mẽ chỉ trích đường lối thương mại của Trump là bảo hộ thương mại và không có tác dụng tốt cho nền kinh tế nói chung (chẳng hạn như người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn và công nhân ở một số ngành nghề bị mất việc do bị đối phương áp thuế trả đũa).

Theo lý thuyết kinh tế chính thống, lợi ích của tự do thương mại là điều khó chối cãi. Nhưng thực tế, thương mại là chính sách được quyết định bởi chính trị. Và theo đây thì có thể thấy được sự hợp lý trong chính sách thương mại của ông Trump, bắt nguồn từ hai yếu tố quan trọng sau đây.

Hai yếu tố then chốt

Thứ nhất, sự trỗi dậy của Trung Quốc (với việc tăng cường sức mạnh kinh tế để tăng cường khả năng quân sự) buộc Washington phải nhìn nhận Bắc Kinh là đối thủ cần phải có biện pháp đương đầu ở mọi phương diện. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã phân tích rất kỹ kế hoạch “Made in China 2025” mà Trung Quốc theo đuổi. Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã kết luận rằng trong quá trình theo đuổi chính sách công nghiệp, Trung Quốc đã có những biện pháp bất công (chẳng hạn như ép những công ty Mỹ muốn làm ăn với Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ), gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Kết luận này đã mở đường cho việc Mỹ áp dụng các mức thuế nhập khẩu trừng phạt đối với Trung Quốc. Điều này bắt đầu với mức thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7.2018, mở màn cho thương chiến Mỹ – Trung.

Trong lần tranh cử vừa qua, ông Trump dọa sẽ đánh thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Khó đoán được liệu ông sẽ hiện thực hóa ở mức nào, vì đe dọa để đạt kết quả là một phần quan trọng trong sách lược của ông. Nhưng động thái này gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 sẽ cứng rắn hơn nữa trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Đây cũng là động thái hướng đến chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Để tránh thuế nhập khẩu cao từ Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia sẽ dời sản xuất từ Trung Quốc đến các nước khác hoặc vào Mỹ. Với sự cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng quyết liệt, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ cao, Washington sẽ không ngần ngại sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ hai, Tổng thống đắc cử Trump và những cố vấn thân cận ông về thương mại (chẳng hạn như cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer) tin rằng chính sách thương mại cần được thực thi để bảo vệ tầng lớp lao động Mỹ, đặc biệt là khu vực sản xuất ở những ngành như xe hơi và thép. Theo đó, vực dậy ngành sản xuất là hành động thiết thực nhất để giúp đỡ người dân và cộng đồng đã bị hàng nhập khẩu gây thiệt hại. Hơn nữa, điều này giúp duy trì một nền tảng công nghiệp cần thiết cho an ninh quốc gia. Thực tế, không ngẫu nhiên mà Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, có sản lượng dư thừa để bán tháo vào thị trường Mỹ.

Cuộc rà soát sắp đến
Các nhà phê bình sẽ nhanh chóng chỉ ra rằng khu vực sản xuất hiện chiếm chưa tới 20% GDP Mỹ và việc đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu như thép sẽ làm tăng giá thành sản xuất của nhiều ngành khác sử dụng thép đầu vào, không đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế. Trong một động thái khá thú vị, 23 khôi nguyên Nobel Kinh tế đã ký một lá thư ngỏ ủng hộ bà Kamala Harris và chỉ trích chính sách kinh tế của ông Trump là “phản tác dụng”.

Nhưng có lẽ, phần lớn người lao động và cộng đồng bị thiệt hại bởi nhập khẩu bất đồng với ý kiến này và có thể họ xem ông Trump là “vị cứu tinh”. Đón nhận chiến thắng của ông Trump, thị trường chứng khoán Mỹ cũng trải qua một ngày tăng điểm kỷ lục.

Theo phương thức sử dụng công cụ thuế, chính quyền Trump thích thương lượng song phương hơn là đa phương như thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nước đối tác có thể trông đợi điều này trong 4 năm tới khi chính quyền Trump rà lại các hiệp định thương mại của Mỹ để theo đuổi mục tiêu mới.

Kể từ khi lên cầm quyền lần đầu vào năm 2017, Tổng thống Trump đã thể hiện rất rõ rằng ông là người thực tế, có khuynh hướng thích thương lượng, trao đổi để đạt mục đích. Chính sách thương mại của ông Trump nhiệm kỳ 2 sẽ sôi động và thể hiện rõ ràng nhất một thực tế rằng chính trị – chứ không phải lý thuyết kinh tế – quyết định thương mại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới