Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHòa bình ở Ukraine: Nòng súng sẽ thuộc về châu Âu

Hòa bình ở Ukraine: Nòng súng sẽ thuộc về châu Âu

Ứng cử viên đắc cử Tổng thống Mỹ từng tuyên bố, ông sẽ lập lại hòa bình ở Ukraine sau 24 giờ. Mới đây trong không khí vô cùng phấn khích ông đã gọi điện cho Tổng thống Nga Putin nói rằng ông không thay đổi ý kiến.

Nhà tỷ phú cứ nói đại như thế. Cứ khoán cho ông 2400 giờ chắc gì đã giải quyết được (!). Bởi vì hiện nay Kiev và Moscow vẫn căng nhau, không có chút ánh sáng nào cuối đường hầm. Căng như dây đàn ở bốn vấn đề: 1-Ukraine sẽ không gia nhập NATO ít nhất trong hai thập niên; 2-Chấp nhận để Nga chiếm đóng vĩnh viễn 20% diện tích, trong đó có các vùng lãnh thổ của 4 khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia mà nước này tuyên bố sáp nhập; 3- Thiết lập một khu vực phi quân sự kéo dài 1.200km; 4- Đi đến một thỏa thuận tạo ra DMZ.

Trong khi đó ông Zelensky tuyên bố cứng rắn, sẽ giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Moscow chiếm giữ. Kiev cũng bác bỏ việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga; phản đối một cuộc xung đột đóng băng; tiếp tục khẳng định Kiev cần “lời mời gia nhập NATO vào chính lúc này”.

Như vậy là Kiev không chịu lùi một nửa bước chân. Cái dây đàn vẫn tiếp tục căng, bởi bốn vấn đề đã vướng từ lâu, không phải là chuyện mới phát sinh. Có chăng chỉ có một vấn đề mới do ông Trump nêu lên, rằng, nếu Kiev chấp nhận những đề xuất của ông thì ông sẽ cho dừng ngay các khoản viện trợ chiến tranh. Khi ấy “nòng súng sẽ thuộc về châu Âu”. Mỹ không phải lúc nào cũng è vai gánh vác “món nợ” khổng lồ này. Một cộng sự đắc lực của ông Trump nói rằng: “Chúng tôi sẽ không trả tiền cho việc đó. Hãy để Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều đó”.

Bây giờ hãy thử xem việc thiết lập khu phi quân sự ở Ukraine sẽ được tiến hành ra sao nếu hai bên đồng ý. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện vẫn chưa rõ khu vực phi quân sự sẽ ở đâu. Mới chỉ có câu nói mơ hồ của Phó Tổng thống đắc cử JD Vance: Một “thỏa thuận hòa bình” có thể đồng nghĩa với việc “tiền tuyến phân chia hiện tại giữa Nga và Ukraine trở thành khu vực phi quân sự”.

Trước sự căng thẳng này, ông Trump tạm thời “không tranh luận”. Sân golf sẽ là nơi để ông “vừa chơi vừa nghĩ” tiếp. Một người thân tín từng làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Trump nhận định: Chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1/2025 sẽ yêu cầu Tổng thống Ukraine có “một tầm nhìn thực tế cho hòa bình”. Quả vẫn là một vấn đề mang tính đạo lý. Lúc này câu nói “Họng súng đẻ ra chính quyền” của Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thấy thật có lý. Không chiến thắng bằng ngoại giao thì chỉ có con đường bạo lực quân sự, người xưa nói phải tuốt gươm đúng lúc.

Khi bàn đến khu vực phi quân sự cũng không hề đơn giản. Nó không giống như sân bóng đá chỉ kẻ vạch vôi là xong. Câu hỏi đặt là, khu vực phi quân sự có bao gồm biên giới được quốc tế công nhận giữa Nga và Ukraine hay không? Sự hiện diện của Kiev ở khu vực Kursk trong những tháng gần đây đã khiến điều này trở nên phức tạp hơn. Lại nữa, khu vực này sẽ rộng bao nhiêu? Liệu quân đội châu Âu có bảo đảm chắc chắn rằng nó không có hoạt động quân sự của Nga hoặc Ukraine hay không?

Khi bàn đến các khu vực phi quân sự thường êm tai hơn là xác định nó trên thực tế. Vấn đề quan trọng nhất là quá trình thực thi, nếu không thì bày ra cũng chả để làm gì, tranh cãi, xung đột về phạm vi kiểm soát của Kiev và Moscow sẽ như ma trận. Mặc dù khu vực phi quân sự có thể sẽ được các lực lượng của châu Âu giám sát, thay vì các lực lượng của Mỹ hoặc các tổ chức như Liên hợp quốc.

Cố nhiên, có thể tham khảo kinh nghiệm xây dựng khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Khu vực này ở bán đảo Triều Tiên đã khá thành công, là bởi Bình Nhưỡng và Seoul có thể liên lạc với nhau, nhưng nếu một đội quân tiến vào khu phi quân sự thì quân đội đối phương có quyền phản công đáp trả. Còn giữa Nga và Ukraine hoàn toàn khác. Sẽ không có bất kỳ lực lượng quân sự châu Âu nào muốn thò chân vào các khu vực phi quân sự. Việc triển khai lực lượng trên bộ tham gia chiến đấu là điều các quốc gia NATO không hề ủng hộ và Kiev không yêu cầu điều đó.

Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng, nếu một thỏa thuận tạo ra DMZ thì nó sẽ là theo các điều khoản của Tổng thống Putin và Nga. DMZ chỉ đơn giản được sử dụng làm tiền tuyến cho chiến dịch tiếp theo ở Ukraine trong 10 hoặc 15 năm nữa sau khi quân đội Nga nghỉ ngơi, tái tổ chức và rút ra những bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Có thể độc giả còn chưa rõ DMZ là gì? Chúng tôi xin giải thích: Đây là khu vực mạng đặc biệt nằm giữa vùng mạng LAN và mạng Internet, nơi chứa những thông tin cần thiết cho phép người dùng truy xuất vào từ internet. Khu vực này chấp nhận rủi ro các mối nguy hại tấn công từ internet.

DMZ sẽ gần như hợp pháp hóa việc chiếm đóng của Nga đối với một số lãnh thổ của Ukraine và củng cố quyền kiểm soát của Điện Kremlin đối với người dân Ukraine đang sống tại những khu vực này. Như vậy, một DMZ sẽ không chấm dứt xung đột theo bất kỳ điều kiện nào ngoài điều kiện của Nga.

Khó khăn như núi lửa trước mặt, chính là một thách thức khi ông Trump đã cưỡi trên lưng hổ. Hãy chờ xem nhà tỷ phú Mỹ, ông chủ Nhà Trắng nhiệm kỳ 2025-2029 có “bài” gì mới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới