Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTương lai khó lường trong xung đột Ukraine

Tương lai khó lường trong xung đột Ukraine

Những biến động chính trị tại Mỹ và châu Âu đang khiến cho diễn biến xung đột tại Ukraine trở nên khó đoán định.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels (Bỉ) để bàn về việc hỗ trợ Ukraine trong tương lai, trong bối cảnh Nhà Trắng đang chuẩn bị đổi chủ. Chuyến thăm “khẩn cấp” của ông Blinken diễn ra giữa cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức khi Thủ tướng Olaf Scholz đối diện với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Mỹ chuẩn bị cho tương lai

Bối cảnh đó đã đặt ra dấu hỏi lớn cho việc viện trợ sắp tới của phương Tây cho Ukraine. Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh sẽ chuyển giao hết nguồn viện trợ còn lại đã được quốc hội thông qua trị giá hơn 9 tỉ USD cho Ukraine trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2.2022, Mỹ đã cam kết viện trợ 175 tỉ USD cho Ukraine. “Từ giờ đến cuối nhiệm kỳ, họ sẽ cố gắng chuyển mọi thứ có thể”, AFP dẫn lời cố vấn cấp cao Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ).

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột nhanh chóng nhưng không nêu rõ kế hoạch, khiến các đồng minh của Washington lo ngại chính quyền mới sẽ ép Ukraine chấp nhận thỏa hiệp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng chưa biết hành động cụ thể của ông Trump là gì, nhưng nhấn mạnh chỉ có Kyiv mới có quyền đưa ra điều kiện để chấm dứt xung đột.

Phát biểu tại Paris ngày 12.11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố không nên quyết định bất cứ điều gì về Ukraine nếu thiếu người Ukraine. Theo khảo sát của Viện Xã hội học quốc tế Kyiv vừa công bố, tính đến đầu tháng 10, bất chấp tình hình khó khăn, đa số người dân Ukraine (58%) phản đối nhượng bộ lãnh thổ để có hòa bình.

Theo Reuters, chủ đề thảo luận của ông Blinken tại Brussels được cho là làm cách nào để châu Âu gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, khi vai trò tương lai của Mỹ trở nên không chắc chắn. Trước đó, cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người sẽ nhậm chức Cao ủy EU về đối ngoại và an ninh vào tháng sau, tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine đến khi nào còn cần.
Kyiv gặp khó

Trong khi đó, tình hình trên chiến trường được cho là không thuận lợi cho Ukraine. Quân đội Nga đã tiến lên dần tại miền đông Ukraine trong vài tháng gần đây và đang chuẩn bị mở một chiến dịch mới tại miền nam.

Nga khép dần vòng vây quanh Kurakhove, thành phố miền đông Ukraine nguy ngập

Người phát ngôn quân đội Ukraine Vladyslav Voloshyn ngày 12.11 cho hay Nga đang tập hợp lực lượng gồm bộ binh và xe thiết giáp, đồng thời gia tăng không kích nhằm mở đường cho một cuộc tấn công tại miền nam, đặc biệt là theo hướng Zaporizhzhia. Tại tỉnh Kursk của Nga, nước này cũng đang tập hợp 50.000 binh sĩ, gồm quân nhân CHDCND Triều Tiên, để đẩy lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ, theo Tổng thống Zelensky.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 12.11 xác nhận các binh sĩ Triều Tiên đã bắt đầu tham chiến cùng lực lượng Nga tại Kursk. “Hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được đưa sang miền đông Nga và hầu hết đã chuyển đến tỉnh Kursk ở miền tây, nơi họ đã bắt đầu tham gia chiến dịch chiến đấu với lực lượng Nga”, ông Patel nói. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng bình luận về thông tin quân nhân Triều Tiên hiện diện tại Nga là “vấn đề nghiêm trọng”, song ông cũng lưu ý rằng hai nước có thỏa thuận hợp tác, trong đó có điều khoản về phòng thủ chung. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Jong-gyu hồi tháng 10 không xác nhận về việc binh sĩ hiện diện ở Nga nhưng khẳng định nếu điều đó là thật thì cũng không trái với luật quốc tế.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới