Khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng ngày 20/1/2025, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn mới với những biến động chính trị quốc tế khó lường – như dự đoán của dư luận. Câu chuyện Biển Đông hẳn cũng không nằm ngoài tình trạng đó.
Không, trước hết vì Biển Đông, một trong những điểm nóng địa chính trị, chắc chắn sẽ tiếp tục là tâm điểm quan tâm của cả Mỹ và các quốc gia trong khu vực. Với tính cách không theo lối mòn và chính sách đối ngoại ưu tiên lợi ích của Mỹ, giới quan sát cho rằng, ông Trump có thể mang lại những thay đổi lớn trong cách tiếp cận đối với vấn đề Biển Đông.
Sau những gì đã làm hối hả, hiện Trung Quốc đã củng cố sự hiện diện bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ. Đối phó lại, các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Malaysia nỗ lực bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng lại thiếu sự đồng thuận và khả năng đối phó với sức mạnh vượt trội của Bắc Kinh.
Washington, dưới thời chính quyền Joe Biden, đã tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực, nhất là Philippines, và thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) để thách thức yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thay đổi trong lãnh đạo tại Nhà Trắng có thể đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược tiếp theo của Mỹ đối với Biển Đông.
Ưu tiên giải quyết xung đột Ukraine là quan điểm của ông Trump trong các chiến dịch vận động tranh cử. Thậm chí, thời gian đó, từ “Biển Đông” gần như chưa từng được ứng cử viên này nhắc tới. Do vậy, nếu ông tập trung ưu tiên vấn đề Ukraine trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Biển Đông có thể không nhận được sự chú ý ngay lập tức. Điều này có thể tạo ra khoảng trống chiến lược, cho phép Trung Quốc tăng cường các hoạt động ở khu vực mà không phải đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ – theo nhận định của giới phân tích chính trị quốc tế.
Nhưng sớm muộn gì, câu chuyện Biển Đông phải trở lại. Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của Trump sẽ tiếp tục định hình cách tiếp cận của ông đối với Biển Đông. Có điều, thay vì thúc đẩy một chiến lược toàn diện nhằm bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia khu vực, Trump có thể chỉ tập trung vào những khía cạnh mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ, chẳng hạn như đảm bảo tự do hàng hải cho các tàu thương mại Mỹ hoặc đối phó với các hành động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh kinh tế Mỹ.
Ông Trump nổi tiếng với phong cách đàm phán trực tiếp và mong muốn đạt được các thỏa thuận “có đi có lại”. Với vấn đề Biển Đông hiện nay, ông có thể tìm cách thiết lập các thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia trong khu vực hoặc thậm chí với chính Trung Quốc, nhằm giải quyết vấn đề một cách thực dụng. Có điều, cách làm này có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại về sự ích kỷ, thiếu đồng bộ trong cách tiếp cận, của Washington. Dù thường né tránh các cam kết quân sự dài hạn, ông Trump cũng nhận thức rõ giá trị chiến lược của việc duy trì sức mạnh quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trump có thể chỉ đạo tăng cường các hoạt động tự do hàng hải và tuần tra quân sự, nhưng với mục đích tạo áp lực lên Trung Quốc hơn là xây dựng một chiến lược đồng minh bền vững.
Nếu điều đó xảy ra thực, các nước trong khu vực nên hành xử như thế nào? Dư luận nghiêng về quan điểm: Việt Nam, Philippines, và các quốc gia khác nên tận dụng quan hệ song phương với Trump để nhận được sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế, đồng thời, “kéo” sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ dưới thời Trump nhiều hơn, khiến Trung Quốc phải e dè…Mặt khác, các nước trong khu vực cũng phải thấy rằng, ông Trump, với tính cách khó đoán và quan điểm ưu tiên lợi ích ngắn hạn, có thể khiến họ gặp khó khăn trong việc phối hợp và lập kế hoạch chiến lược dài hạn. Thậm chí, ngay từ lúc này, Hà Nội, Manila…cần phải lường tới tình huống “xấu nhất”: ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận riêng với Bắc Kinh mà không tính đến lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á.
Tóm lại, ông Trump có khả năng mang lại sự thay đổi lớn về cách tiếp cận của Mỹ đối với Biển Đông, nhưng mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào việc ông có thực sự coi đây là ưu tiên chiến lược hay không? Như vậy, nhiệm kỳ mới của Donald Trump có thể đánh dấu một giai đoạn đầy biến động tại Biển Đông, nhưng theo chiều hướng nào, “thuận” hay “nghịch” cho các quốc gia có tranh chấp với trên Biển Đông với Trung Quốc hay không, chỉ có thời gian mới có thể hạ hồi phân giải.
Và như vậy, thay vì trông đợi và kỳ vọng, các quốc gia liên quan tranh chấp tại Biển Đông với như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia cần chủ động tăng cường năng lực phòng thủ biển, đầu tư vào hải quân và lực lượng tuần duyên nhằm đảm bảo khả năng tự bảo vệ trước các hành động gây hấn, cưỡng bức của Trung Quốc.
Đồng thời, các nước này cũng nên tạm gác lại một số khúc mắc về chủ quyền trên biển, để tập trung cho việc xây dựng quan hệ đoàn kết. Những sáng kiến như tăng cường vai trò của ASEAN, hợp tác an ninh với Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ…cũng sẽ giúp họ tạo nên một mặt trận rộng hơn để đối phó với các thách thức đến từ Trung Quốc.
T.V