Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump ảnh hưởng quan...

Lựa chọn Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump ảnh hưởng quan hệ Mỹ – Trung ra sao?

Việc chọn người dẫn chương trình của Fox News làm Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump có thể mang đến nhiều sự khó lường cho mối quan hệ quân sự Mỹ – Trung.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth chuẩn bị trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.


Theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ lựa chọn ông Pete Hegseth, người dẫn chương trình truyền hình của Fox News và là cựu chiến binh, làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể mang đến nhiều sự khó lường hơn cho mối quan hệ quân sự vốn đã mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ – Trung có thể tệ hơn

Ông Pete Hegseth, 44 tuổi, cựu chiến binh từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan. Ông được biết đến là người thường xuyên chỉ trích giới truyền thông và Đảng Dân chủ, đồng thời có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn quảng bá cho cuốn sách gần đây của mình, ông Hegseth cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng một đội quân riêng biệt để đánh bại Mỹ”.

Năm ngoái, ông Hegseth nói trên chương trình truyền hình của mình rằng Trung Quốc có kế hoạch “thay thế” Mỹ về mặt văn hóa, tài chính và công nghệ “bằng cách tận dụng mạng lưới đối tác ngày càng mở rộng của họ”. Tổng thống Mỹ Joe Biden “rõ ràng là không đủ quan tâm để làm gì đó về vấn đề này”.

Zhu Feng, viện trưởng viện Nghiên cứu quốc tế của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), nhận định việc đề cử ông Hegseth có thể làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn đến quan hệ quân sự Mỹ – Trung.

“Mặc dù ông Hegseth có kinh nghiệm phục vụ quân đội lâu năm nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong việc đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống quân sự và quốc phòng Mỹ”, ông Zhu nói.

Ông Zhu chỉ ra rằng những đề cử của ông Trump cho các vị trí cấp cao trong chính quyền mới có một số đặc điểm chung, như họ đều chia sẻ các giá trị của Tổng thống đắc cử và giành được sự tin tưởng của ông. Điều này có thể dẫn đến những bất ổn mới cho tương lai quan hệ Mỹ – Trung.

Chuyên gia Trung Quốc cho biết có những lo ngại rằng các cân nhắc chính trị có thể làm suy yếu tính chuyên nghiệp, ảnh hưởng cá nhân của ông Trump có thể lấn át các tiêu chuẩn kỹ thuật và chuyên môn của các quan chức chính phủ Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ cố gắng giữ cho quan hệ song phương không bị lệch hướng kể từ năm ngoái. Hai bên khôi phục các cuộc trao đổi về quốc phòng trong những tháng gần đây để giảm thiểu rủi ro xung đột liên quan đến đảo Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn còn căng thẳng và việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể không giúp tình hình cải thiện.

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết quan hệ quân sự Mỹ – Trung có khả năng xấu đi hơn nữa, trong khi quan hệ song phương có thể tồi tệ hơn so với nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

“Tuy nhiên, Mỹ được dự đoán sẽ coi trọng việc ngăn chặn xung đột nghiêm trọng giữa hai lực lượng và đối thoại giữa quân đội là phương thức quan trọng để thực hiện điều đó”, ông Shi nói.

Lợi ích nước Mỹ trên hết

Lầu Năm Góc nhiều lần mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa thường trực của Mỹ”, quốc gia duy nhất có thể gây ra mối đe dọa mang tính hệ thống đối với Mỹ.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Washington phá hoại an ninh khu vực.

Mỹ đã tăng doanh số bán vũ khí cho Đài Loan và tăng viện trợ quốc phòng cho Philippines, hai trong những vấn đề chính đang gây ảnh hưởng đến quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và phải thống nhất, nếu cần thiết có thể dùng vũ lực.

Giống như hầu hết các quốc gia, Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập nhưng phản đối mọi nỗ lực kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực.

Mặt khác, Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các nhóm như AUKUS – quan hệ đối tác an ninh ba bên với Australia và Anh. Washington cũng thành lập một nhóm chiến lược và an ninh bốn bên với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, còn được gọi là Quad.

Giáo sư Shi cho rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với chính quyền mới của ông Trump bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng, mua thêm vũ khí Mỹ và cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn các căn cứ quân sự của họ. Những hành động này “chủ yếu nhằm mục đích chống lại Trung Quốc và đáp ứng lợi ích tài chính của Mỹ – hai yếu tố thường song hành với nhau”.

Chong Ja Ian, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Chính quyền mới của ông Trump muốn xem xét liệu các cuộc đối thoại quân sự song phương có mang lại lợi ích cho Mỹ hay không… bản thân các cuộc đối thoại này phụ thuộc vào những cân nhắc quan trọng hơn về chiến lược”.

Khi công bố đề cử ông Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng hôm 12/11, ông Trump cho biết: “Pete là người cứng rắn, thông minh và thực sự tin tưởng vào chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’. Với Pete lãnh đạo, kẻ thù của nước Mỹ sẽ được cảnh báo – Quân đội của chúng ta sẽ vĩ đại trở lại và nước Mỹ sẽ không bao giờ lùi bước”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hành động nhanh chóng để lấp đầy các vị trí hàng đầu của Nhà Trắng trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1/2025.

Các lựa chọn của ông bao gồm một số người theo đường lối cứng rắn khác đối với Trung Quốc, bao gồm nghị sĩ Florida Mike Waltz được đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia, và cựu giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe làm giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới