Thursday, January 23, 2025
Trang chủQuân sựTại sao các tướng lĩnh Mỹ đương nhiệm không được lãnh đạo...

Tại sao các tướng lĩnh Mỹ đương nhiệm không được lãnh đạo Lầu Năm Góc?

Theo luật pháp Mỹ, quân nhân tại ngũ không thể trở thành bộ trưởng quốc phòng và vị trí này hầu hết đến từ các ứng viên hoặc quan chức dân sự.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và ông Pete Hegseth


Ngày 12/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã lựa chọn người dẫn chương trình Pete Hegseth trở thành bộ trưởng quốc phòng tiếp theo của Mỹ. So với nhiệm kỳ trước, ông Trump đã có sự thay đổi lớn về quan điểm người đứng đầu Lầu Năm Góc cần phải là các tướng lĩnh.

Mặc dù ông Hegseth chưa hội tụ đầy đủ các yêu cầu để có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo Lầu Năm Góc nhưng ông là người ủng hộ trung thành cho ông Trump từ nhiệm kỳ đầu tiên. Ngoài ra ông Hegseth vẫn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cơ bản để trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ theo hiến pháp là xuất thân từ giới dân sự và từng phục vụ trong quân đội ít nhất 10 năm.

Dân sự kiểm soát quân sự tốt hơn

Theo Hiến pháp Mỹ, vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc do tổng thống đề cử với sự thảo luận và phê duyệt của Thượng viện Mỹ. Ngoài ra, quân nhân đang phục vụ trong quân đội không thể trở thành bộ trưởng quốc phòng. Điều này đã được Quốc hội Mỹ quy định trong luật an ninh quốc gia năm 1947 trong đó nêu rõ bộ trưởng phải được chỉ định từ giới dân sự.

Cũng theo luật này cựu quân nhân chỉ có thể đảm nhận vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ sau 7 năm kể từ khi họ giải ngũ và từng có ít nhất 10 năm phục vụ trong quân đội. Ngoại lệ duy nhất từ trước đến nay là Đại tướng George Marshall năm 1950, trong thời Chiến tranh Lạnh. Quyết định bổ nhiệm ông Marshall của Tổng thống Mỹ Harry Truman đã phải nhận được sự thông qua đặc biệt từ Quốc hội Mỹ.

Trong số 28 người từng đứng đầu Lầu Năm Góc, có 7 người chưa từng phục trong quân đội Mỹ. Bên cạnh đó chỉ có ít bộ trưởng quốc phòng Mỹ từng có quân hàm tướng như nhiều người đồng cấp ở các quốc gia khác.

Cũng theo luật an ninh quốc gia năm 1947 việc không chọn các ứng viên đang phục vụ trong quân đội Mỹ nhằm tuân thủ theo học thuyết quyền kiểm soát quân đội của dân sự. Theo học thuyết này, trách nhiệm ra quyết định mang tính chiến lược của một quốc gia phải nằm trong tay các nhà lãnh đạo chính trị dân sự, không phải là nhân viên quân đội chuyên nghiệp. Thậm chí, vũ khí hạt nhân ở Mỹ cũng thuộc sở hữu của cơ quan dân sự là Bộ Năng lượng Mỹ, không phải Lầu Năm Góc.

Những người giúp sức cho bộ trưởng quốc phòng như thứ trưởng và các thứ trưởng đặc trách cũng đều là người từ giới dân sự. Sĩ quan quân đội cấp cao đóng vai trò cố vấn cho bộ trưởng được gọi là tham mưu trưởng nhưng không phải là chỉ huy. Chỉ các lãnh đạo phụ trách lực lượng chiến đấu mới là chỉ huy và chỉ có bộ trưởng mới có quyền ra lệnh cho các chỉ huy quân đội.

Không chỉ có Mỹ, bộ trưởng quốc phòng các nước như Anh, Nhật hay Australia… cũng thường đến từ giới dân sự và đến từ các quan chức quân đội.

Một ví dụ về thay đổi vai trò của quan chức dân sự trong bộ quốc phòng ở các nước gần đây là việc Tổng thống Vladimir Putin bổ nhiệm một quan chức dân sự là ông Andrey Belousov vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Nga thay cho Đại tướng Sergei Shoigu.

Việc ông Putin lựa chọn ông Andrei Belousov là bất ngờ lớn bởi quan chức này không xuất thân từ quân đội. Trước đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cũng là một chính trị gia và doanh nhân.

Theo Hiến pháp Nga, các bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp sẽ do đích thân tổng thống đề xuất ứng cử viên và sẽ lấy ý kiến về việc bổ nhiệm với Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga).

Lầu Năm Góc cần lãnh đạo dân sự

Theo chuyên gia phân tích đối ngoại Benjamin Giltner, việc ông Donald Trump quay trở lại truyền thống bổ nhiệm một ứng viên dân sự làm bộ trưởng quốc phòng là cần thiết, một phần quyết định này dựa trên những khó khăn mà ông Trump gặp phải trong nhiệm kỳ đầu tiên bởi những bất đồng ý kiến với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Lợi thế của ông Pete Hegseth hiện tại là từng phục vụ trong quân đội. Hầu hết các quân nhân hoặc cựu quân nhân đều có kiến thức chuyên môn quân sự tốt hơn các quan chức dân sự.

Tuy nhiên, vị trí bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn yêu cầu ứng viên có tầm nhìn về chính trị. Người đứng đầu Lầu Năm Góc phải biết cách xây dựng chiến lược quốc phòng của Mỹ một cách toàn diện bao gồm về chính trị, xã hội và kinh tế, không chỉ về quân sự. Ví dụ, một số nhiệm vụ của một bộ trưởng quốc phòng sẽ quyết định về việc phân bổ kinh phí giữa mỗi nhánh của lực lượng vũ trang và giúp tạo ra thế trận lực lượng thông thường và hạt nhân nhằm bảo vệ nước Mỹ.

Việc bổ nhiệm một quan chức dân sự làm bộ trưởng quốc phòng còn ngăn chặn Lầu Năm Góc thiên vị đối với một nhánh quân sự này hơn các nhánh khác. Dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một quan chức quốc phòng dân sự có khả năng xem xét và cân bằng các vai trò và nhu cầu của từng nhánh quân sự một cách khách quan hơn so với cựu tướng lĩnh hoặc đô đốc.

Cuối cùng và quan trọng nhất việc bổ nhiệm một bộ trưởng quốc phòng dân sự sẽ củng cố lòng tin vào Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và Hiến pháp Mỹ. Với rất nhiều người Mỹ hiện cảm thấy bị giới chính trị gia bỏ mặc, sẽ là không khôn ngoan nếu làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt lòng tin ngày càng tăng giữa công chúng và quân đội.

Những người khai sinh ra nước Mỹ trước đây cũng tránh tập trung quyền lực quân sự. Một quan chức dân sự phụ trách quốc phòng có thể yêu cầu quân đội Mỹ chịu trách nhiệm với các nguyên tắc dân chủ của quốc gia. Ngoài ra còn đóng vai trò đối trọng với ảnh hưởng của Tổng tham mưu trưởng Liên quân đối với các quyết định của tổng thống.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới