Nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, chuyên gia cho rằng, đây là con số khá thận trọng. Khi những yếu tố tích cực như hiện nay được tiếp tục duy trì và phát huy, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch Quốc hội đề ra năm 2025 hoàn toàn khả thi.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 hoàn toàn khả thi
Chiều 12.11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025. Theo Nghị quyết, có 15 chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết nghị, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 – 7% và phấn đấu khoảng 7 – 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm tới còn nhiều bất định. Do đó, các chỉ tiêu của Chính phủ được thiết lập trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố thuận lợi và thách thức nhằm đảm bảo kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế nhận định – Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khá thận trọng. Với những yếu tố tích cực như hiện nay thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP như kế hoạch hoàn toàn khả thi. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân, và xuất nhập khẩu đang rất mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam cần chú ý về các rủi ro như biến động kinh tế thế giới, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ… nên việc đặt mục tiêu thận trọng là phù hợp.
“Hiện nay các động lực truyền thống như đầu tư công, đầu tư tư nhân, và xuất nhập khẩu đang được thúc đẩy mạnh. Các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và phát triển du lịch cũng đang trở thành những động lực quan trọng. Việc phân cấp, giảm thủ tục hành chính, và tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng riêng sẽ giúp huy động thêm nguồn lực và sáng tạo địa phương. Từ đó có thể thấy, Việt Nam đang có nhiều động lực tăng trưởng mới, kết hợp với việc cải thiện môi trường kinh doanh, sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Kịch bản tích cực, tôi dự báo năm 2025 GDP Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,5-8%” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định.
Vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc CIEM cho rằng, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nên diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025.
“Năm 2025, chúng tôi cho rằng địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn” – ông Thọ nói.
Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ dự báo xu hướng kinh tế Việt Nam năm 2025 cho thấy, sản xuất, kinh doanh khởi sắc (PMI năm 2024 cao trên 50, cao hơn 2023) tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều; vốn khu vực Nhà nước tiếp tục là điểm tựa. Vốn khu vực FDI năm 2025 sẽ tiếp tục là điểm sáng (9 tháng năm 2024 có 24,7 tỉ USD, tăng 11,6%). Sức mua của người Việt Nam tăng, tuy nhiên tăng không nhiều vì thu nhập của lao động chưa có đột phá; thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, nhờ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các hiệp định thương mại…
Từ phân tích xu hướng năm 2025, TS. Nguyễn Hữu Thọ kiến nghị một số giải pháp giúp tăng trưởng GDP. Đơn cử như về thể chế, tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, cải cách các thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường.
Về nguồn lực cho phát triển, tăng cường huy động vốn tư nhân, giảm lãng phí khu vực công và khu vực tư. Về hạ tầng cho phát triển, hạ tầng “cứng” (tiếp tục phát triển hạ tầng để tăng kết nối vùng, liên vùng), hạ tầng “mềm” (khoảng 40% hồ sơ cần tiếp nhận trực tuyến, doanh nghiệp số). Về chính sách hỗ trợ cho phát triển, tập trung vào hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu (khai thác tốt các hiệp định thương mại, giảm rủi ro vận tải đường biển qua vùng xung đột quân sự, phòng vệ thương mại…).
T.P